Vợ chồng tiến sĩ người Việt ở Đan Mạch: Dạy con luôn tự hào là người Việt Nam
Vợ chồng tiến sĩ người Việt ở Đan Mạch: Dạy con luôn tự hào là người Việt Nam
Tào Nga
Thứ năm, ngày 30/01/2025 15:19 PM (GMT+7)
Hơn 20 năm sống ở nước ngoài nhưng vợ chồng TS Nguyễn Thị Thu Hiền luôn dạy con tiếng Việt và văn hóa Việt, đến mức khi về Việt Nam nếu không để ý kỹ mọi người không biết 2 con của chị sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.
TS Nguyễn Thị Thu Hiền hiện là chuyên gia cao cấp Sinh Y, Bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, Phó Chủ tịch Hội Chuyên gia và tri thức người Việt tại Đan Mạch, Giám đốc mạng lưới Y tế của tổ chức các nhà khoa học và chuyên gia toàn cầu AVSE Global, Cố vấn chương trình Dẫn dắt tài năng (Lead The Talent) Đan Mạch.
Chồng chị là TS Lê Quý Vang- nhà khoa học dữ liệu lâm sàng cao cấp tại công ty dược phẩm đa quốc gia Novo Nordisk, (Đan Mạch) Đại sứ Công nghệ của NVIDIA, Chủ tịch Hội Chuyên gia và Trí thức người Việt Nam tại Đan Mạch (AVIDE), Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp Hội người Việt ở châu Âu và là CEO của NOVODAN - một công ty về dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và sinh y ở Đan Mạch.
Vợ chồng TS Hiền có 2 con là Lê Quý Nhân Nguyên (sinh năm 2009) và Lê Bảo Hân (sinh năm 2015), với nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ.
Gia đình TS Hiền chụp ảnh cùng Chủ tịch hội Đan Việt Trine Doan. Ảnh: N.V
Với Nhân Nguyên, cậu bé được học violin từ năm 3,5 tuổi, vào lớp mầm tài năng của thành phố năm 9 tuổi và hiện tại được lựa chọn vào lớp học tài năng âm nhạc, thành viên của dàn nhạc giao hưởng trẻ thành phố.
Năm 2023, Nguyên được gọi vào đội tuyển bơi lội của thành phố. Thành tích bơi hiện tại của bạn là 3km bơi liên tục trong 1 tiếng không ngừng nghỉ. Cậu bé còn được bình chọn là học sinh tài năng nhất trường học của bạn ấy theo học năm học 2023. Ngoài ra Nhân Nguyên còn giành các thành tích khác về cờ vua, đạp xe, cưỡi ngựa, chạy, leo núi, nhảy xa và bóng đá…
Cậu bé hiện tại là admin, quản lý và điều hành một cộng đồng chơi game, thành thạo tiếng Việt, Đan Mạch, tiếng Anh và tiếng Pháp. Cậu bé luôn nói rằng, khi học một thứ mới mình phải học với tinh thần khiêm tốn, cầu thị và học với tư thế của một người chưa biết thì mới học được nhiều.
Các con của TS Hiền giúp mẹ nấu các món ăn Việt Nam. Ảnh: N.V
Gia đình TS Nguyễn Thị Thu Hiền luôn khẳng định mình là người Việt Nam, biết nói tiếng Việt và hiểu văn hóa Việt. Chị Hiền đọc rất nhiều sách trước khi chị có con. Khi con chị còn bé, bố mẹ nói chuyện và đọc sách tiếng Việt cho con, những cuốn sách của nhà văn Tô Hoài. Con trai lớn của chị có thể đọc và viết tiếng Việt, mẹ luôn yêu cầu bạn đọc sách, viết thư cho mẹ.
Với Bảo Hân, gia đình TS Vang - Hiền có quan điểm cho con đi học cảm thấy mỗi ngày là một ngày vui, gặt hái được điều gì chứ không phải điểm số. Bảo Hân trong mắt bố mẹ là một cô bé hồn nhiên, hạnh phúc và có giao tiếp tốt, yêu thích nhạc họa và ca hát. Cô bé đi học từ lớp 0-3 năm nào cũng được chọn là em bé đáng yêu nhất trường. Bảo Hân có giọng hát tốt và tham gia vào nhóm nhạc ở trường. Bảo Hân cũng được bố dạy vẽ và mới đây đã vẽ toàn bộ tranh minh họa cho sách của mẹ.
Tuy nhiên, theo TS Hiền, trẻ con có nhiều loại hình thông minh khác nhau và cha mẹ không nên gò ép con vào một lối tư duy như học các môn tự nhiên mới là giỏi. Mọi người hay nói "con nhà người ta" và so sánh với con nhà mình. Quan điểm của gia đình chị Hiền là mỗi đứa trẻ phát triển khác nhau và là cha mẹ cần tạo điều kiện tốt nhất cho con phát triển, quan trọng là các bạn được trải nghiệm để biết mình muốn trở thành ai, muốn làm điều gì và điều gì làm cho mình hạnh phúc nhất.
"Nhà tôi có quan điểm. Thứ nhất là luôn tạo những khoảng thời gian chất lượng khi gia đình ở bên nhau. Do không có ông bà hay giúp việc nên mọi việc từ ăn uống, vui chơi đều làm cùng nhau. Đến khi các con ngủ thì bố mẹ làm việc. Thứ hai, muốn con dùng thiết bị điện tử một cách thông minh. Trước 10 tuổi, con chỉ được dùng internet tự do 1 tiếng trong ngày thứ 7, còn lại vui chơi, hoạt động cùng bố mẹ ở ngoài vườn"-chị Hiền cho biết.
TS Hiền kể, con học buổi sáng đến 15 giờ 15, có ngày đến 13 giờ 30, sau đó có thể tham gia học ngoại khóa nếu muốn. Đặc điểm khác biệt là ở Đan Mạch không học thêm mà chỉ học các môn ngoài theo sở thích. Cuối tuần học sinh có thể học ngoại khóa nếu muốn, còn con của TS Hiền thì dành thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi hoặc thỉnh thoảng đi biểu diễn nhạc theo chương trình tài năng.
"Nhà tôi 2 vợ chồng đều là nhà khoa học nên hiểu giấc ngủ với trẻ rất quan trọng về phát triển thể chất, lấy lại tinh thần và làm đầy năng lượng. Tùy theo từng tuổi, bạn lớn dù 15 tuổi vẫn ngủ từ 9h30 tối, khoảng 9h dừng sử dụng điện thoại, đọc sách để đi ngủ. Đứa trẻ trong giai đoạn dậy thì, nếu stress quá mà mất ngủ, trẻ sẽ còi cọc và kém cao, không khỏe mạnh bằng. Bạn nhỏ thì ngủ nhiều hơn, tối thiểu 10 tiếng/đêm. Còn cuối tuần có thể ngủ thả cửa 12 tiếng"- chị Hiền nói.
Tự hào là người Việt Nam
Đánh giá về tầm quan trọng của việc dành thời gian cho con, chị Hiền cho biết: "Đây là điều vô cùng quan trọng. Con là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, nhiều khi chúng ta sẽ thấy con hành động giống mình. Cả hai vợ chồng tôi đều có quan điểm dạy con trong tỉnh thức và có trí thức. Mình sửa mình trước, trẻ con sẽ làm theo những gì cha mẹ làm chứ không phải cha mẹ nói. Vợ chồng tôi luôn cố gắng học về tâm sinh lý phát triển của trẻ trước mỗi giai đoạn của con đến 2, 3 năm để xem con thay đổi gì. May mắn khi mình đồng hành với con trong chặng đường giúp con có khả năng tự lập, tự giác, có khả năng đưa ra quyết định. Nhà tôi ngay từ đầu không chú trọng con có kiến thức toán học hay khoa học nhưng kỹ năng sống rất quan trọng, ví dụ khả năng quản lý thời gian, khả năng chăm sóc bản thân, phản biện, team work… Phân công việc nhà cho các bạn, nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn trưa, dọn dẹp nhà cửa, các bạn làm rất tự nhiên. Từ 2, 3 tuổi các bạn có thể làm việc nhà phù hợp với lứa tuổi".
Gia đình TS Hiền ở nước ngoài hơn 20 năm và chị cảm nhận Đan Mạch là môi trường khá lý tưởng cho sự phát triển và giáo dục của con. Tuy nhiên, chị luôn giữ cho gia đình mình truyền thống của người Việt.
Trong bữa ăn hằng ngày, chị cố gắng lên thực đơn cho cả tuần, nấu nhiều món Việt và giới hạn tối đa cả nhà sẽ nấu 45 phút cho một bữa. Còn cuối tuần con muốn ăn phức tạp như phở, nem thì các con phải làm cùng với mẹ.
Gia đình chị luôn khẳng định mình là người Việt Nam, biết nói tiếng Việt và hiểu văn hóa Việt. Chị Hiền đọc rất nhiều sách trước khi chị có con. Khi con chị còn bé, bố mẹ nói chuyện và đọc sách tiếng Việt cho con, những cuốn sách của nhà văn Tô Hoài. Con trai lớn của chị có thể đọc và viết tiếng Việt, mẹ luôn yêu cầu bạn đọc sách, viết thư cho mẹ.
Ngoài ra, bố mẹ thường dành thời gian ít nhất 15 phút mỗi ngày nói chuyện với con. Chị hiểu ý nghĩa của việc nói tiếng Việt rất quan trọng, vì vậy, con của TS Hiền không những các bạn nhỏ nói, đọc mà còn viết được tiếng Việt.
Được biết, gia đình chị Hiền khoảng hơn một năm lại về Việt Nam một lần. Các con rất thích về Việt Nam và hay lên một danh sách các điểm cần đến. "Hai bạn nhỏ nhà mình về Việt Nam, nếu không để ý kỹ mọi người sẽ biết 2 bạn ấy sinh ra ở nước ngoài"- chị Hiền chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.