Võ công của Hoàng Phi Hồng có đạt tới cảnh giới 1 chọi 10 như trên phim?
Theo Sohu, Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp, Diệp Vấn và Trần Chân là 4 đại sư võ thuật thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh Trung Quốc. Đã có hàng trăm bộ phim lấy ý tưởng từ cuộc đời và võ nghệ của 4 nhân vật này. Tuy nhiên, chỉ Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp và Diệp Vấn là nhân vật có thật. Trần Chân là nhân vật hư cấu.
Ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày nay, người ta vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại về Hoàng Phi Hồng – vị đại sư võ nghệ cao cường, hành nghề y rất giỏi.
1. Luyện võ từ nhỏ
Theo Sohu, Hoàng Phi Hồng sinh ngày 19/8/1847 vào giai đoạn cuối thời nhà Thanh, đầu thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc. Quê gốc ông ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông – mảnh đất giàu truyền thống võ học.
Hoàng Phi Hồng là con trai Hoàng Kỳ Anh, vốn là đệ tử của phái Nam Thiếu Lâm, võ nghệ rất giỏi.
Vào những năm 1840, Hoàng Kỳ Anh được mệnh danh là một trong “thập hổ” (10 con hổ) đất Quảng Đông. Nhưng vì gia cảnh nghèo khó, không có chỗ dựa, Hoàng Kỳ Anh chỉ có thể làm nghề mãi võ và bán thuốc dạo để mưu sinh.
Hoàng Phi Hồng tỏ ra có tài năng thiên phú về võ nghệ. Nhìn cha mãi võ, ông có thể ghi nhớ và học được nhiều chiêu thức. Lên 8 tuổi, Hoàng Phi Hồng đã theo cha mãi võ khắp tỉnh Quảng Đông.
Năm 1860, Hoàng Phi Hồng khi đó mới 13 tuổi đã đấu tay đôi với Lâm Phúc Thành – võ sư nổi tiếng đất Phật Sơn. Không rõ thắng thua ra sao, nhưng sau đó Hoàng Phi Hồng được Lâm Phúc Thành khen ngợi, dạy cho Thiết tuyến quyền (môn võ chú trọng dùng lực cánh tay).
Hoàng Phi Hồng cũng được học Vô ảnh cước (môn võ chủ yếu sử dụng những cú đá) từ Tống Huy Thang – võ sư ở Quảng Đông.
Theo Sina, trên đường đi mãi võ cùng cha, Hoàng Phi Hồng được gặp gỡ và học hỏi từ nhiều võ sư khác nhau. Các tuyệt kỹ của Hoàng Phi Hồng bao gồm Hổ hạc song hình quyền, Thiết tuyến quyền, Tứ lượng tiêu long côn, Tử mẫu đao, Song phi đà, Đơn song hổ trảo, La hán bào…
Hầu hết các võ sư ở đất Quảng Đông đều đánh giá Hoàng Phi Hồng có tài năng võ thuật, hỏi học rất nhanh, tài nghệ hơn cả người cha là Hoàng Kỳ Anh.
2. Trở thành danh sư
Từ những năm 1820, nhà Thanh ngày càng suy yếu. Khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1851 – 1864).
Từ năm 1840 đến 1860, nhà Thanh 2 lần xảy ra “Chiến tranh thuốc phiện” với phương Tây và đều thất bại. Năm 1900, liên quân 8 nước tiến vào Bắc Kinh, nhà Thanh gần như sụp đổ.
Trong khi chính quyền nhà Thanh ngày càng hủ bại, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Tỉnh Quảng Đông – vùng đất trù phú, có cảng biển – là khu vực hỗn loạn nhất. Vốn bản tính hào hiệp, Hoàng Phi Hồng không thể ngồi yên.
Theo China Times, năm 1875, Hoàng Phi Hồng một mình đánh đuổi hàng chục tên cướp xông vào một cửa tiệm ở Phật Sơn, Quảng Đông. Sự kiện này giúp Hoàng Phi Hồng nổi danh khắp tỉnh Quảng Đông.
Năm 1876, Hoàng Phi Hồng ra tay bênh vực một người bán hàng rong ở Hong Kong. Ông dùng tuyệt kỹ Bát quái côn (môn võ gậy) đánh bại hàng chục tên côn đồ có vũ khí.
Năm 1877, được sự giúp đỡ của một đệ tử và người hâm mộ, Hoàng Phi Hồng mở một võ đường ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Ông cũng hành nghề y và nổi tiếng với các bài thuốc trị viêm sưng, bầm tím và phục hồi gân cốt.
Theo China Times, thời gian ở Quảng Châu, Hoàng Phi Hồng và các đệ tử nhiều lần hành hiệp trượng nghĩa, đánh đuổi bọn trộm cướp, côn đồ và giữ trật tự trị an. Ông được người dân ca ngợi và là võ sư nổi tiếng nhất tỉnh Quảng Đông thời bấy giờ.
Năm 1882, Hoàng Phi Hồng được Hải quân Quảng Châu (nhà Thanh) mời làm giáo quan, huấn luyện võ nghệ cho binh sĩ.
Năm 1886, Hoàng Kỳ Anh qua đời. Hoàng Phi Hồng cũng từ chức giáo quan và chuyên tâm hành nghề y tại hiệu thuốc Bảo Chi Lâm.
Theo Zhuanlan Zhihu (trang tin điện tử Trung Quốc), Hoàng Phi Hồng nổi danh là lương y ở Quảng Đông. Khi chữa bệnh cho người nghèo, ông vẫn rất ân cần, không bao giờ lơ là. Khi gặp người bệnh khó khăn, Hoàng Phi Hồng không lấy tiền khám bệnh mà còn tặng cho thuốc men.
3. Giai thoại về “anh hùng tỉnh Quảng Đông”
Hoàng Phi Hồng là võ sư được nhiều người mến mộ. Có không ít giai thoại về ông ở Quảng Đông và Hong Kong.
Năm 1876, một người Anh dắt theo con chó dữ, to bằng con bê, tới mở võ đài ở Hong Kong. Tên này sỉ nhục võ thuật Trung Hoa và thách thức các võ sư đấu với con chó của hắn. Nhiều người lên đài đã bị chó cắn trọng thương.
Biết chuyện, Hoàng Phi Hồng vô cùng tức giận. Ông chấp nhận lời khiêu chiến và đánh chết con chó.
Năm 1895, chiến tranh Trung – Nhật nổ ra, Hoàng Phi Hồng theo Lưu Vĩnh Phúc (tướng quân nhà Thanh) tới Đài Loan chống Nhật. Quân Thanh đại bại, triều đình nhà Thanh cắt Đài Loan cho Nhật Bản. Quân dân Đài Loan không chấp nhận đầu hàng. Họ bầu Hoàng Phi Hồng làm “Điện tiền tướng quân” và tiếp tục chống Nhật.
Năm 1911, Cách mạng Tân Hợi nổ ra. Lưu Vĩnh Phúc mời Hoàng Phi Hồng về Quảng Đông làm “giáo luyện quân đoàn tỉnh Quảng Đông”.
Tuy nhiên, không có tài liệu lịch sử nào ghi nhận các sự kiện này, theo Zhuanlan Zhihu.
4. Bi kịch cuối đời
Năm 1912, Cách mạng Tân Hợi thành công, nhà Thanh sụp đổ, nước Trung Hoa Dân Quốc mới thành lập, tình hình Trung Quốc còn nhiều bất ổn.
Do có quan hệ tốt với quân đội Dân Quốc ở Quảng Đông, cuộc sống của Hoàng Phi Hồng khá ổn định. Võ đường của Hoàng Phi Hồng được thuê để bảo vệ nhiều cửa hàng, địa điểm giải trí ở Quảng Châu. Ông cũng mở thêm một hiệu thuốc lớn ở Phật Sơn và cưới người vợ thứ 4 – Mạc Quế Lan (kém Hoàng Phi Hồng 45 tuổi).
Đây cũng là thời điểm Hoàng Phi Hồng sống an nhàn và sung túc nhất, theo Sohu.
Năm 1923, biến cố bất ngờ ập đến với Hoàng Phi Hồng. Con trai thứ 2 của ông – Hoàng Hán Sâm – tỉ võ thắng người khác nhưng lại gây thù chuốc oán. Hoàng Hán Sâm bị ám sát bằng súng khi đang say rượu.
Cái chết của con trai khiến Hoàng Phi Hồng tự trách bản thân. Ông ngừng dạy võ cho các con trai và đóng cửa võ đường.
Tháng 8/1924, thương đoàn Quảng Châu (do người Anh hậu thuẫn) kết hợp với một nhóm dân quân phát động bạo loạn vũ trang, chống chính quyền Dân Quốc. Thành phố Quảng Châu chìm trong khói lửa. Hiệu thuốc Bảo Chi Lâm của Hoàng Phi Hồng bị thiêu rụi.
Quá đau buồn, Hoàng Phi Hồng ốm nặng. Sự nghiệp của ông cũng ngày càng sa sút.
Ngày 17/4/1925, Hoàng Phi Hồng qua đời, thọ 77 tuổi.
Trải qua nhiều biến động lịch sử, mộ của Hoàng Phi Hồng, chôn tại núi Tượng Sơn ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, nay đã không còn dấu tích.
Sau khi Hoàng Phi Hồng qua đời, vợ ông – Mạc Quế Lan – cùng các con tới Hong Kong sinh sống.
Theo Sohu, hình tượng Hoàng Phi Hồng được biết đến nhiều trong lĩnh vực điện ảnh. Từ cuối năm 1940 đến nay, các nhà làm phim ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong đã sản xuất hàng trăm bộ phim về Hoàng Phi Hồng.
Các diễn viên nổi tiếng từng thủ vai Hoàng Phi Hồng bao gồm Quan Đức Hưng, Trương Vệ Kiện, Lý Liên Kiệt, Thích Tiểu Long, Triệu Văn Trác, Bành Vu Yến…
Trong phim, Hoàng Phi Hồng được khắc họa là người giỏi võ nghệ, thường ra tay bênh vực kẻ yếu. Đối thủ chính của Hoàng Phi Hồng là quan lại nhà Thanh tham nhũng, võ sĩ phương Tây và các băng đảng “đao búa” như băng Bắc Hải, băng Hắc Hổ…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.