Vô lối

Thứ năm, ngày 17/01/2013 19:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - 3 hôm, có 3 cái tin nghìn tỷ (đồng). Đầu tiên là 6.300 tỷ dự tính để xây 45 trạm cân xe. Hôm qua, Kiểm toán Nhà nước “xin” ngót 2.400 tỷ cho các dự án xây dựng trụ sở. Và “khủng” nhất, là 10.800 tỷ đồng cho các công trình văn hóa.
Bình luận 0

Trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng giải trình đến 3 nguồn tiền: “Nguồn thu qua kết quả kiểm toán hàng năm do kiểm toán phát hiện tăng thêm cho ngân sách”; “Nguồn 2%” cũng từ kết quả kiểm toán và nguồn 3: “Bố trí từ ngân sách nhà nước”. Nói 3, nhưng thực ra cũng là 1: Từ nguồn đóng góp từ thuế của dân hoặc đáng lẽ là của dân. Nhìn dài rộng hơn, 6.300 tỷ đồng hay 10.800 tỷ đồng cũng từ tiền ngân sách cả.

Chân lý tuyệt đối của xây dựng cơ bản: Dù nguồn nào, cũng là từ tiền túi của những người dân.

Đây là nguyên văn những từ ngữ mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (vốn xuất thân từ Bộ trưởng Tài chính), đã dùng để phản bác câu chuyện “Xây trụ sở kiểm toán bằng tiền phát hiện sai phạm”: “Kiểm toán phát hiện ra thì giả dụ ngân sách nhà nước được thêm 100 tỷ đồng, thì ông được 2%. 2% này chủ yếu để khuyến khích giải quyết chế độ, thi đua, khen thưởng… 2% này giống như một khoản dưỡng liêm. Ngoài ra còn trích 20% (trong đó) để mua máy tính, ô tô, xây dựng cơ bản…”. Nhưng theo ông, Thường vụ Quốc hội không thể phê chuẩn thêm một khoản 300 tỷ đồng nữa từ “nguồn thu qua kết quả kiểm toán hàng năm do kiểm toán phát hiện tăng thêm cho ngân sách”.

Bởi đó là “vô lối”, là “không có căn cứ”. Bởi “đầu tư phải có khuôn, có phép, có khoản, có mục”. Bởi đó là “đếm cua trong lỗ”. Bởi đó là “vô duyên”. Thật hiếm khi thấy một Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dùng những từ ngữ mạnh mẽ đến như thế.

Nhưng thưa Chủ tịch, người dân ủng hộ ông! Bởi một lẽ thật giản dị. Trong hoàn cảnh khó khăn bây giờ, những dự án nghìn tỷ đang là ác mộng của dân chúng. Bởi không khó để biết, dù bao nhiêu cái gạch đầu dòng thì những khoản thuộc về phạm trù đầu tư công đó, bản chất, cũng là từ tiền thuế mà người dân đóng góp.

6.300 tỷ đồng cho những trạm cân, theo logic thì 17 trạm cân đã được đầu tư bằng ngân sách nhà nước sẽ bị “bỏ hoang”. 10.800 tỷ đồng sẽ là “trong mơ” đối với những ban quản lý dự án, đối với những chủ đầu tư, nhưng sẽ là ác mộng đối với những người nộp thuế (gồm cả giới văn nghệ sĩ).

Năm 2004, khi Nhà hát Chèo Kim Mã được “phá đi” để xây mới lại toàn bộ, không ngẫu nhiên, dân gian kể chuyện tiếu lâm thất thoát xây dựng cơ bản là 100%, chứ không phải 30-40% như trong “báo cáo”.

Xe quá khổ, quá tải phá đường trầm trọng lại càng không phải là lý do cho một chiến dịch đầu tư 6.300 tỷ đồng. Bởi có khi việc này được giải quyết bằng một cách thức giản dị không ngờ: Nâng trách nhiệm, và xử phạt sự vô trách nhiệm của những công chức “đứng đường”.

Còn kiểm toán, tòa nhà “3 tầng hầm, 29 tầng nổi, 34.000m2” sẽ rất hoành tráng. Nhưng độ cao của tòa nhà chưa chắc đã đồng nghĩa với độ sâu trong những vụ mà kiểm toán đã phát hiện.

Sự kỳ vọng của dân chúng, có lẽ, là về sự độc lập, sự trung thực của cơ quan sau đây sẽ tách khỏi hành pháp, chứ không phải là tòa nhà hoành tráng, hay sự tốn kém cho việc xây dựng trụ sở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem