Vợ nhạc sĩ Trần Quang Lộc trải lòng về 40 năm gắn bó với chồng
Vợ nhạc sĩ Trần Quang Lộc trải lòng về 40 năm gắn bó với chồng
Thứ tư, ngày 10/06/2020 23:17 PM (GMT+7)
"Tính những người làm nhạc sĩ mình không thể nào bắt họ vào khuôn khổ của mình được. Họ cứ phiêu lưu, họ muốn đi đâu thì cứ đi... nhưng tôi hiểu được", vợ nhạc sĩ Trần Quang Lộc chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thuận - vợ cố nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã có 40 năm gắn bó cuộc đời với ông, trải qua nhiều những thăng trầm trong cuộc sống hôn nhân vì tính nghệ sĩ của ông. Nhưng rồi, cuối cùng ông vẫn gắn bó cuộc đời với bà với cuộc sống bình yên ở Bà Rịa, vừa có thể sáng tác, vừa có thể dạy nhạc. Nhờ có bà một tay hỗ trợ để ông có thể tự do theo đuổi đam mê sáng tác, vừa ổn định cuộc sống.
Mấy năm nay, khi ông đổ bệnh, một mình bà bên cạnh chăm ông, một mình bà theo ông mỗi tuần đi bệnh viện ở Sài Gòn để khám và điều trị ung thư… cho đến khi ông ra đi!
Những ngày cuối đời của nhạc sĩ Trần Quang Lộc
Những ngày bệnh tình trở nặng, bác sĩ cho biết đã không thể can thiệp gì thêm vì khối u đã xâm lấn lên não nên bác sĩ cho ông về nhà. Tôi cũng nói với ông, thôi mình về nhà, khi nào không khỏe thì mình cứ vào bệnh viện Bà Rịa cho gần. Chứ ở đây phương tiện khó khăn, thành phố mà chỉ có hai ông bà già với nhau, cũng không có người chăm. Thế là đi về. Về mình tưởng là bình thường, khi da thịt ông cũng hồng hào, ăn uống cũng được lắm, dù không bằng như những tháng trước.
Đùng một cái, tự nhiên tối hôm đó ông bảo khó thở quá, hàng xóm, bạn bè nói thôi để chở anh vào bệnh viện Bà Rịa để cấp cứu, phải thở ôxy. "Các bác sĩ của bệnh viện Bà Rịa cũng không còn lạ gì bệnh của ông, còn rất ưu ái Lộc (Vợ nhạc sĩ gọi ông bằng tên - PV). Cứ thấy Lộc là "Ô, Về đây nghe em", mà nghe thấy gọi như thế ông lại mở bừng mắt ra".
Sau đó ông bệnh càng ngày càng nặng, ông ho nhiều, phổi tràn dịch, không thể cứu vãn nên bác sĩ đành cho ông về nhà.
Ông xuất viện lúc 3 giờ ngày chủ nhật. Về nhà thấy ông cũng hồng hào, tươi tắn lắm nhưng vẫn thở ôxy. "Về tới nhà có vẻ ảnh sảng khoái hơn, ảnh thích hơn vì tự do. Anh cũng hơi bực mình vì đau mũi, hơi khó thở quá. Ông lấy tay giật dây thở ra... Đến 5h45 ông ra đi".
Bệnh vẫn làm việc 8 giờ sáng đến 8 giờ tối
Trước khi rời bệnh viện 115 về, ông còn minh mẫn, cứ nhắc tới nhạc là tinh thần ông rất nhạy bén. "Trước đó, ông làm bài chỉ trong vòng có nửa ngày vừa phối hòa âm, phối khí, vừa hát... có một mình ông làm trên cây đàn nhưng làm rất nhanh. Nhưng bây chừ (giờ) làm một ngày là mệt. Tôi mới nói thôi, đừng tập trung não quá sẽ căng não, sẽ mệt. Vậy mà ông cũng ngồi làm miết, nhưng cứ viết được vài câu phải ngưng lại. Sức khỏe không còn như xưa, tôi bảo ông để cho người khác làm, ông đâu có chịu..."
Thời điểm cách đây 2 năm, sau ca mổ thành công, về ông làm ghê lắm. "Ngồi trên máy làm việc từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Bác sĩ nói đây cũng là nguyên nhân khiến bàng quang bị yếu, yêu cầu ông phải vận động nhiều hơn”. Nhưng ông cứ ngồi làm mà quên ăn quên uống.
"Đôi khi thấy vậy tôi cũng thương, hay nhắc nhở, nhưng mà nhắc nhở thì ông không vừa ý, vì khi đó ông đang say mê với công việc".
Trong cuộc đời, tôi thấy ông say mê nghệ thuật nhiều nhất, nghệ thuật luôn đi đầu trong cuộc sống. Vợ con, có thể bỏ qua một bên nhưng nghệ thuật thì không. "Tôi biết người ta có máu như vậy nên thôi. Thà họ say mê nghệ thuật còn hơn là những điều mình không muốn, nên mình cũng trợ giúp cho ông".
Điều còn dang dở và đáng tiếc của ông có lẽ là phim tài liệu về cuộc đời của mình. Ông đã tập hợp nhiều ca khúc để đưa vào phim tài liệu. Nhưng sức khỏe ông không cho phép, có ý định chưa kịp làm thì ông ra đi.
“Trước giờ ông sáng tác cho người ta thì nhiều, còn làm riêng bản thân ông thì không…”
Trước tôi làm công việc kế toán, sau làm giáo viên dạy Văn và Sử. "Gia đình tôi người Huế, tôi học văn khoa, cũng không say mê âm nhạc nên khi chúng tôi đến với nhau, mẹ tôi la rầy dữ lắm. Một phần vì công việc sáng tác, tính cách nghệ sĩ của ông cũng khó ổn định”.
Nhưng tôi cũng không biết vì sao mình gắn bó với ông, có lẽ là duyên nợ. Sau 40 năm gắn bó, vợ chồng tôi có với nhau một cậu con trai.
"Nói cho ngay, tính những người làm nhạc sĩ cũng mông lung thật, nhưng cuộc đời mà, mình không thể nào bắt họ vào khuôn khổ của mình được. Họ cứ phiêu lưu, họ muốn đi đâu thì cứ đi, đi không biết đường về (cười). Nhưng tôi vẫn chịu đựng được".
Giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu sao mình có thể về sống được tại vùng quê thanh bình ở Thành phố Bà Rịa, Vũng Tàu. Từ hai bàn tay trắng mà tôi đã gầy dựng được một tương lai ổn định cho cả gia đình.
Lúc mới về đây, ông dạy nhạc ở trường cấp 3, nhưng gò bó quá ông không thích. Tôi mới đứng ra mở lớp cho ông giảng dạy, tôi ngoại giao bên ngoài tạo điều kiện để ông dạy chuyên môn, ông rất thích. Học trò ông đông lắm.
Ngày xưa, ông hay đi ra ngoài, lấy cảm hứng sáng tác, tôi cũng nói: "Đừng bao giờ nghĩ ngợi khi vấn đề cá nhân của tôi, có làm được việc cứ làm”. Ông cũng nói “tôi đi tìm những cái đẹp chứ đâu có đi tìm cái xấu".
Sau này, khi lớn tuổi, sức khỏe yếu ông cũng "tu tâm", không đi đâu nữa. Mỗi khi cần không gian thoải mái để sáng tác, hai ông bà già chở nhau ra biển Vũng Tàu, Long Hải, lên núi, đi chùa... Như hai người đang hẹn hò. Ông đến nơi thư thả để sáng tác, tôi thì uống cà phê, đi dạo chờ ông, cứ để ông tự do làm việc của mình.
“Ông nhà tôi viết bài nào có địa điểm là phải đi đến đó, xa mấy cũng đi, nhưng ông đi sáng tác như vậy tôi cũng thấy yên tâm”.
Tôi dạy văn, ông sáng tác nhạc, tuy không có sự kết hợp nào nhưng khi ông làm nhạc, viết lời, khi đánh âm điệu lên, có vẻ như nhạc và từ không khớp là tôi biết và sửa cho ông ngay. “Đó là sự hỗ trợ của tôi đối với việc sáng tác của chồng, chứ tôi không đam mê với âm nhạc như ông”.
Trong các sáng tác của chồng, tôi yêu thích và ấn tượng nhiều nhất khi nghe bài Thu Cali, Thu Sài Gòn. "Hồi ông ở Cali ông nhớ về Việt Nam nên sáng tác bài Thu Cali. Tôi thấy nội dung hay và nhiều cảm xúc nên rất ấn tượng".
Tôi nghĩ, ông bay nhảy nhưng tình cảm vợ chồng gắn bó đến giờ có lẽ là vì mình chịu đựng, có sự nhẫn nhục. "Chứ tuổi trẻ bây giờ chắc là bức xúc và khó giữ lắm. Ông cũng thấy được điều đó, không ai chịu đựng nổi ông, ngoài tôi. Mà rồi cũng thôi, tôi tự hào vì vẫn giữ được tình cảm với nhau mấy chục năm qua".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.