Vỡ nợ, tương lai Hy Lạp u ám

Đức Hoàng- Hạ Anh Thứ năm, ngày 02/07/2015 06:37 AM (GMT+7)
“Hãy cứu lấy Hy Lạp” là tên của một quỹ kêu gọi cứu trợ Hy Lạp do một chàng trai 29 tuổi phát động sau khi nước này chính thức bị tuyên bố vỡ nợ đối với khoản vay của IMF.
Bình luận 0

Hy Lạp ngày vỡ nợ

Hàng triệu người dân Hy Lạp đã trải qua đêm trắng với những nỗi lo đè nặng lên tâm trí họ về một tương lai bất ổn khi đất nước bị tuyên bố vỡ nợ. Vỡ nợ luôn là thời kỳ rất đau đớn với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt nếu việc này ngoài dự đoán và không theo trật tự. Toàn bộ hệ thống ngân hàng của Hy Lạp đã phải đóng cửa để ngăn dân chúng rút sạch tiền trong các tài khoản, thị trường chứng khoán tê liệt, nhiều nhà đầu tư rút chạy. Hình ảnh hoảng loạn này đã từng xảy ra cách đây 15 năm về trước tại Argentina khi quốc gia Nam Mỹ này bị phá sản.

img
Người dân Hy Lạp xuống đường ngày 1.7 kêu gọi gây quỹ 1,5 tỷ euro đủ để Hy Lạp trả nợ IMF. Ảnh:  Reuters

Từ Athens, anh Nguyễn Quang Vinh, người Việt làm nhân viên trong một nhà hàng, cho biết, dù đã chuẩn bị tâm lý và đã trải qua thời khắc khó khăn với chính sách “thắt lưng buộc bụng” trước đó, nhưng thông tin Hy Lạp bị vỡ nợ vẫn làm nhiều người “đứng tim”.

Đúng như thời gian đã định trước, tối 30.6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định Hy Lạp đã không thể trả khoản nợ 1,5 tỷ euro theo đúng kỳ hạn vay của nước này.

Hy Lạp đã trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển đầu tiên trên thế giới không thể trả nợ IMF đúng hạn. Điều này, đồng nghĩa với việc Hy Lạp đã bước một chân khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) với tương lai u ám. Việc ra khỏi Eurozone sẽ là thảm họa cho Hy Lạp. Không có gì đảm bảo rằng nền kinh tế Hy Lạp sau khi thoát khỏi các hạn chế, ràng buộc của Eurozone sẽ trở nên thịnh vượng. Ngân hàng Hy Lạp đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm có thể diễn ra sau đó- suy thoái trầm trọng với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập giảm mạnh. Các khoản tiền tiết kiệm của người dân Hy Lạp sẽ bị mất giá. Hy Lạp sẽ bị gạt ra khỏi các thị trường tín dụng quốc tế, khiến cho khả năng phục hồi nhanh chóng càng trở nên xa vời.

Góp 3 euro/người để cứu Hy Lạp

Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tiếp tục gửi đi một đề nghị vay nợ khác. Bức thư ông Alexis Tsipras gửi tới Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem và cũng là Chủ tịch Eurogroup (Nhóm các bộ trưởng tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu) đề xuất nguyện vọng được vay 29,1 tỷ euro (32,5 tỷ USD) trong 2 năm để trang trải các khoản nợ công của nước này. Thủ tướng Hy Lạp cũng yêu cầu phải cấu trúc lại các khoản nợ hiện có của Hy Lạp đồng thời xem xét nới rộng thêm các thỏa thuận giãn nợ hiện tại “để đảm bảo tránh các sai sót kỹ thuật có thể phát sinh”.

Thực tế, thời gian trả nợ của Hy Lạp đã được nới thêm hai lần trong 6 tháng qua. Ông Dijsselbloem sẽ phải tức tốc triệu tập cuộc họp khẩn với thành viên trong Eurogroup để bàn bạc về đề xuất của Thủ tướng Hy Lạp. Nhưng căn cứ vào nhiều lẽ trong tình hình hiện tại, đề xuất của ông Alexis Tsipras không dễ được chấp nhận. Ngày 5.7 tới, Hy Lạp sẽ tiến hành bỏ phiếu trưng cầu ý dân về đề xuất gói nợ gần đây nhất của các chủ nợ châu Âu. Chính phủ kêu gọi người dân nói “không” trong lá phiếu của họ, tuy nhiên hơn 10.000 người Hy Lạp đã ủng hộ việc nói “có” trong cuộc tuần hành tại thủ đô Athens ngày 1.7 bất chấp mưa dông.

Có vẻ như, người dân Hy Lạp không cam chịu để số phận của mình hoàn toàn do Chính phủ quyết định. Một chiến dịch kêu gọi “Hãy cứu lấy Hy Lạp” để vượt qua những khó khăn hiện tại đã huy động được hơn 250.000 euro chỉ trong 1 ngày, mặc dù nó vẫn còn một chặng đường dài để đạt được 1,5 tỷ euro cần thiết.

Chiến dịch kêu gọi cứu trợ nói trên được bắt đầu bởi một chàng trai 29 tuổi có tên Thom Feeney, sống ở London. Thom cho rằng, sẽ tốt hơn là để người dân Hy Lạp quyết định số phận của mình chứ không phải là các bộ trưởng châu Âu. Chiến dịch đã thu hút được nguồn vốn từ hơn 34.000 nhà đầu tư - và con số này đang tăng lên từng phút. Thậm chí, trang web của chiến dịch đã bị nghẽn trong ngày 30.6 vì quá nhiều người truy cập. Trên trang web, Thom kêu gọi dân số 503 triệu người châu Âu, chỉ cần góp một bữa trưa 3 euro của mỗi người, sẽ mang lại hy vọng “cứu sống” đất nước Hy Lạp.

Khoảng 500 người Việt khốn đốn 

Không chỉ có người dân Hy Lạp phải hứng chịu  khó khăn, khoảng 500 người Việt định cư tại Hy Lạp cũng đang phải gồng mình để vượt qua sự khốn đốn. Hơn một nửa người Việt trong số đó sống bằng nghề kinh doanh, làm việc trong các nhà hàng ở thủ đô Athens. Anh Nguyễn Quang Vinh, sống ở thủ đô Athens được 5 năm, cho biết, từ vài năm trước, công việc kinh doanh của người Việt đã gặp khó do chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Hy Lạp. Anh Vinh cho biết, sắp tới, nguy cơ sẽ có nhiều nhà hàng của người Việt phải đóng cửa do làm ăn thua lỗ và tiền mất giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem