Một phát ngôn viên của Bộ trưởng Bộ Tài chính Yanis Varoufakis đã phát biểu với CNN ngày 30.6 rằng, Hy Lạp sẽ không thể trả số nợ 1,5 tỷ euro cho IMF. Theo đó, Hy Lạp đã trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên tuyên bố vỡ nợ trước IMF.
Lần vỡ nợ này đã đánh dấu một bước ngoặt đáng kể trong sự sụp đổ tài chính của đất nước này.
Ủy ban châu Âu cho biết Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã gọi điện cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Paul Juncker vào tối muộn ngày 29.6. Văn phòng của Thủ tướng Tsipras cũng cho biết thêm, ông đã có cuộc đàm phán với Chủ tịch Juncker và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi một lần nữa vào ngày 30.6.
Ông Juncker khẳng định rằng các cuộc đàm phán về một gói cứu trợ có thể được hồi sinh chỉ khi Hy Lạp chấp thuận những đề xuất đưa ra bởi chủ nợ.
Tuy nhiên, cơ hội cuối cùng của Hy Lạp có vẻ rất mỏng manh khi Thủ tướng Alexis Tsipras phát biểu trên đài truyền hình Hy Lạp và đưa ra những lời chỉ trích chủ nợ và cho rằng những đề xuất của họ đang đè bẹp Hy Lạp.
Thêm vào đó, ông cũng gián tiếp cho thấy ông không ủng hộ những đề xuất của chủ nợ.
Thỏa thuận cứu trợ tài chính hiện tại của Hy Lạp với châu Âu đã hết hạn vào ngày 30.6, và Hy Lạp đã không trả được số nợ này cho IMF.
Do đó, cơ hội cuối cùng quyết định liệu rằng Hy Lạp có thể ở lại Eurozone hay không sẽ nằm trong buổi trưng cầu dân ý vào ngày 5.7 của của quốc gia này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định gói cứu trợ sẽ kết thúc vào lúc nửa đêm. Tuy nhiên, bà cũng cho biết "cánh cửa đang mở ra cho các cuộc đối thoại giữa các bên”.
Ngân hàng Hy Lạp vẫn đang đóng cửa và chính phủ quốc gia này đã phải đưa ra lệnh kiểm soát vốn để giữ cho hệ thống ngân hàng quốc gia không bị sụp đổ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.