Võ Tòng: Chân anh hùng hay kẻ khát máu?

Thanh Xuân Thứ tư, ngày 28/08/2019 16:33 PM (GMT+7)
Đa số các độc giả Thủy Hử đều yêu thích Võ Tòng và cảm thông cho những bi kịch mà chàng phải trải qua. Nhưng Võ Tòng ấy, dù được coi là anh hùng bậc nhất Lương Sơn Bạc, lại chính là kẻ… giết người hàng loạt.
Bình luận 0

Bi kịch và diễn biến nội tâm Võ Tòng

Trong Thủy Hử truyện, Thi Nại Am dành rất nhiều “đất diễn” cho Võ Tòng. Chỉ riêng phần đời của Võ Tòng, từ lúc lỡ tay đánh người ở huyện Thanh Hà phải đến chỗ Sài Tiến nương nhờ, tay không đả hổ ở đồi Cảnh Dương, làm đô đầu huyện Dương Công, về quê tìm gặp anh ruột Võ Đại, tới chuyện giết cặp Tây Môn Khánh – Phan Kim Liên, hội ngộ vợ chồng Trương Thanh – Tôn Nhị Nương, gặp Thi Ân, đánh Tưởng Môn Thần, giết cả nhà Trương Đô Giám, đụng độ anh em Khổng Minh – Khổng Lượng, tái ngộ Tống Giang rồi lên Nhị Long Sơn nhập bọn cùng Lỗ Trí Thâm, được tác gia họ Thi viết trong tổng cộng 9 hồi, từ 23 đến 31.

img

Võ Tòng: chân anh hùng Thủy Hử hay kẻ khát máu lạm sát?

Trong 9 hồi ấy, nội tâm của Võ Tòng, những phát triển trong tính cách của nhân vật này được khắc họa vô cùng sâu sắc. Từ một thanh niên sợ tội mà phải bỏ trốn đến một nam tử hán anh hùng, từ một người làm quan vẫn đặt trọn niềm tin vào công lý đến kẻ sẵn sàng giết người để trả thù cho anh trai, từ kẻ chỉ muốn sống một cuộc đời yên ổn bên cạnh người thân của mình đến gã trai cầu chết, coi sinh mạng bản thân nhẹ tựa lông hồng; từ việc xin vợ chồng Trương Thanh tha mạng cho công sai đến tay sát thủ máu lạnh hủy diệt toàn gia Trương Đô Giám.

Trong quan điểm của Thành Thán, ông coi Võ Tòng là… người trời, ngang hàng với đệ nhất anh hùng khoái hoạt Lỗ Trí Thâm, vượt xa tất cả những nhân vật khác của Thủy Hử. Cuộc đời của Võ Tòng đặc tả bi kịch của một người có nhân nghĩa, bản lĩnh siêu quần, lại coi trọng giá trị gia đình, tin vào Luật Pháp quốc gia, bỗng đâu trải qua bao nghịch cảnh, thành kẻ cô đơn giữa biển người, coi việc giết chóc như sự giải tỏa cho nỗi u ất của bản thân.

Trong Thủy Hử, có biết bao nhân vật trước và sau khi trở thành đầu lĩnh Lương Sơn, là những tay rách trời rơi xuống, thảo khấu lục lâm, giết người như ngóe. Trong các trận đánh của nghĩa quân Lương Sơn sau này, kẻ lạm sát số một chính là “Hắc Toàn Phong” Lý Quỳ, với đỉnh cao là việc cứ gặp người là giết ở trận đánh hạ Chúc Gia Trang.

Nhưng chắc chắn không ai, trước khi tụ nghĩa Lương Sơn, giết người nhiều như Võ Tòng. Lâm Xung trước khi tới “Bến nước” cũng ra tay đoạt mạng những kẻ đã hại chàng đến cùng đường tuyệt lộ như Lục Khiêm ở Thương Châu. Nhưng so về số lượng những nạn nhân chết dưới tay mình, “Báo tử đầu” chẳng là gì khi đặt cạnh Võ Tòng.

img

Võ Tòng là một trong những nhân vật được yêu thích nhất trong danh tác của Thi Nại Am.

Đa số các độc giả Thủy Hử đều yêu thích Võ Tòng, trân trọng nỗi niềm và cảm thông cho những bi kịch mà chàng phải trải qua. Nhưng có lẽ, ít người dừng lại một chút để tự vấn lòng mình rằng, dù Võ Tòng có lý do để giết người nhưng thực tế có phải tất cả những người chàng ra tay hạ sát đều là đáng chết và trước sau “Hành giả” đã đoạt bao nhiêu mạng người?

Giết từ Phan Kim Liên đến toàn gia Trương Đô Giám

Hai trong số những nạn nhân nổi tiếng nhất của Võ Tòng, thì ai cũng biết cả: chị dâu lăng loàn lại đang tâm giết chồng – Phan Kim Liên và tình nhân của ả - Tây Môn Khánh. Nhưng lúc ấy Võ Tòng vẫn không phải là kẻ lạm sát. Bằng chứng là chàng không giết Vương Bà, để mụ đàn bà này cho quan phủ trừng trị về những tội ác đã gây ra.

Khi bị đày đến Đông Kinh, kết giao với Thi Ân và giúp huynh đệ mình đánh Tưởng Môn Thần lấy lại địa bàn làm ăn Khoái Hoạt Lâm, Võ Tòng được Trương Đô Giám gọi về làm “một tay chân thân mật trong nhà”, được đối đãi tử tể, thậm chí còn hứa chuyện cưới vợ cho. Tưởng chừng sau bao hoạn nạn, Võ Tòng gặp được người ân đức mà yên ổn sống một cuộc đời bình thường thì hóa ra tất cả chỉ là mưu hèn kế bẩn mà Trương Đô Giám thông đồng với Trương Đoàn Luyện - Tưởng Môn Thần rắp tâm hại chàng.

Sau bị nhà Trương Đô Giám vu cho tội ăn trộm đồ, rồi bày kế hạ sát, lúc ấy Võ Tòng mới coi việc giết người là cách để giải tỏa nỗi uất hận trong mình. Đầu tiên Võ Tòng giết chết 2 tên công sai cùng 2 tay chân của Trương Đoàn Luyện cử đến sát hại chàng ở Phi Vân Phố.

img

Võ Tòng và “nạn nhân” đầu tiên của chàng: Phan Kim Liên.

“Bấy giờ Võ Tòng lần các con dao lưng, chọn lấy một con rất tốt giắt vào mình. Lại e mấy tên kia chưa chết hẳn, liền đâm thêm cho mỗi anh mấy nhát, vất cả xuống bến nước, rồi lên cầu đứng vẫn vơ một mình mà nghĩ. Chàng nghĩ thầm rằng: Giờ ta đã giết xong bốn đứa này rồi, song còn đám Trương Đô Giám, Trương Đoàn Luyện, Tưởng Môn Thần, vẫn còn ở đó thì bao giờ cho thỏa lòng tức giận bấy nay”.

Khi đột nhập vào nhà Trương Đô Giám, nạn nhân tiếp theo của Võ Tòng là một tên bồi ngựa “Võ Tòng nói: - Ừ, nếu vậy thì ta cũng không thể tha cho mầy được! Nói đoạn đâm chết thằng bồi ngựa ra đó”. Tiếp đến là hai thị nữ nhà họ Trương: “Võ Tòng ngoài này dựng thanh đao một chỗ, rồi rút con dao còn vấy máu ở trong túi ra, đẩy cửa mở bếp mà nhảy tót vào, vớ lấy chị ả đứng ngoài đâm cho một nhát. Còn chị kia toan té cẳng chạy, thì gân cốt rủn ra mà không sao chạy được, toan há mồm để kêu thì mồm lưỡi cứng lại, mà không kêu lên, đành cứ tái người sạm mặt đứng im đấy chịu chết. Võ Tòng sấn đến đâm một nhát dao ngã lăn xuống đất”.

Rồi Võ Tòng đi thẳng đến Lầu Uyên Ương, nơi bộ ba Trương Đô Giám, Trương Đoàn Luyện và Tưởng Môn Thần đang chén chú chén anh mà nói về chuyện sát hại chàng: “Võ Tòng nghe ngần ấy câu chuyện, thì lửa giận trong lòng bốc lên cao mấy nghìn trượng, như xung đột tới trời, liền tay phải cầm đao, tay trái xòe năm ngón tay, rồi nhảy sấn vào trong lầu”. Dưới đây là trích đoạn Võ Tòng xử lý bộ ba này.

“Tưởng Môn Thần ngồi ở trên ghế, chợt trông thấy Võ Tòng nhảy vào… dè đâu vút một cái, thì con dao Võ Tòng đã chém luôn một nhát cả người lẫn ghế đều đổ lăn ra. Võ Tòng chém xong vừa quay người lại, thì thấy Trương Đô Giám đương té cẳng toan chạy, chàng liền chém cho một nhát vào đầu, xẻ hẳn từ tai đến cổ mà ngã vật ra sàn gác.

img

Võ Tòng trong lần “tắm máu” toàn gia nhà Trương Đô Giám.

Còn Trương Đoàn Luyện… liền vớ lấy cái ghế múa lên để đánh Võ Tòng. Võ Tòng hăng máu bắt lấy ghế, đẩy cho một cái thực mạnh, Luyện bị ngã lăn chiêng ra đằng sau, rồi Võ Tòng sấn vào mà cắt hẳn lấy đầu. Đằng kia Môn Thần tuy bị một nhát thương, song vẫn còn khí lực, liền cố lóp ngóp bò dậy, Võ Tòng quay lại, phi chân trái đá lăn ngã xuống, rồi chân phải đè lên bụng mà chém đứt lấy đầu. Đoạn rồi quay lại mà cắt lấy đầu Trương Đô Giám… Võ Tòng xé lấy một miếng áo của bọn chết kia, thấm máu, viết mấy chữ to lên vách: "Kẻ giết người chính là Võ Tòng đánh Hổ".

Phụ nữ, trẻ em cũng ra tay tàn độc

Những nạn nhân kế tiếp của Võ Tòng là hai đứa thân hầu Trương Đô Giám đã bắt trói chàng dạo trước: “Võ Tòng tiến vào giết phăng một anh, còn anh nữa thì quỳ xuống kêu xin tha mạng. Võ Tòng miệng nói: - Không tha được! Tay thì nắm chặt lấy thằng kia, rồi cũng cho một nhát dao chết tốt”. Với suy nghĩ “Đánh rắn phải đánh dập đầu, dẫu cho chết đến trăm đứa, cũng chỉ một chết mà thôi”, cuộc thảm sát của Võ Tòng tiếp diễn.

Phu nhân của Trương Đô Giám không tránh khỏi đòn thù của chàng: “Phu nhân thấy người to lớn bước vào trong bụng lấy làm quái lạ, cất mồm vừa hỏi một tiếng thì Võ Tòng đã đưa dao vào chém ngay một nhát”. Sau đó đến lượt nàng thị nữ Ngọc Lan mà Trương Đô Giám từng hứa gả cho chàng, hai con trai nhỏ của nhà họ Trương, thêm vài kẻ hầu khác: “Võ Tòng thấy vậy, vác dao vào chém chết Ngọc Lan, còn hai đứa bé con cũng cho mỗi đứa một nhát. Đoạn rồi chạy ra nhà giữa, trước hết cài kín cửa ngoài, rồi quay vào lùng quanh trong nhà, thấy còn ba người đàn bà ở đó, liền chém cho mỗi người một nhát nằm chết đứ đừ”.

Như vậy, chỉ trong thoáng chốc, Võ Tòng một mình “tắm máu” toàn gia nhà họ Trương cùng kẻ hầu người hạ, lên tới 13 mạng người. Thêm Tưởng Môn Thần, Trương Đoàn Luyện với hai gã tay chân và 2 tên công sai trước đó, tổng cộng là 19. Oan có đầu – nợ có chủ, nhưng than ôi, Võ Tòng lại ra tay tàn độc với tất cả!

img

Trước khi bước vào con đường làm thảo khấu, Võ Tòng giết tổng cộng 23 mạng người.

Tiếp đó, khi giã biệt vợ chồng Trương Thanh – Tôn Nhị Nương và chính thức trong vai một “Hành giả”, trên đường tới Nhị Long Sơn, gặp một tòa am trong rừng, Võ Tòng còn nổi máu giết người để… thử giới đao. “Chàng vừa nghĩ vừa rút hai khẩu giới đao sáng nhoáng, giơ ra bóng trăng để xem, rồi lại nói một mình rằng: "Mấy khẩu đao này tốt thực, vào tay ta, ta chưa thử một lần nào. Âu là ta đem tên khốn nạn này mà thí nghiệm một cái xem sao”.

Tại đây, Võ Tòng giết thêm hai người nữa, gồm tên đạo đồng trong am “nói xong giơ đao lên đánh beng một cái, tên đạo đồng mất hẳn đầu ra một bên” và gã tiên sinh “Võ Hành Giả đấu với tiên sinh kia được mười lăm hiệp, bèn lừa miếng phá đĩnh… mà chém cho một nhát chết lăn xuống đó”. Hai kẻ này cũng là phường hạ tiện nhưng chắc chắn đâu đến nỗi phải chết!

Như vậy, trước khi chính thức trở thành thảo khấu, Võ Tòng giết cả thảy 23 mạng người, từ Phan Kim Liên – Tây Môn Khánh, bọn Trương Đô Giám đến hai kẻ vô danh tiểu tốt trên đường đến Nhị Long Sơn. Có những kẻ muôn phần đáng chết nhưng cũng không thiếu những nạn nhân vô tội. Có đàn ông tàn ác, đàn bà hiểm độc những lại có cả những sinh linh thơ trẻ. Có kẻ gây thù thuốc oán với Võ Tòng, lại có người vốn dĩ chẳng hề liên quan đến chàng, không đến mức phải chịu “án tử”.

Một Võ Tòng “tắm máu” như thế, dù chàng cũng chỉ là nạn nhân của một thời đại bi kịch, tuyệt nhiên không thể coi là chân anh hùng hảo hán được!

XEM THÊM:

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem