Giảng viên Hồng Nhung bị sốc khi chị không được tham gia Hội đồng chấm tốt nghiệp của Trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội và qua mạng xã hội, chị nói lên nguyện vọng được làm phận sự mà mình được giao – giảng dạy, hướng dẫn, chấm thi theo các loại hình thức khác nhau. Đây là nguyện vọng chính đáng.
Còn NSND Anh Tú thì góp ý cho Nhà trường là cần đưa những người có danh vào Hội đồng chấm thi. Điều này cũng hợp lý.
Thế nhưng, giải quyết vấn đề này sao cho có tình, có lý, để mối quan hệ giữa danh và phận được hài hòa, là điều đáng bàn.
Trước hết, về PHẬN. Tôi cũng tham gia giảng dạy ở bậc đại học, hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh, do vậy tôi biết, các cơ sở đào tạo cần thể hiện sự tin cậy và tôn trọng người giảng viên trong việc bố trí cho họ giảng dạy, hướng dẫn, chấm thi, tham gia hội đồng… Lẽ đương nhiên, khi một giảng viên đã được giao nhiệm vụ giảng dạy, nhiệm vụ quan trọng nhất, thì giảng viên ấy cần được tham gia hướng dẫn, chấm thi.
Lẽ nào một giảng viên đủ trình độ giảng dạy lại không đủ trình độ tham gia Hội đồng chấm thi tốt nghiệp? Khi đã giảng dạy, người giảng viên phải nỗ lực bản thân để có đủ trình độ dạy người khác. Đây là bổn phận. Đây là việc làm mệt nhọc, tâm huyết nhất. Còn, tham gia Hội đồng, nói thực, tôi tham gia nhiều Hội đồng, tôi biết việc này là có lợi nhất trong nghề giảng dạy. Cho nên, về đạo lý, đã phân công giảng viên giảng dạy, thì phải phân công giảng viên hướng dẫn, chấm thi, tham gia Hội đồng. Đây là một quy trình khép kín trong đào tạo cần tuân thủ. Đây cũng thể hiện đạo lý của lãnh đạo cơ sở đào tạo. Lẽ nào chỉ phân công giảng viên làm việc khó nhọc nhất, còn lại những việc vinh và lợi hơn thì loại họ ra?
Về DANH: Người xưa có câu “Danh chính ngôn thuận”, cho nên NSND Anh Tú đề xuất với trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội việc đưa những Nghệ sĩ Nhân dân, Ưu tú vào chấm thi cũng là hợp lý. Trong một Hội đồng chấm thi, có thêm một vài NSND, NSƯT cũng là cần thiết. Tuy vậy, khi quan niệm rằng “Nếu ban chấm thi toàn NSND, NSƯT sẽ rất đẹp'’ như lời anh nói được đăng trên zing.vn thì cần xem lại.
Nói về DANH, thì giảng viên đã là một chính danh. Cho nên họ tham gia Hội đồng chấm thi là được định phận (chính danh định phận). Hội đồng này không phải là loại Ban Giám khảo trong hoạt động Showbiz cho nên không cần sự hào nhoáng, nổi đình nổi đám, mà là cần sự công tâm, chính xác khi chấm thi. Để chấm thi chính xác, người chấm thi phải hiểu quá trình đào tạo, nắm chắc mục tiêu, yêu cầu của đào tạo và yêu cầu mà thí sinh phải đạt tới. Nếu thiếu hiểu biết về điều này, lại vận dụng những kiểu cách của giới showbiz vào việc chấm thi, e rằng sẽ không chuẩn xác.
Mặt khác, Hội đồng chấm thi phải toàn là các NSND, NSƯT mới được coi là “đẹp”, lẽ nào các Hội đồng kia bị coi là “xấu”? E rằng, quan niệm này bị ảnh hưởng bởi bệnh háo danh chăng? Danh nào phận ấy. Chưa chắc người rất nổi danh ở lĩnh vực này lại làm tốt việc ở một lĩnh vực khác. Đành rằng việc đào tạo này cũng liên quan tới hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nhưng đào tạo có những đặc thù, quy chuẩn riêng, chưa chắc một NSND đã làm tốt việc biểu diễn lại làm tốt công tác chấm thi tốt nghiệp.
Bàn qua như vậy để thấy giảng viên Hồng Nhung và NSND Anh Tú đều có lý của mình, và cũng đều vì muốn được đóng góp tích cực vào hoạt động đào tạo văn hóa nghệ thuật, vì vậy, không nên để người khác khai thác, khơi mâu thuẫn, tạo ra sự bất ổn cho cả hai một cách vô lý.
Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cũng đừng vì sự nói thẳng, nói thật của giảng viên Hồng Nhung mà thành kiến, dẫn đến đối xử không hay với chị. Khi thành lập Hội đồng chấm thi tốt nghiêp, Trường cần bố trí hài hòa số lượng giáo viên của Trường và những nghệ sĩ tên tuổi khác, trong đó, số giáo viên của trưởng (cơ hữu hoặc thỉnh giảng, mà cơ hữu là chính) phải chiếm đa số. Cũng vì vậy, giảng viên Hồng Nhung cần bình tâm, đứng tại vị trí của mình mà tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đào tạo.
Phạm Việt Long (Văn Hiến)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.