Các nhà khoa học đang họp tại thủ đô Washington của Mỹ để thảo luận về khả năng hồi sinh 24 động vật tuyệt chủng, bao gồm voi ma mút, hổ Tasmania, chim Dodo.
Dodo (Raphus cucullatus) là loài chim không biết bay đặc hữu của vùng Mauritius ở Ấn Độ Dương. Theo Wikipedia, chúng có họ hàng với bồ câu ngày nay. Chiều cao của chúng đạt 100 cm ở tư thế đứng, trọng lượng khoảng 20 kg. Chúng ăn trái cây và làm tổ ở trên mặt đất. Chim Dodo tuyệt chủng khoảng nửa sau thế kỉ 17. Giới khoa học thường coi nó là biểu tượng cho những loài tuyệt chủng vì sự biến mất của nó xảy ra trong giai đoạn mà con người ghi nhận được. Theo các chuyên gia, loài Dodo biến mất vĩnh viễn do con người săn bắn chúng làm thực phẩm. Ảnh: Flickr.
Ngựa vằn Quagga từng sống ở Nam Phi. Cá thể hoang dã cuối cùng của loài này tuyệt chủng từ năm 1870, còn một con từng được nuôi dưỡng cũng chết năm 1883. Những sọc vằn chỉ bao phủ một nửa thân trước của ngựa vằn Quagga. Chúng bị săn lùng ráo riết do thịt, da của chúng rất có giá trị. Ảnh: Wikimedia Commons.
Ma mút Woolly từng sống ở vùng đảo Wrangel, Bắc Băng Dương 4.000 năm trước. Nghiên cứu di truyền cho thấy chúng có họ hàng gần với voi châu Á, vì vậy giới khoa học có kế hoạch tái sinh loài voi này bằng việc sử dụng nhân tế bào lưu trữ DNA của một con voi ma mút và trứng của loài voi châu Á. Ảnh: BBC.
Chim gõ kiến Ivory Billed (Campephilus principalis), còn được gọi là chim gõ kiến mỏ ngà, là một trong những loài chim gõ kiến lớn nhất thế giới. Chúng thường sống ở khu vực đông nam nước Mỹ. Giới khoa học từng nghĩ chúng tuyệt chủng cho đến khi họ phát hiện một con ở bang Arkansas năm 2004. Năm 2006, một số nhà nghiên cứu thông báo rằng họ nhìn thấy chim gõ kiến mỏ ngà tại sông Choctawhatchee, phía bắc bang Florida. Tuy nhiên, họ vẫn chưa có ảnh, video - những dạng bằng chứng xác đáng nhất để chứng minh loài gõ kiến còn tồn tại. Ảnh: Wikimedia Commons.
Hổ Tasmania (Thylacine) là loài thú ăn thịt có túi, bề ngoài giống như chó hoặc chó sói với sọc vằn trên lưng. Chúng từng sống ở Australia, Tasmania và New Guinea. Những năm 1800, các nông dân buộc tội chó sói có túi tấn công cừu. Vì thế, họ đã dùng súng săn, thuốc độc, hơi ngạt và bẫy để tiêu diệt chúng. Hổ Tasmania tuyệt chủng trong thế kỷ 20. Ảnh: Wikimedia Commons.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.