Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) dự kiến gặp mặt với Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng 8
Trong chuyến thăm của Tổng thống Philippines tới Trung Quốc dự tính diễn ra cuối tháng 8, ông Duterte sẽ trao đổi thẳng thắn với ông Tập Cận Bình về các hoạt động gây tranh cãi của Bắc Kinh ở Biển Đông và phán quyết của tòa Trọng tài năm 2016 phủ nhận yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Manila sẵn sàng đưa ra quan điểm cứng rắn hơn trong mối quan hệ với Bắc Kinh, nhất là ở Biển Đông, dù trước đó ông Duterte, kể từ khi nhậm chức Tổng thống, luôn giữ thái độ nhún nhường với Trung Quốc.
Sự thay đổi rõ ràng về lập trường của Philippines cũng khiến một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu có phải "tình yêu" của ông Duterte dành cho Trung Quốc trong tuyên bố trước đây đang mờ dần và "tuần trăng mật" giữa Manila và Bắc Kinh đã đến hồi kết?
Giới phân tích cho rằng chuyến đi lần này của ông Duterte khác hoàn toàn so với chuyến đi đầu tiên trên cương vị Tổng thống Philippines tới Trung Quốc năm 2016 nhằm tìm kiếm sự ủng hộ.
Sau khi tuyên bố về việc tách khỏi tầm ảnh hưởng Mỹ được tán thưởng nhiệt liệt, ông Duterte nói tiếp: "Tôi đến đây để nói với các bạn rằng, chúng tôi không yêu cầu các bạn phải tự nguyện giúp đỡ nhưng nếu các bạn vẫn làm điều đó, chúng tôi sẽ rất biết ơn".
Dĩ nhiên, giới chức Trung Quốc rất hài lòng về điều này. Chủ tịch Tập Cận Bình gọi chuyến thăm của ông Duterte khi đó là một "cột mốc quan trọng" và gọi Philippines bằng những mỹ từ như "người hàng xóm tốt" hay "anh em ruột thịt".
Chuyến thăm năm 2016 giúp Manila cởi bỏ được sự thù địch của Bắc Kinh sau khi chính quyền Philippines dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino, kiện Trung Quốc ra tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc để thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
4 ngày sau khi ông Duterte rời Bắc Kinh, Trung Quốc đưa ra một loạt đề xuất ưu đãi tài chính: 15 tỷ USD thỏa thuận thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 9 tỷ USD cho vay lãi suất thấp, hạn mức tín dụng 3 tỷ USD, theo Bloomberg, và 1 triệu khách du lịch Trung Quốc tới quốc gia Đông Nam Á, theo Zhao Jianhua, đặc phái viên Trung Quốc tại Manila.
Đổi lại, ông Duterte sẽ tạm gạt bỏ phán quyết của tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc chống lại tuyên bố đường 9 đoạn phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Hồi tháng 4, ông Duterte vẫn phát biểu rất tốt về ông Tập và Trung Quốc tại diễn đàn Boao do Bắc Kinh tài trợ.
"Tôi chỉ đơn giản là rất yêu quý ông Tập. Ông ấy hiểu, nắm rõ vấn đề của tôi và sẵn sàng giúp đỡ", Tổng thống Philippines phát biểu trước các phóng viên.
Nhưng chỉ 2 tháng sau, mọi thứ thay đổi. Dù vẫn nói "tôi yêu Trung Quốc" nhưng sau khi quân đội Philippines cảnh báo các tàu cá Trung Quốc đang tập trung đánh bắt quanh đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Philippines chiếm đóng trái phép, ông Duterte có vẻ không hài lòng.
"Trung Quốc giúp chúng tôi một chút. Nhưng điều này khiến chúng tôi phải tự hỏi, có đúng không khi một quốc gia đòi hỏi chủ quyền trên cả Biển Đông?", ông Duterte nói.
Xác tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm hồi tháng 6
Mối quan hệ Trung Quốc - Philippines càng trở nên căng thẳng hơn sau vụ một tàu Trung Quốc đâm vào tàu cá Philippines và bỏ mặc 22 thuyền viên gặp nạn trên biển. Quan chức nội các Philippines chỉ trích kịch liệt Trung Quốc trong các tuyên bố của họ.
Hermogenes Esperon, cố vấn an ninh quốc gia cho ông Duterte, cảnh báo 1,2 triệu khách du lịch Trung Quốc đến Philippines năm 2018 và 138.000 lao động Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa an ninh tiềm ẩn với Manila.
"Chúng tôi muốn các cơ hội đầu tư lành mạnh và cũng muốn chào đón nhiều du khách hơn đến với Philippines nhưng vấn đề nào cũng có hai mặt. Philippines phải đặt yếu tố an ninh lên hàng đầu", Esperon nói.
Hồi tháng 7, quân đội Philippines tuyên bố 2 du khách Trung Quốc bị bắt quả tang khi đang chụp ảnh một khu vực hải quân trên đảo Palawan.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana mới đây công khai thúc giục Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin Jnr gửi công hàm phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc khi một tàu nghiên cứu của Bắc Kinh liên tục vào vùng biển Philippines mà không thông báo trước.
Hệ thống nhận dạng tự động của tàu này cũng bị tắt và từ chối phản hồi cảnh báo tới từ cơ quan thực thi pháp luật Philipppines. Bộ trưởng Locsin xác nhận trên Twitter rằng bộ Ngoại giao Philippines sẽ gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh.
Trong khi đó, Salvador Panelo, phát ngôn viên Tổng thống Philippines, nhấn mạnh, chính phủ có thể hủy bỏ hợp đồng thương mại với các công ty Trung Quốc trong việc cho thuê và phát triển 3 hòn đảo của Philippines khi quân đội cảnh báo rủi ro an ninh quốc gia.
Không chỉ căng thẳng về an ninh, Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Ernesto Pernia còn bày tỏ thất vọng về sự chậm chạp của Trung Quốc trong việc chuyển các khoản vay viện trợ phát triển ODA. Trong tổng số 9 tỷ USD cho vay lãi suất thấp mà Bắc Kinh đã hứa hẹn, Manila mới chỉ nhận được 62 triệu USD. Trong khi đó, ngân hàng Trung ương Philippines ghi nhận Bắc Kinh mới chuyển khoảng 693 triệu USD của số tiền 15 tỷ USD FDI hứa hẹn trong giai đoạn 2017-2018.
Salvador Panelo, phát ngôn viên Tổng thống Philippines, cho biết ông Duterte sẽ trao đổi phán quyết của tòa Trọng tài với ông Tập trong cuộc gặp dự kiến vào cuối tháng 8
Hôm 6/8, vấn đề phán quyết của tòa Trọng tài về Biển Đông bất ngờ được nhắc lại. Ông Panelo cho biết Tổng thống Duterte sẽ trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình về phán quyết của tòa Trọng tài trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Trung Quốc vào cuối tháng này.
Ngày 8/8, đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đưa ra một tuyên bố thúc giục chính phủ Philippines trừng phạt các công ty cờ bạc trực tuyến bị cáo buộc lạm dung lao động Trung Quốc.
Một ngày sau, đặc phái viên Zhao cho biết Trung Quốc vẫn không công nhận phán quyết của tòa Trọng tài nhưng khẳng định: "Người Trung Quốc luôn là một bạn tốt, hàng xóm tốt và gần gũi với người Philippines. Sự bất đồng tại Biển Đông chỉ chiếm 1% trong mối quan hệ của chúng tôi".
Phát ngôn viên Tổng thống Philippines cho biết ông Duterte sẽ thảo luận với ông Tập về một cuộc thăm dò dầu khí chung trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.
"Chúng ta phải đạt được gì đó từ tình bạn này. Tôi nghĩ cuộc thăm dò chung sẽ là một kết quả tốt và chính phủ Trung Quốc đã đề xuất một thỏa thuận 60-40", ông Panelo nói.
Tuy nhiên, cả ông Panelo và ông Duterte đều không giải thích tỷ lệ 60-40 ở đây đề cập đến việc chia sẻ chi phí, lợi nhuận hay phần trăm sở hữu của công ty sẽ thực hiện hợp đồng. Hiến pháp Philippines quy định rằng khi nhắc đến việc thăm dò, phát triển và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chính phủ chỉ có thể hợp tác sản xuất, liên doanh hoặc chia sẻ sản xuất với các công dân Philippines hoặc tập đoàn mà người Philippines sở hữu 60%.
Một nguồn tin liên quan tới quan hệ Trung Quốc - Philippines cho biết cả hai quốc gia đang tìm ra cách tốt nhất để đối phó với nước còn lại.
"Mối quan hệ với Trung Quốc không mấy nồng ấm, nó ngày càng trở nên thực dụng. Người Philippines không muốn bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc cũng không muốn làm quân tốt cho nước cờ chính trị của Mỹ. Philippines muốn độc lập và tự chủ.
Manila sẽ tiếp tục phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc và sẽ đưa vấn đề đó ra trao đổi trong các cuộc đàm phán song phương. Philippines muốn giải quyết bất đồng trong hòa bình và bằng con đường ngoại giao. Maninla sẽ không để những bất đồng đó trở thành khủng hoảng hoặc ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ chung với Bắc Kinh", nguồn tin cho hay.
Như vậy, chính phủ Philippines dường như đã phát ra một thông điệp rõ ràng: "Tuần trăng mật" giữa Philippines và Trung Quốc vẫn chưa kết thúc nhưng nó chỉ đúng khi Bắc Kinh giữ lời hứa về việc hỗ trợ Kinh tế cho Manila.
Mang lại hàng tỷ USD cho Philippines nhưng ngành cờ bạc trực tuyến với lao động Trung Quốc cũng gây nhiều lo ngại về các...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.