Vốn chính sách, động lực để nông dân Nam Định tự tin thoát nghèo
Vốn chính sách, động lực để nông dân Nam Định tự tin thoát nghèo
Hương Giang
Thứ hai, ngày 15/01/2024 20:20 PM (GMT+7)
Nguồn vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã giúp cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Nam Định vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.
Đặc biệt, nhiều hộ vay đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập cao, xuất hiện nhiều trang trại, mô hình kinh tế, nhiều gương điển hình sản xuất giỏi từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách.
Mạnh dạn làm ăn
Từ một vùng trũng ven đê, với lợi thế của địa phương và động lực của nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH, kinh tế nông nghiệp của các hộ gia đình tại xã Nghĩa Hùng, huyện Nghĩa Hưng đã có nhiều khởi sắc.
Ghé thăm mô hình nuôi vịt của gia đình chị Cao Thị Thêm (ở đội sản xuất 12), được chị chia sẻ, nhờ Hội Phụ nữ xã giới thiệu và Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng tạo điều kiện cho vay 99 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, chị đã đầu tư gây dựng đàn vịt với 1.700 con vịt đẻ và hơn 4.000 con vịt thịt. Với mô hình chăn nuôi khá hiệu quả này, bình quân mỗi ngày gia đình chị Thêm cung ứng ra thị trường hơn 1.400 trứng vịt sạch cho các thương lái và lò ấp trứng xung quanh, giúp đem lại thu nhập mỗi tháng hơn 15 triệu đồng.
Không chỉ sử dụng hiệu quả vốn vay để thoát nghèo bền vững, chị Thêm còn được bà con bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tích cực giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại xóm 12 được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi. Hiện tại, Tổ tiết kiệm và vay vốn của chị Thêm có dư nợ 4,3 tỷ đồng với 56 thành viên vay vốn.
Cũng ở xã Nghĩa Hùng, nhờ có nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, gia đình bà Đoàn Thị Cúc đã đầu tư nuôi lợn thịt, ngỗng, cho hiệu quả kinh tế cao. Bà Đoàn Thị Cúc tâm sự, trong thời điểm bão giá, mọi chi phí về cám, giống đều cao, nên nguồn vốn cho vay theo chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện đã kịp thời giúp gia đình vơi bớt áp lực về chi phí đầu tư, yên tâm ổn định sản xuất. Dự kiến trong dịp Tết Giáp Thìn này, đàn lợn hơn 200 con được xuất bán sẽ cho gia đình bà thu về hơn 200 triệu đồng.
Đồng lòng triển khai tín dụng chính sách
Để có được hiệu quả từ các chương trình cho vay, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nam Định Trần Duy Hưng cho biết: Chi nhánh đã tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp và phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng nhằm hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn; phân bổ kịp thời nguồn vốn bổ sung theo đúng quy định, điều hòa nguồn vốn giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn.
Trong quá trình thực hiện, chi nhánh luôn quan tâm định hướng và chỉ đạo hoạt động đầu tư tín dụng chính sách trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên cho vay các xã khu vực nông thôn, có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, mọi giải pháp đều sẽ khó triển khai nếu như không có sự đồng thuận của nhân dân và chính quyền địa phương.
Trong năm vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và UBND các cấp tiếp tục dành một phần nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; đưa nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH vào dự chi ngân sách hàng năm.
Ngay từ đầu năm đã chuyển nguồn vốn uỷ thác bổ sung cho Ngân hàng CSXH kịp thời có vốn đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống; tạo điều kiện bố trí địa điểm, đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH tại các Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn để Ngân hàng CSXH đưa vốn đến người dân thuận lợi, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận với tín dụng ưu đãi.
Để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, cùng với việc cấp tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH, chính quyền các cấp đã thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của địa phương, gắn kết các chương trình tín dụng chính sách với hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, chương trình phát triển các sản phẩm OCOP…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.