Làng nghề làm khăn xếp độc nhất ở Nam Định, càng gần Tết càng đông khách đến mua

Mai Chiến Thứ sáu, ngày 12/01/2024 14:32 PM (GMT+7)
Khăn xếp thôn Giáp Nhất (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) được những người thợ làm thủ công, đủ loại kích cỡ, màu sắc. Khăn xếp Giáp Nhất không chỉ phục vụ những dịp lễ tết, mừng thọ… mà còn phục vụ các sự kiện lớn trong nước.
Bình luận 0

Lưu giữ làng nghề làm khăn xếp

Người dân thôn Giáp Nhất không rõ nghề làm khăn xếp có tự bao giờ. Cũng không có ai biết ông tổ nghề là vị nào. Họ chỉ biết rằng, nghề làm khăn xếp được truyền lại từ đời này qua đời khác và là làng nghề làm khăn xếp độc nhất ở miền Bắc.

Làng nghề làm khăn xếp độc nhất ở Nam Định, càng gần Tết càng đông khách đến mua- Ảnh 1.

Anh Đoàn Văn Thủy là 1 trong những người trẻ ở thôn Giáp Nhất (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) mong muốn lưu giữ nghề làm khăn xếp - nghề ông cha để lại. Ảnh: Mai Chiến.

Khoảng những năm 1940 là thời kỳ làng nghề làm khăn xếp thôn Giáp Nhất phát triển mạnh nhất. Nhà nhà làm khăn xếp, người người làm khăn xếp. Chặt chội đến nỗi, trong nhà, ngoài sân không còn chỗ để ngồi làm, nhiều người phải đem đồ nghề ra sân đình làng mới có chỗ làm khăn xếp.

Tuy nhiên, thời gian về sau do ảnh hưởng của chiến tranh và do nhiều nguyên nhân khác khiến làng nghề mai một. 

Mãi đến năm 1990, làng nghề làm khăn xếp thôn Giáp Nhất mới được các cụ trong làng khôi phục lại. Nhờ đó, làng nghề khăn xếp độc nhất miền Bắc được "sống" lại trong niềm vui của mọi người và tồn tại cho đến ngày nay.

Đất nước vào thời kỳ hội nhập, xã hội phát triển, nhiều ngành nghề khác cũng nở rộ theo, cho thu nhập cao nên những năm qua làng nghề làm khăn xếp thôn Giáp Nhất cứ vắng bóng dần đi, không còn nhộn nhịp như trước.

Lao động chủ lực sản xuất khăn xếp hiện chủ yếu là người lớn tuổi, không làm được việc nặng nhọc, không đủ năng lực, tài chính để đẩy mạnh phát triển nghề. Lớp trẻ trong làng không còn mấy ai mặn mà với nghề, số người trẻ muốn lưu giữ nghề đếm trên đầu ngón tay.

Làng nghề làm khăn xếp độc nhất ở Nam Định, càng gần Tết càng đông khách đến mua- Ảnh 2.

Cốt khăn xếp được làm từ xốp, bên ngoài may vải mềm với đủ loại màu sắc. Ảnh: Mai Chiến.

Anh Đoàn Văn Thủy (thôn Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang) là đời thứ 4 trong gia đình nối nghề của ông cha để lại. Ngay từ nhỏ, anh Thủy được bố mẹ chỉ bảo, truyền đạt cho những kinh nghiệm làm khăn xếp.

Nghề đã ngấm vào máu, anh Thủy khó dứt bỏ được. Sau khi bố mẹ anh "gác" nghề, anh Thủy bắt đầu nối nghiệp và phát triển thương hiệu, đó là vào khoảng năm 2000. Hiện, gia đình anh là 1 trong 5 cơ sở sản xuất khăn xếp lớn nhất ở thôn Giáp Nhất.

Trước đây, người dân thôn Giáp Nhất làm khăn xếp chủ yếu dùng bìa cứng, báo giấy, rơm… làm cốt, do đó khăn xếp khi đội lên đầu không có thẩm mỹ, không toát lên được vẻ đẹp. Anh Thủy là người đã khai sinh ra khăn xếp thế hệ mới, vừa nhẹ, vừa đẹp.

Anh kể, năm 2004, anh được người bạn ở xã Hồng Quang (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) giới thiệu 1 số nguyên liệu có thể làm được khăn xếp. Xã Hồng Quang có làng nghề Báo Đáp chuyên làm hoa nhựa, hoa vải nên nguyên liệu sẵn có.

Không ngại đổi mới sản phẩm, anh Thủy nhờ người bạn kết nối tìm mua nguyên liệu (xốp). Anh thay đổi cốt khăn xếp từ bìa cứng, giấy báo sang cốt khăn làm bằng xốp, nhờ vậy khăn xếp được thị trường đón nhận. Khăn xếp làm đến đâu, thương lái mua hết đến đó.

Để chủ động nguồn nguyên liệu làm khăn xếp, anh Thủy lên tận huyện Phú Xuyên (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội) tìm về những cơ sở chuyên sản xuất xốp, nhập số lượng lớn về cơ sở. Từ đó đến nay, anh vẫn nhập nguyên liệu ở trên đó về làm.

Quảng bá hồn dân tộc qua sự kiện lớn

Vào dịp cuối năm, mặt hàng khăn xếp được các cửa hàng thu mua nhiều nhằm phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán và lễ hội xuân, lễ mừng thọ… nên cơ sở sản xuất khăn xếp của gia đình anh Đoàn Văn Thủy tất bật hẳn lên.

Làng nghề làm khăn xếp độc nhất ở Nam Định, càng gần Tết càng đông khách đến mua- Ảnh 3.

Thời điểm này, các cơ sở tất bật sản xuất khăn xếp phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Mai Chiến.

Cơ sở sản xuất khăn xếp của gia đình anh Thủy có khoảng 20 lao động làm việc thường xuyên. Mỗi lao động phụ trách một công đoạn, làm theo dây chuyền. Anh Thủy là người xử lý công đoạn cuối cùng, đó là công đoạn vẽ, trang trí khăn xếp.

Theo anh Thủy, hiện nay có 10 loại khăn xếp đang được thị trường đón nhận và phát triển thịnh hành, gồm: Khăn xếp mừng thọ, khăn xếp hầu đồng, khăn xếp tế lễ, khăn xếp dành cho trẻ nhỏ múa hát…

Mỗi loại khăn xếp được tô vẽ, trang trí, quấn vòng nếp khác nhau, nhưng điểm chung ở phần lưỡi trai khăn xếp là đều có lưỡi trai hình chữ nhân.

Chẳng hạn loại khăn xếp mừng thọ bắt buộc phải có chữ Thọ ở vành khăn, điểm chính giữa trán. Khăn quấn 7 nếp, trên đầu có đốc thì dành cho cụ ông; khăn quấn 9 nếp, không có đốc thì dành cho cụ bà.

Các cụ mừng thọ tuổi 70 - 85 thì đội khăn đỏ, tuổi 90 đội khăn vàng có chữ Thọ, tuổi 100 đội khăn vàng có vẽ đôi phượng chầu chữ Thọ… Hoặc khăn xếp hầu đồng cũng có nhiều loại, loại 20 nếp, loại 30 nếp… với đủ màu sắc, hợp với các giá hầu đồng.

Vừa làm, anh Thủy vừa tâm sự, nguyên liệu chính để làm khăn xếp gồm vải mềm, xốp và keo (hồ) dính. Vải, xốp được nhập về với số lượng lớn, đủ màu sắc, phù với với từng loại khăn xếp.

Làng nghề làm khăn xếp độc nhất ở Nam Định, càng gần Tết càng đông khách đến mua- Ảnh 4.

Công đoạn vẽ, trang trí khăn xếp. Ảnh: Mai Chiến.

Để làm ra được 1 chiếc khăn xếp, người thợ phải trải qua 7 công đoạn như xén vải; máy cốt; cắt lót xốp bên trong; quấn lót xốp theo khuôn và ghim lại; quấn nếp; bọc vành ngoài; tô vẽ và trang trí họa tiết.

Công đoạn quấn nếp đòi hỏi sự tỷ mỷ và kỹ thuật nhất. Người thợ vừa phải quấn nếp, vừa phải bôi keo (hồ) dính. Keo bôi vừa đủ, kín mặt để gắn kết giữa các vòng nếp với nhau. Các vòng nếp được siết càng chặt thì khăn xếp càng chắc chắn.

Anh Thủy thổ lộ, thời điểm này, các cơ sở sản xuất khăn xếp ở thôn Giáp Nhất đang tăng cường sản xuất để phục vụ thị trường xuân Giáp Thìn 2024.

Giá bán mỗi chiếc khăn xếp dao động từ 20.000 - 25.000 đồng, tùy vào từng loại, kích cỡ… Loại khăn xếp cao cấp thì có giá lên đến 500.000 đồng/chiếc, tuy nhiên số lượng ít, các cơ sở chỉ làm theo đơn đặt hàng trước.

Hiện, thị trường tiêu thụ chính của gia đình anh Thủy chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh phía Nam.

"Năm 2006, gia đình tôi được một cơ sở trên Hà Nội thu mua khăn xếp để phục vụ Diễn đàn APEC. Năm 2010, phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội", anh Thủy bật mí.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem