Vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH “khai sinh” các mô hình khởi nghiệp cho nông dân Quảng Bình

Đức Thịnh Thứ ba, ngày 05/03/2024 18:37 PM (GMT+7)
Từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều nông dân huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi mới và hiệu quả.
Bình luận 0

Giúp nông dân khởi nghiệp chăn nuôi

Với mô hình chăn nuôi dê, bò, lợn, nuôi trùn quế, chị Trần Thị Hằng (ở thôn Phúc Nhĩ, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) là điển hình nông dân sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH.

Chị Hằng cho biết: Sau nhiều năm đi làm ăn xa ở miền Nam, vợ chồng anh chị trở về quê đầu tư mô hình trang trại nuôi lợn. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, chị chỉ nuôi vài con lợn nái với mục đích lấy công làm lãi. Nhận thấy mô hình chăn nuôi hiệu quả, gia đình chị Hằng quyết định mở rộng quy mô, tăng đàn vật nuôi.

Đầu năm 2023, chị Hằng mạnh dạn vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh để xây dựng chuồng trại và mua thêm con giống. Nhằm chủ động nguồn giống tại chỗ, hạn chế mầm bệnh phát sinh, chị duy trì nuôi 25 con lợn nái và lợn thịt. Mỗi năm, gia đình chị xuất bán 4 lứa lợn, đem lại thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm.

Vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH “khai sinh” các mô hình khởi nghiệp cho nông dân Quảng Bình- Ảnh 1.

Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) giao dịch với khách hàng ngay tại Điểm giao dịch xã Vĩnh Ninh. Ảnh: L.C

Vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH “khai sinh” các mô hình khởi nghiệp cho nông dân Quảng Bình- Ảnh 2.

Tận dụng đất vườn đồi, chị bắt tay vào nuôi thử nghiệm dê và bò. Nhờ sẵn nguồn thức ăn cùng với sự chăm sóc chu đáo nên đàn dê phát triển tốt, sinh sản đều, số lượng tăng nhanh. Hiện chị duy trì nuôi 28 con dê, 4 con bò và dự kiến sẽ tiếp tục tăng đàn.

Cùng với nuôi lợn, dê, bò, chị Hằng còn nuôi trùn quế. Chị Hằng cho biết, nuôi trùn quế rất dễ. Nguồn nguyên liệu nuôi trùn được tận dụng từ phân gia súc và phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ. Phân dê, bò, lợn thải ra sẽ được chị Hằng ủ qua chế phẩm sinh học sau đó dùng để làm thức ăn cho trùn quế. Lượng phân này sau khi thu hoạch giun quế sẽ được sử dụng làm phân bón hữu cơ để bón cho rau màu, cây ăn quả trong vườn nhà.

Còn anh Cái Viết Thoản (ở thôn Hòa Bình, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) lại đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cua từ vốn vay Ngân hàng CSXH. Anh Thoản cho biết: Đầu năm 2021, anh bắt tay vào nuôi tôm thẻ chân trắng. Mỗi năm anh Thoản thả nuôi 300.000 tôm thẻ chân trắng, đem lại thu nhập ổn định hơn 150 triệu đồng.

Sau khi mô hình chăn nuôi tôm dần ổn định, anh mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh để mở rộng ao và nuôi thử nghiệm giống cua rào. Vụ đầu tiên anh bán được 500 con cua, thu lãi ròng vài chục triệu đồng. Thời điểm hiện tại, anh đang thả nuôi 6.000 con cua rào và 3.000 con cua Cà Mau.

Ưu tiên vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn

Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh - Nguyễn Xuân Hào cho biết: Với mạng lưới rộng khắp và mang tính xã hội hóa cao, vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh đã đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tất cả các thôn, xóm của 15/15 xã, thị trấn trong toàn huyện. Đến 31/12/2023, bình quân 1 xã, thị trấn có dư nợ Ngân hàng CSXH trên 36,7 tỷ đồng; bình quân mỗi tổ tiết kiệm-vay vốn có dư nợ trên 2,6 tỷ đồng; bình quân dư nợ gần 64 triệu đồng/hộ.

Tổng dư nợ tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đến hết tháng 12/2023 đạt trên 550 tỷ đồng, với 8.612 hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ 63,9 triệu đồng/hộ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay hiệu quả. Hiện, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 549 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân cho biết: Việc thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua Ngân hàng CSXH đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện; tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo. 

Nguồn vốn tín dụng chính sách được ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giáo dục đào tạo, chú trọng đầu tư vốn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, bảo đảm an toàn và trật tự xã hội tại địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem