Sẵn sàng vào thời kỳ mới
Sự kiện này được đánh dấu bằng việc ngày 23/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP phê duyệt chính thức Hiệp định đối tác tự nguyên giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Ngành gỗ đang có nhiều cơ hội nhờ VPA/FLEGT. Ảnh: tư liệu
"Để kiểm soát nguồn gốc gỗ, trên cơ sở thỏa thuận với EU và các đối tác về kiểm soát nguồn gốc gỗ, mới đây, Việt Nam đã ban hành Luật Lâm nghiệp, trong luật đã đề cao việc kiểm soát chuỗi cung ứng trong sản xuất. Lần đầu tiên, Việt Nam đã có hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, cùng với đó là việc tăng mức xử phạt đối với các vi phạm”.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn
|
Trước đó, ngày 15/4/2019, Hội đồng châu Âu cũng đã gửi Công hàm thông báo với Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu, Bỉ về việc Hội đồng châu Âu đã kết thúc phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT. Như vậy, thủ tục phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT của phía EU đã hoàn thành.Thời điểm Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực sẽ phụ thuộc vào thời điểm Việt Nam hoàn thành thủ tục phê duyệt hiệp định và thông báo bằng văn bản cho Hội đồng châu Âu.
Để có được kết quả này, ngày 18/3/2019, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 2076/VPCP-QHQT về việc lấy ý kiến các thành viên Chính phủ phê duyệt Hiệp định VPA/FLEGT. Ngày 19/4/2019, Bộ NNPTNT đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả phê chuẩn/phê duyệt và tổ chức thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU (2659/BNN-TCLN). Sau đó, Bộ Ngoại giao đã làm các thủ tục để thông báo cho Hội đồng châu Âu về việc Chính phủ Việt Nam đã ra nghị quyết phê duyệt Hiệp định VPA/FLEGT và Hội đồng châu Âu công nhận Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực vào ngày 1/6/2019. Điều này hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản hợp pháp của Việt Nam sang thị trường EU, một trong những thị trường lớn, cao cấp, giá trị hàng đầu trên thế giới hiện nay.
Hiệp định VPA/FLEGT chính thức được Việt Nam và EU thông qua ngày 18/10/2018 tại Vương quốc Bỉ. Hiệp định VPA/FLEGT được kỳ vọng sẽ hạn chế tiến tới chấm dứt việc khai thác gỗ bất hợp pháp nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững đồng thời bảo vệ, khuyến khích giao thương gỗ và đồ gỗ theo các tiêu chuẩn phổ cập được hai bên cam kết. Phạm vi điều chỉnh của Hiệp định bao trùm tất cả các loại gỗ bất kể là gỗ rừng trồng, gỗ từ rừng tự nhiên hay gỗ nhập khẩu, gỗ tịch thu, gỗ từ vườn nhà, trang trại, cây phân tán hay gỗ cao su.
Có thêm nhiều cơ hội
Ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ đang được đánh giá là một điểm sáng trong xuất khẩu nông sản khi liên tục mang về giá trị kim ngạch lớn. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu lâm sản là một trong những lĩnh vực nổi bật nhất từ đầu năm đến nay. Thị trường xuất khẩu lâm sản của Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản.
Trong chuyến thăm Việt Nam và làm việc với Bộ NNPTNT, bà Heidi Hautala - Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu nhấn mạnh, Hiệp định VPA/FLEGT với Việt Nam là hiệp định thứ hai tại châu Á mà EU đã ký kết, sau Indonesia. Đây là một bước đi quan trọng của EU trong việc xây dựng một chiến lược rộng hơn nhằm nâng cao đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại châu Á và chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Việt Nam đã cam kết ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo chỉ có gỗ được sản xuất hợp pháp nhập khẩu vào Việt Nam.
“Chúng ta cần đảm bảo nguồn gốc gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp khi vào EU. Việc xác định những quy định chi tiết, đặc biệt liên quan đến nhập khẩu là việc quan trọng trong thực hiện vấn đề này” - bà Heidi Hautala nhấn mạnh.
Đánh giá về cơ hội sau khi VPA/FLEGT có hiệu lực, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, EU là thị trường lớn thứ tư của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu (XK) sản phẩm gỗ sang 28 nước của EU, chủ yếu là sản phẩm gỗ ngoài trời... Những năm gần đây, XK sản phẩm gỗ sang thị trường này luôn chiếm tỷ trọng 13-17% tổng kim ngạch thương mại đồ gỗ. Việt Nam không XK gỗ nguyên liệu sang EU. Tất cả những sản phẩm gỗ xuất sang EU được kiểm soát chặt chẽ và không có gỗ tự nhiên.
Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp tăng cường quản trị rừng, giải quyết vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được xác minh hợp pháp XK từ Việt Nam sang thị trường EU và các thị trường khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.