Câu hỏi đặt ra, nếu trích lập dự phòng đầy đủ, lợi nhuận của ngân hàng này sẽ còn lại bao nhiêu?
Chiều nay 28.3, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2016. Tại đại hội, Hội đồng quản trị (HĐQT) sẽ trình cổ đông về kế hoạch lợi nhuận năm 2016. Theo đó, tổng tài sản đến cuối năm 2016 sẽ tăng lên 246.223 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 156.358 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2015 của VPBank, tổng tài sản đạt 193.876 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 116.804 tỷ đồng, tương đương 49% so với cuối năm 2014, lợi nhuận trước thuế đạt 3.096 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 2,7%.
Cũng tại đại hội, HĐQT của VPBank cũng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 9.181 tỷ đồng lên 11.040 tỷ đồng thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng. Cụ thể, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 110.400.000 cổ phần, tương đương 1.104 tỷ đồng; chia cổ phiếu thưởng là 48.045.300 cổ phần, tương đương 480 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm sẽ là 1.584 tỷ đồng.
Câu chuyện của VPBank sẽ không có gì đáng nói, nếu ngân hàng này sòng phẳng trong việc trích lập dự phòng rủi ro.
Theo đó, tổng số nợ xấu của VPBank tính đến cuối năm 2015 là 3.145 tỷ đồng, trong khi ngân hàng này chỉ chi ra 1.741 tỷ đồng tiền trích lập dự phòng. Tuy nhiên, theo tính toán của người viết, trên cơ sở không tính tài sản đảm bảo, VPBank đã “ăn bớt” khoảng 1.479 tỷ đồng tiền trích lập dự phòng. Lý do người viết không tính tài sản đảm bảo khi tính trích lập dự phòng rủi ro là vì trong thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, trang 59, điểm 41 về "chính sách rủi ro tài chính" của ngân hàng này có viết: "Ngân hàng hiện đang nắm giữ tài sản đảm bảo là bất động sản, động sản, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác cho các tài sản tài chính này. Ngân hàng chưa xác định được đầy đủ giá trị tài sản hợp lý của các loại tài sản đảm bảo này do chưa có các hướng dẫn cụ thể cũng như chưa có thông tin thị trường cần thiết.
Cụ thể, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của VPBank là 6.945 tỷ đồng và ngân hàng này chỉ trích lập dự phòng rủi ro là 252 tỷ đồng. Nếu trích lập đúng theo quy định là 5%, số tiền trích lập phải đạt khoảng 347 tỷ đồng.
Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của VPBank là 1.268 tỷ đồng, nhưng VPBank chỉ trích lập có 65 tỷ đồng, trong khi nếu trích lập đủ theo quy định là 20% thì số tiền trích lập sẽ là 253 tỷ đồng,
Đặc biệt, nợ nhóm (nợ có khả năng mất vốn) của VPBank là 1.354 tỷ đồng, nhưng VPBank chỉ trích lập có 156 tỷ đồng. Theo quy định, nợ có khả năng mất vốn thì phải trích lập dự phòng rủi ro là 100%, như vậy, nếu trích lập đúng, VPBank phải trích lập 1.354 tỷ đồng cho khoản nợ này.
Như vậy, VPBank sẽ phải trích lập khoảng 3.220 tỷ đồng thay vì con số 1.741 tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Năm 2015, VPBank có tổng số trái phiếu đặc biệt VAMC là 4,520 tỷ đồng nhưng chỉ dự phòng gần 567 tỷ đồng. Theo quy định, ngân hàng sẽ phải trích lập 20% tổng số trái phiếu, có nghĩa là nếu trích lập đúng, VPBank sẽ phải chi ra 904 tỷ đồng, thay vì con số 567 tỷ đồng khiêm tốn kia.
Câu hỏi đặt ra, nếu trích lập đúng và đủ thì lợi nhuận của VPBank còn bao nhiêu? Liệu có còn là con số 3.096 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế như báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng này công bố? Ngân hàng này sẽ giải trình với cổ đông thế nào về việc ăn bớt trích lập dự phòng để làm đẹp sổ sách và con số lợi nhuận? Điều đáng quan ngại hơn, đó là với khoản lợi nhuận ảo như vậy, VPBank sẽ lấy nguồn nào để xử lý khi nợ xấu tăng trở lại?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.