VPF cô đơn sau đòn độc của AVG?

Thứ bảy, ngày 03/03/2012 13:44 PM (GMT+7)
Dân Việt - Việc VTV, VTC cùng xác nhận đồng ý đứng chung tên trong hợp đồng thương quyền truyền hình với VFF theo đề nghị của AVG bỗng chốc biến VPF cô đơn, rơi vào thế bí.
Bình luận 0

Trong cuộc chiến về bản quyền truyền hình vừa qua, người ta thấy VPF luôn coi VTV là con át chủ bài để kéo về phía mình nhằm tăng thêm sức nặng trong cuộc chiến đòi lại bản quyền hợp pháp mà AVG đang sở hữu. Thậm chí họ còn ký cả bản thỏa thuận với VTV về một bản hợp đồng bản quyền có thời hạn 3 năm.

img
Cả VTV và VTC đều khẳng định đồng ý hợp tác với AVG về khai thác thương quyền truyền hình bóng đá Việt Nam. Ảnh: BĐV

Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là bản thỏa thuận, chưa có giá trị pháp lý và chính VTV sau đó cũng khẳng định chỉ muốn hợp tác với đối tác đã chính danh và sở hữu bản quyền hợp pháp. 

Đến thời điểm này, VTV, VTC đã cùng lên tiếng chính thức đồng ý đứng chung tên trong hợp đồng sở hữu thương quyền với AVG, sau khi AVG đưa ra đề nghị phân chia tỉ lệ cùng sở hữu thương quyền với VTV là 40%, VTC 30% và AVG 30%.

Như vậy, AVG đã đồng ý chia sẻ 70% thương quyền cho hai nhà đài lớn nhất nước, đồng thời khẳng định vẫn sẽ ủng hộ 100% lợi nhuận bản quyền truyền hình bóng đá cho thể thao Việt Nam. Động thái này của AVG cho thấy AVG nói và làm đi đôi với nhau, ngay cả khi AVG đang lỗ lớn với bản quyền truyền hình bóng đá, như Tổng Giám đốc AVG Trần Đăng Tuấn tiết lộ, dù mức giá 6 tỉ đồng họ mua được không phải là quá cao.

Chủ trương đã có và các bên đã đồng ý. Cuộc chiến bản quyền truyền hình có thể sắp đến hồi kết khi bộ ba AVG - VTV - VTC cùng ngồi lại bàn thảo để thống nhất những điểm cuối cùng trước khi làm việc với VFF.

Có thể thấy, việc mời VTV, VTC đứng chung hợp đồng là một nước cờ cao của AVG nhằm sớm kết thúc “ván cờ” mà VPF khởi xướng đã diễn ra quá lâu, khiến cho người hâm mộ mệt mỏi.

Việc ba cái tên VTV - AVG - VTC cùng đứng chung nhau cũng sẽ mang lại những lợi ích về mặt thương hiệu cho AVG. Điều này cũng được hiểu như AVG sánh ngang với hai đài truyền hình lớn nhất nước hiện nay, đặc biệt là khi AVG sở hữu hệ thống truyền dẫn phát sóng tín hiệu được Hiệp hội Phát thanh & Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương đánh giá là hiện đại nhất châu Á với những công nghệ hiện đại mà nhiều đài truyền hình chưa có.

Dù cuộc cạnh tranh bản quyền truyền hình vẫn đang diễn ra nóng bỏng nhưng hoạt động truyền hình của đơn vị này vẫn không có gì thay đổi và theo đúng lộ trình. Sau khi chính thức cung cấp dịch vụ tại Hà Nội, TP HCM ngày 1.1.2012, ngày 1.3 vừa qua, AVG - Truyền hình An Viên đã mở rộng cung cấp dịch vụ ra 11 tỉnh thành ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam thông qua hệ thống bưu cục của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) gồm: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.

Dự kiến, ngày 1.4 tới, Truyền hình An Viên của AVG sẽ cung cấp dịch vụ trên toàn quốc.

Chưa thể biết chính xác câu chuyện về cuộc chiến bản quyền truyền hình sắp tới sẽ kết thúc khi nào và kết thúc ra sao, nhưng người ta thấy mọi chuyện đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng có lợi cho AVG. Còn với VPF, sau một thời gian dài ráo riết chạy theo cuộc chiến bản quyền truyền hình, sắp tới rất có thể sẽ nằm ngoài cuộc chơi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem