Trong buổi gặp mặt giữa VPF và AVG hôm 21.2 vừa qua, một trong những nội dung mà VPF yêu cầu đó là được chuyển giao lại toàn bộ bản quyền truyền hình của ba giải đấu theo hướng dành cho Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) độc quyền khai thác trước.
Đây không phải lần đầu tiên VPF đưa VTV vào câu chuyện thương quyền. Tại sao VPF “nhất mực” đòi chuyển bản quyền bóng đá cho VTV?
VTV có thiết tha với thương quyền bóng đá Việt Nam?
Một đại diện VPF đã khẳng định rằng họ đã ký một bản ghi nhớ với VTV về việc bán bản quyền truyền hình 3 năm với giá 76 tỷ đồng. Khẳng định này như là một phát đinh đóng chắc chắn vào lập luận của VPF cho rằng bản quyền truyền hình bóng đá sẽ “được giá” hơn bản hợp đồng giữa VFF và AVG, đặc biệt là sau tuyên bố của ông Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ rằng sẵn sàng chuyển ngang thương quyền truyền hình cho Đài nào mua với giá cao.
Tuy nhiên khi phía VTV chưa có sự xác nhận nào, phía VPF cũng chưa công khai bản ghi nhớ thì dư luận có quyền nghĩ đó lại là một chiêu “làm màu” của các ông bầu.
Nhìn vào câu chuyện bản quyền truyền hình những mùa trước thì có vẻ như, VTV chẳng mấy thiết tha với bản quyền truyền hình bóng đá trong nước để phải bỏ đến nhiều chục tỷ đồng để mua về.
Những năm trước, số tiền các đài (trong đó có VTV) bỏ ra để được ghi hình, phát sóng các trận bóng đá trong nước chẳng đáng là bao. Thậm chí có những lúc LĐBĐVN đã phải "nói khó" với các đài để các trận đấu được đến với người hâm mộ. Trong cả hai mùa bóng 2010, 2011, VTV chỉ dành một khoản ngân sách là 3,9 tỷ đồng để mua thương quyền truyền hình các giải đấu khác nhau của VFF.
Đến năm 2012, khi câu chuyện tranh chấp bản quyền truyền hình xảy ra, dù VPF đã có công văn cho phép VTV và các đài tự do vào sân ghi hình nhưng VTV cũng đã có động thái “hợp tác” với AVG khi gửi công văn thỏa thuận việc ghi hình, phát sóng ở các trận đấu.
Rõ ràng với VTV, họ không muốn đưa mình vào thế vi phạm thương quyền, bản quyền truyền hình vì dù sao họ cũng đang là đơn vị mua bản quyền truyền hình lớn nhất Việt Nam. Vậy có thực việc VTV sẵn sàng bỏ ra 76 tỷ đồng để có được thương quyền bóng đá chỉ trong 3 năm khi trước đây, họ vẫn coi đó là món hàng quá rẻ?
VTV hay chính là VPF?
Từ trước, khi nói đến chuyện bản quyền truyền hình đối với các đài, VPF luôn nhắc đến VTV như một ưu tiên đầu tiên cho việc ghi hình và phát sóng các trận đấu, bởi VPF dựa vào cớ VTV là một đài truyền hình quốc gia, có thể phát sóng các trận đấu được đến đông đảo người hâm mộ. Tuy nhiên, có lẽ VPF quên một điều rằng sau mùa bóng 2011, AVG nắm bản quyền truyền hình và số trận đấu được phát sóng tăng lên đến hơn 200%.
Đến khi “cuộc chiến” bản quyền truyền hình mà mình khơi dậy dần đi vào ngõ cụt, VPF đã đưa ra lập luận để phản đối hợp đồng giữa VFF và AVG bằng tuyên bố về một bản ghi nhớ đã ký với VTV về việc bán thương quyền các giải trong 3 năm với con số 76 tỷ đồng! Chưa có đại diện lãnh đạo nào của VTV chính thức đứng ra xác nhận sự việc này, vì thế cũng chưa thể tin là các ông bầu đã nói thật.
Mặt khác, Đài Truyền hình Việt Nam đang hoạt động với cơ chế tài chính như một doanh nghiệp nhà nước với 100% từ vốn ngân sách nhà nước, liệu có chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn gấp 6 lần năm trước đó (21 tỷ đồng so với chưa đầy 4 tỷ đồng) để mua bản quyền truyền hình các giải bóng đá trong nước?
Hay đã có một ai đó đứng sau VTV để đưa ra con số “khổng lồ” này chỉ để “làm màu” và “ép” phía AVG “chuyển sang” thương quyền bóng đá một cách nhanh nhất? Phải chăng đó chính là VPF - những người “quyết chiến” với bản hợp đồng này?
Anh Thái
Vui lòng nhập nội dung bình luận.