Vì sao phải cần người Nhật ?
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cho biết vấn đề mời chuyên gia Nhật Bản đã được đặt ra từ cuộc họp HĐQT VPF hồi tháng 3.2012 ở TP.HCM: “Khi đó tôi muốn vị này sẽ giữ vai trò cố vấn cho chủ tịch, đứng phía sau tham mưu, cùng hoạch định một số vấn đề về chiến lược với HĐQT VPF, mục đích chính là tăng thêm sự hấp dẫn, lôi cuốn cho V-League và giúp công tác quản lý điều hành các giải đấu đi vào bài bản.
Tuy nhiên, do phía đối tác chưa tìm được chuyên gia sẵn sàng dấn thân sang VN nên việc đó khất lại. Mới đây, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của ông Daisuke Nakanishi, Giám đốc điều hành, Trưởng BTC J-League khi gửi hồ sơ của chuyên gia người Nhật đến VPF và cho biết đây là nhân vật rất có năng lực, nhiều kinh nghiệm, từng tham gia hoạt động quản lý bóng đá 13 năm, đặc biệt với vai trò giám đốc điều hành từ CLB đến các giải đấu cấp quốc gia và quốc tế. Do VPF hiện tại đang thiếu một phó tổng giám đốc giữ vai trò như vậy, nên tôi sẽ thông báo với HĐQT để bổ sung chuyên gia này vào”.
|
Ông Kazuyoshi Tanabe - Ảnh: J-League |
Ông Thắng nói thêm: “VN cần phải học mô hình điều hành của bóng đá Nhật Bản bởi họ làm rất quy củ, chặt chẽ. Vai trò của những chuyên gia trong bộ máy điều hành J-League hết sức năng động, sáng tạo, luôn nỗ lực tìm tòi để giải đấu ngày càng hoàn thiện và hay hơn.
Không phải tôi cổ súy hoàn toàn cho người Nhật, nhưng thực sự cách làm của họ rất đáng cho chúng ta nghiên cứu, học hỏi, đặc biệt họ luôn giữ lửa trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp và biết biến J-League thành nơi hái ra tiền”. Theo phân tích của Chủ tịch VPF, không phải ngẫu nhiên mà sắp tới đây VFF cũng có ý định mời HLV người Nhật Bản cho đội tuyển bóng đá VN. Bởi chỉ có tận dụng và trao vai trò dẫn dắt cho chuyên gia người Nhật thì mới thổi vào tính kỷ luật, nghiêm túc và không ngừng vươn lên của các thành viên đội tuyển. Từ đó tạo ra những chuyển động tích cực, thay đổi bộ mặt làng bóng.
|
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng |
Chân dung “phó tổng giám đốc” của VPF
Chuyên gia người Nhật được nhắc ở trên là Kazuyoshi Tanabe, từng làm Giám đốc điều hành CLB Yokohama, Avispa Fukuoka (đội từng sang VN thi đấu Cúp quốc tế Truyền hình Bình Dương), Ryukyu (Nhật), Grenoble Foot 38 (Pháp). Ông được BTC J-League giao đến từng CLB tham gia trực tiếp vào bộ máy của họ để giúp hoạch định chiến lược, xây dựng hình ảnh, tạo ra những động lực về kinh tế, thực thi các hình thức công nghệ tổ chức để thu hút khán giả, hình thành mô hình các tuyến đào tạo và tìm kiếm tài năng trẻ cho CLB...
Ông Tanabe được coi như một “đại sứ”, nơi nào ông làm xong nghĩa vụ và CLB ổn định rồi thì ông lại đến với đội khác, không nề hà đó là đội đẳng cấp J-1, J-2 hay giải hạng ba, thậm chí sang giúp cho thành phố Grenoble thiết lập lĩnh vực kinh doanh mới và làm chiến lược marketing cho đội bóng Pháp này. Trong thời gian giữ cương vị ở đội Yokohama, ông Tanabe từng đàm phán thành công mời cựu danh thủ Pierre Littbarski (Đức), vô địch World Cup 1990, làm HLV đội.
Với bản thành tích khá dày, ông Tanabe có vẻ thích hợp với bóng đá VN khi từ cấp vĩ mô đến các CLB chúng ta đều đang thiếu những người giỏi nghề như vậy. Vấn đề còn lại là tiền lương, vì được biết tối thiểu mức VPF phải trả chuyên gia này không thể dưới 20.000 USD/tháng.
Quỹ hoạt động của VPF cũng chưa phải là dồi dào tuy chưa đến mức "giật gấu vá vai", nhưng nếu không tính toán chi ly từng khoản, thì e cũng không đủ để trang trải các hoạt động khác của công tác tổ chức mùa giải mới. Về vấn đề này, ông Võ Quốc Thắng tự tin cho biết chỉ cần HĐQT thống nhất thì VPF chắc chắn sẽ đủ chi phí để mời chuyên gia Nhật Bản.
Thận trọngMột thành viên khác của Công ty VPF tỏ ra rất thận trọng về quan điểm sử dụng phó tổng giám đốc người Nhật Bản trong ban lãnh đạo: "Nhật Bản có nền bóng đá rất phát triển, vì thế nếu có được một chuyên gia cấp cao về bóng đá Nhật sang VN làm việc, nền bóng đá VN có thể sẽ thu được nhiều kết quả tốt.
Tuy nhiên, cũng chính vì đến từ một đất nước có nền kinh tế phát triển, đặc điểm về chính trị, xã hội rất khác VN, nên dưới lăng kính và định hướng của chuyên gia này, liệu bóng đá VN có theo kịp không? Nhất là trong bối cảnh hiện tại, bóng đá VN gặp vô vàn khó khăn, các CLB đang gặp những cản trở lớn về hoạt động do kinh phí bị co lại. Thậm chí, sắp tới chúng tôi còn hoãn cấp giấy phép đăng ký trở thành CLB chuyên nghiệp của một số đội bóng, do chưa hội đủ các điều kiện cần và đủ. Việc thuê chuyên gia có thực sự phù hợp vào lúc này, hay nên đợi vào hoàn cảnh khác, khi kinh tế VN được khôi phục, các CLB không còn bị khủng hoảng tài chính". (L.P)
Theo Thanh Niên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.