VPF tiếp tục “ra đòn”, công khai 5 câu hỏi

Thứ sáu, ngày 10/02/2012 07:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chiều 9.2, VPF đã gặp mặt báo chí để thể hiện rõ quan điểm về vấn đề bản quyền truyền hình cũng như tên gọi giải bóng đá VĐQG Việt Nam. Tuyên bố đã được đưa ra: VPF chưa chấp nhận sự áp đặt của VFF.
Bình luận 0

Chuyện nhỏ mà... khó!

Một câu hỏi đang được dư luận quan tâm: Từ vòng 5, VPF có tuân thủ yêu cầu của VFF, đổi tên Super League trở lại là V.League hay không? Ông Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ tịch HĐQT VPF trả lời: “Chúng ta phải tôn trọng những gì đã làm, đã quyết định theo ý kiến của tập thể chứ không phải vì mong muốn của bất kỳ cá nhân nào.

img
Lãnh đạo VPF vẫn chưa chịu VFF về việc đổi tên giải đấu cũng như vấn đề bản quyền truyền hình.

Cuối năm ngoái, đại diện VFF và các CLB đã ký, đóng dấu vào điều lệ, đồng ý tên gọi Super League. Vậy tại sao khi giải trôi qua 4 vòng đấu lại yêu cầu trở lại tên V.League? Công văn của Tổng cục TDTT chỉ đạo cần có thêm chữ V trước tên giải đấu, chứ không bắt buộc phải thay đổi hẳn tên Super League”.

Theo ông Kiên, nếu VFF tiếp tục yêu cầu, VPF sẽ thực hiện việc đổi tên. Mọi chi phí xung quanh việc in lại áo thi đấu, vé, băng-rôn… sẽ do VPF lo, chứ các CLB không phải chịu. “Điều quan trọng là VFF phải có câu trả lời rõ ràng cho VPF xem nếu buộc phải đổi tên trở lại từ vòng 5 thì có những điểm lợi-hại ra sao. Bởi các CLB liên tục hỏi chúng tôi vì sao VFF lại “ép” VPF đổi tên giải” - ông Kiên nhấn mạnh.

Mềm mỏng hơn, ông Võ Quốc Thắng-Chủ tịch HĐQT VPF bày tỏ: “Việc thay đổi tên ngay từ vòng 5 là rất khó với chúng tôi. Nếu không thực hiện thì trái lệnh cấp trên. Nếu thực hiện lại trái với Điều lệ đã thông qua với các CLB, trái với những gì được Sở KHĐT Hà Nội cấp phép thành lập VPF. Sáng 9.2, VPF đã họp BTC giải, Ban Giám đốc nhưng vẫn không biết làm sao cho đúng”.

VPF và 5 câu hỏi

Bên cạnh việc xác nhận sẽ đặt lịch hẹn với lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, VFF để giải quyết dứt điểm vấn đề đổi tên giải, VPF còn tiếp tục công khai 5 câu hỏi mà họ muốn đoàn thanh tra Bộ VHTTDL trả lời xung quanh những tranh cãi về bản quyền truyền hình. Thứ nhất, AVG có trụ sở tại Khánh Hòa có đủ thẩm quyền mua, bán bản quyền truyền hình hay không hay chỉ được quyền môi giới bản quyền truyền hình.

Thứ 2, AVG khi ký hợp đồng với VFF có phải là cơ quan báo chí không? Thứ 3, VFF có đủ thẩm quyền ký hợp đồng với AVG không - khi họ chưa nhận được sự chấp nhận bằng văn bản của các đại diện có thẩm quyền ở các CLB? Thứ 4, tại sao trước khi ký hợp đồng với AVG, VFF không báo cho VTV-Đài truyền hình quốc gia được biết? Thứ 5: Theo VPF, hợp đồng giữa VFF-AVG phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới có hiệu lực. Nhưng hiện VPF vẫn chưa được xem bất kỳ văn bản nào như vậy.

Ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định: Quan điểm của VPF là muốn giải quyết mọi việc một cách nhẹ nhàng, vì sự phát triển bóng đá Việt Nam.

“Trong trường hợp đoàn thanh tra Bộ VHTTDL có kết luận chưa rõ, VPF sẽ yêu cầu chính Bộ VHTTDL phúc tra. Nếu vẫn chưa thỏa mãn, có thể kiến nghị tới Tổng Thanh tra Chính phủ, rồi sau đó mới đến tòa án. Phương án cuối cùng, các CLB có thể yêu cầu VFF tổ chức đại hội bất thường xem xét các điều khoản thanh lý hợp đồng bản quyền truyền hình. Đó đều là những giải pháp không mong muốn” - ông Kiên nói.

Về vụ trọng tài Bùi Quang Thông - người bắt chính trận Hà Nội - K.Khánh Hòa (4-1) ở vòng 3 Super League, ông Dương Vũ Lâm - Trưởng ban trọng tài VFF nói: “Trận đó, trọng tài Thông được giám sát chấm 8,6 điểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vấn đề chỉ còn nằm ở những khúc mắc trong quá khứ của trọng tài Thông khi còn là cầu thủ và chúng tôi phải chờ hồ sơ từ BTC giải rồi mới có quyết định cuối cùng. Trước mắt, Ban trọng tài không phân công nhiệm vụ cho trọng tài này”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem