Liên quan đến vấn đề "Ngoại hạng Anh “xui” dân Việt... cá độ”, ngày 14.9, Phó Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và và Truyền thông Lê Hương Giang đã ký công văn số 885 /PTTH&TTĐT gửi đến đài Truyền hình Việt Nam (VTV) yêu cầu xác minh, làm rõ vụ việc.
Công văn nêu: Báo Dân Việt trong các ngày 12, 13 tháng 9 năm 2011 có đăng bài “Ngoại hạng Anh “xui” dân Việt... cá độ”, bài “Về việc “Ngoại hạng Anh “xui” dân Việt Nam cá độ: Các đài truyền hình ở Việt Nam phải can thiệp”.
Theo các bài báo nêu trên thì: “Biển quảng cáo trên các SVĐ ở Giải Ngoại hạng Anh tối 11.9 xuất hiện những dòng quảng cáo bằng tiếng Việt của một hãng cá cược, có nội dung khuyến khích người dân Việt Nam vi phạm pháp luật” và “đó là trách nhiệm của các đài truyền hình của Việt Nam phát sóng các trận đấu thể hiện dòng quảng cáo đó. Khi biết mình đang phát sóng một chương trình trong đó có nội dung khuyến khích người dân đi ngược lại với luật pháp Việt Nam thì các đài truyền hình của Việt Nam cần xem xét việc dừng phát sóng hoặc can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật để nội dung thông tin sai lệch đó không thể hiện trên máy thu hình nữa. Nếu không, hành vi tuyên truyền những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam này sẽ bị xử lý theo quy định của luật pháp”.
Công văn cũng nêu: Giải bóng đá Ngoại hạng Anh được độc quyền phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền trực tiếp qua vệ tinh của Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV) và Đài Truyền hình Việt Nam là đơn vị chịu trách nhiệm về nội dung chương trình. Vì vậy, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam kiểm tra, xác minh nội dung thông tin báo nêu; báo cáo bằng văn bản kết quả kiểm tra trước ngày 21.9.
Theo Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, tất cả các chương trình thể thao mua lại của nước ngoài khi phát lên sóng truyền hình ở Việt Nam đều phải được biên tập lại đúng với pháp luật Việt Nam. Các hợp đồng mua lại bản quyền nước ngoài trước hết phải tuân thủ quy định đó.
Nếu chỉ nêu lý do để bảo vệ bản quyền của đối tác mà không biên tập lại thì vẫn bị coi là vi phạm. Nếu vi phạm luật pháp Việt Nam thì cần phải thương thảo lại các điều khoản trong hợp đồng.
Hồ Thường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.