Vụ 256 giáo viên sắp mất việc: Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói gì?

T.A Thứ ba, ngày 02/04/2019 15:02 PM (GMT+7)
Liên quan đến sự việc 256 giáo viên trên địa bàn huyện Sóc Sơn có nguy cơ mất việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: "Hiện thành phố mới chỉ có chủ trương để tuyển và đang xây dựng tiêu chuẩn. Nhưng không có chuyện số giáo viên đang làm có thâm niên 20 hay 27 năm mất việc".
Bình luận 0

Những ngày qua, trên địa bàn huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội), nhiều giáo viên như chết lặng khi hay thông tin số phận họ sẽ được quyết định sau cuộc thi tuyển viên chức trong năm tới. Họ là những giáo viên dạy hợp đồng lâu năm, người lâu nhất cũng có thâm niên gần 30 năm, người ít cũng gần 10 năm.

Trong số này, nhiều người từng là giáo viên giỏi cấp huyện, thành phố (TP), thậm chí nhận được kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, nhưng giờ đây đứng trước kỳ thi tuyển viên chức quyết định được tiếp tục hoặc chấm dứt nghề giáo. Không ít trong số 256 giáo viên này hiện giữ các chức vụ gần như chủ chốt ở các tổ chuyên môn, các nhà trường.

Giáo viên dạy giỏi, 20 năm kinh nghiệm... 

Chia sẻ với PV Dân Việt, cô Lê Thị Thu Nguyệt - Tổ trưởng tổ Khoa học xã hội Trường THCS Minh Phú, cho biết suốt 24 năm công tác trong nghề nhưng chưa một lần cô được thi để vào “biên chế” vì lý do không có biên chế tuyển giáo viên dạy Văn THCS của huyện.

Song, cô Nguyệt vẫn không ngừng phấn đấu, nhiều năm là chiến sỹ thi đua, là giáo viên giỏi, hai lần được đặc cách tăng lương trước thời hạn vì các thành tích đóng góp, được bầu là tổ trưởng tổ chuyên môn của trường.

img

Nhiều giáo viên ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội có thành tích tốt, nhiều năm là giáo viên dạy giỏi, thậm chí có thâm niêm giảng dạy gần 30 năm đứng trước nguy cơ thất nghiệp sau kì thi tuyển của TP.

“Năng lực của chúng tôi được ghi nhận bằng những danh hiệu và khen thưởng như vậy. Chúng tôi mong nhà nước có chế độ khác chứ không đẩy chúng tôi thi cùng với sinh viên mới ra trường. Năng lực của nhà giáo phải thể hiện bằng kết quả dạy học, bằng chất lượng của học sinh, chẳng lẽ lại không bằng một bài thi lý thuyết hay phỏng vấn?", cô Nguyệt bày tỏ.

Thầy Nguyễn Văn Hùng – giáo viên tiếng Anh trưởng THCS Phú Minh, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm, giải nhất giáo viên giỏi cấp huyện, giải ba cấp TP năm 2013 rầu rĩ cho biết, năm nào thầy cũng được phân công bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi cấp TP và năm nào học sinh của thầy cũng giành giải. Ngay trong năm nay cũng có 4 học sinh của thầy đoạt giải học sinh giỏi cấp TP.

“Vì sự yêu nghề, hòa mình với sự nghiệp giáo dục, chúng tôi hết mình cống hiến bao năm nay nhưng chỉ được đánh giá qua 1 bài thi, mà thi cử thì không nói trước điều gì. Một bài thi quyết định số phận của một con người như vậy liệu có nên không? Nếu trước đây còn trẻ chúng tôi có thể chuyển sang nghề khác để làm, nhưng giờ, nếu đánh đổi cả cuộc đời chỉ qua một kỳ thi thì không ổn lắm”, thầy Hùng nói.

Ám ảnh kỳ thi

Là giáo viên trẻ, tốt nghiệp Sư phạm Hà Nội đúng lúc huyện thiếu giáo viên tiếng Anh, cô Nguyễn Thu Hiền - giáo viên dạy tiếng Anh Trường tiểu học Thanh Xuân A được nhận về trường theo dạng hợp đồng. Lúc này để giữ chân giáo viên nhà trường “bắt” cô Hiền phải ký cam kết không bỏ nghề với nơi đào tạo.

img

Nhiều giáo viên cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, "trồng người" của Hà Nội gần 30 năm nhưng đang đứng trước nguy cơ mất việc?

Sau nhiều năm giảng dạy, cô Hiền đoạt giải 3 trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2013, toàn TP phải rà soát toàn bộ giáo viên dạy ngoại ngữ theo chuẩn năng lực ngôn ngữ của khung tham chiếu châu Âu, cả huyện Sóc Sơn chỉ có duy nhất một giáo viên tiểu học đạt yêu cầu là cô Hiền. Cô đã 2 lần được chọn đi thi cô giáo tài năng duyên dáng, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, nhưng 2 lần thi viên chức cô đều không đỗ.

Năm gần đây nhất cô Hiền thi vào trường THPT. Cô có rất nhiều lợi thế như bằng đại học loại giỏi được cộng 10 điểm; điểm soạn giáo án, giảng dạy đều đạt cao nhất, nhưng đến vòng phỏng vấn thì điểm lại thấp và bị trượt.

“Kỳ thi viên chức trở thành nỗi ám ảnh với tôi, vì 20 năm trong nghề chứng minh được năng lực, nhiều giải thưởng, nhiều danh hiệu, nên nếu thi không đỗ sẽ cảm thấy rất xấu hổ với đồng nghiệp và học sinh, vì vậy lần này nếu phải thi nữa cô không đủ… can đảm”, cô Hiền xót xa.

Giống như cô Hiều và nhiều giáo viên khác, cô Nguyễn Thanh Bình là một tấm gương cho biết bao thế hệ học sinh, khi học xong cấp, cô thi đỗ 3 trường sư phạm. Tốt nghiệp ra trường cô chọn con đường trở về để cống hiến trên mảnh đất quê hương Sóc Sơn, mặc cho nhiều bạn bè khuyên nên ở lại TP làm việc.

Tháng 9.1998, cô Bình được UBND huyện Sóc Sơn nhận ký hợp đồng lao động và phân công về giảng dạy tại Trường THCS Thanh Xuân. Tính đến nay, cô đã có 21 năm gắn bó với ngành giáo dục huyện nhà. Nhưng những ngày gần đây, cô Bình và nhiều giáo viên trên địa bàn huyện tỏ ra lo lắng khi phải trải qua kỳ thi công chức "một mất một còn".

img

“Kỳ thi này có thể là tin vui với các cháu sinh viên mới ra trường nhưng lại là một “bi kịch” với chúng tôi. Những năm 90, thế hệ chúng tôi chỉ được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, còn ngoại ngữ lại không được dạy trong trường THPT. Sau này học đại học, chúng tôi được đào tạo tiếng Nga – Pháp chứ không phải tiếng Anh. Bởi vậy, nếu chúng tôi thi viên chức cùng các cháu sinh viên mới tốt nghiệp ra trường sẽ là một cuộc chạy đua không cân sức giữa hai thế hệ. Cái chúng tôi có là sự say mê, tâm huyết, kinh nghiệm nhưng lại không thể mang ra để hoàn thành yêu cầu của cuộc thi”, cô Bình rầu rĩ.

Nghị định chưa phù hợp với thực tiễn

Về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, bà Trần Thị Toàn - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn cho biết: Hiện nay không chỉ Sóc Sơn, ở các quận, huyện khác ở Hà Nội đều có tình trạng này.

Mới đây, trả lời báo chí, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: "Hiện thành phố mới chỉ có chủ trương để tuyển và đang xây dựng tiêu chuẩn. Nhưng không có chuyện số giáo viên đang làm có thâm niên 20 hay 27 năm mất việc".

Những năm chưa có Luật Viên chức ra đời, TP giao chỉ tiêu hợp đồng căn cứ vào nhu cầu, công việc. Hợp đồng này có sự thỏa thuận giữa lao động và chủ sử dụng lao động. Chủ sử dụng lao động có nhu cầu thì vẫn sử dụng.

“Ngoài 256 giáo viên này, từ năm 2016 đến nay, huyện cũng hợp đồng 9 tháng với một số giáo viên khác. Toàn bộ số lao động hợp đồng diện 9 tháng của năm trước cơ bản vẫn được sử dụng cho năm vừa rồi”, bà Toàn nói.

Trước việc hàng trăm giáo viên hợp đồng đang rất lo lắng trước kì thi tuyển viên chức sắp tới của TP, bà Toàn cho rằng, kì thi tuyển viên chức tới đây là cơ hội để các thầy cô tham gia, khi đủ điều kiện tiêu chuẩn sẽ có quyền tham gia tuyển dụng.

Đặc biệt, bà Toàn thông tin, huyện Sóc Sơn đã nhiều lần đề nghị với TP cần có cơ chế tuyển dụng đặc biệt với những giáo viên này theo điều kiện có từ 5 năm công tác trở lên và có bằng đại học. Sau đó, Sở Nội vụ đã làm việc trực tiếp với huyện và cho rằng không thể vận dụng quy định về tuyển dụng đặc cách.

Ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ mới có hiệu lực ngày 15.1 và có thể có một số điểm chưa thật phù hợp với thực tiễn.

Trên cơ sở ý kiến của các giáo viên và đề xuất của huyện Sóc Sơn, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ có kiến nghị để có kì thi diễn ra theo đúng chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, đó là chất lượng hiệu quả, công khai minh bạch và có thể giải quyết được những tồn tại lịch sử đã phát sinh từ trước.

Vào ngày 13.4 tới, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ chốt thời gian nhận hồ sơ đăng kí dự thi, phiếu đăng kí dự tuyển công chức, viên chức các cơ sở giáo dục. Như vậy, một cuộc thi tuyển sẽ vẫn diễn ra và không có ưu đãi đối với các giáo viên đã công tác lâu năm..
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem