Vụ "học sinh bị áp giải tại trường": Chờ kết quả giám đốc thẩm vụ án

Lương Kết (thực hiện) Thứ tư, ngày 03/06/2015 08:33 AM (GMT+7)
Liên quan đến vụ em Đỗ Quang Thiện - học sinh lớp 12, Trường THPT Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk - vừa được tạm hoãn thi hành án gây xôn xao dư luận thời gian qua, ngày 2.6 phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sơn  - Phó Chánh án TAND Tối cao.
Bình luận 0

Trong vụ việc em Đỗ Quang Thiện - học sinh Trường THPT Buôn Ma Thuột bị TAND tỉnh Đăk Lăk tuyên 9 tháng tù giam và không chấp nhận cho tạm hoãn thi hành án để dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, vậy lý do gì TAND Tối cao lại quyết định cho tạm hoãn thi hành án, thưa ông?

- Việc TAND tỉnh Đăk Lăk không cho em Thiện hoãn thi hành án là do đánh giá của họ. Còn TAND Tối cao thấy không cần thiết (phải thi hành án ngay) nên theo quy định của pháp luật, chúng tôi đã kháng nghị và quyết định cho tạm đình chỉ thi hành án với em Thiện. Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ kết quả giám đốc thẩm vụ án.

img
Em Đỗ Quang Thiện (giữa) được tạm hoãn thi hành án. Ảnh:  NLĐ

Vụ án này bị kháng nghị giám đốc thẩm, phải chăng có dấu hiệu oan sai, thưa ông?

- Thực ra trước mắt kháng nghị là để trả tự do học sinh Đỗ Quang Thiện đã. Còn về cụ thể vụ án thế nào, có oan sai hay không, Hội đồng giám đốc thẩm sẽ xem xét các tình tiết cụ thể của vụ án.


Bao giờ sẽ tiến hành giám đốc thẩm vụ án này?

- Tôi cũng chưa rõ mấy ngày qua Hội đồng giám đốc thẩm đã làm chưa. Còn hiện tại, chúng ta đang trong quá trình thành lập Tòa án nhân dân cấp cao. Khi tòa án cấp cao đi vào hoạt động, những loại việc như vậy thuộc thẩm quyền xử lý của Tòa cấp cao.

Trước việc Công an Đăk Lăk vào tận trường để áp giải em Đỗ Quang Thiện, rồi TAND tỉnh Đăk Lăk lại không cho tạm hoãn thi hành án để em Thiện dự thi tốt nghiệp, dư luận cho rằng những người tiến hành tố tụng quá vô cảm. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

- Chính bởi lẽ đó TAND Tối cao mới đề nghị thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên. Như thế người cán bộ có am hiểu chuyên sâu về tâm sinh lý của người chưa thành niên mới dần thay đổi được cách xử lý cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi vụ án. Đây cũng là một trong những vấn đề của quá trình cải cách tư pháp.

Hiện giờ Tòa án vẫn xét xử chung người phạm tội thành niên và người phạm tội chưa thành niên. Như thế đôi khi chúng ta sẽ bị lẫn lộn, không rạch ròi, thái độ của người làm công tác xét xử sẽ có lúc chưa thể hiện được tính thân thiện, nhân văn.

Quan điểm của tư pháp chúng ta là khi xử lý người phạm tội vị thành niên, chủ yếu vẫn là giáo dục để giúp đỡ họ nhận ra lỗi lầm, nhanh chóng sửa chữa và tiến bộ chứ không quá đặt nặng việc trừng trị.

Trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2014, hiệu lực từ ngày 1.6.2015, có quy định thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên. Tòa này sẽ xét xử những vụ án liên quan đến gia đình như hôn nhân gia đình và người chưa thành niên phạm tội.

Chúng ta đang xây dựng Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) theo hướng các vụ án có bị cáo, bị hại là người chưa thành niên thì đưa ra Tòa án gia đình và người chưa thành niên để xét xử. Như vậy việc xét xử sẽ chuyên sâu hơn, thậm chí trong quá trình xét xử còn có những trợ giúp viên, các luật sư hỗ trợ cho họ.

Với việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên thì với đội ngũ cán bộ hiện nay có đáp ứng được?

- Chúng tôi đang phối hợp một số tổ chức quốc tế để cùng hợp tác xây dựng các đề án thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên, trong đó có những chương trình nội dung đào tạo. Thứ hai là chúng tôi lựa chọn những người am hiểu về xã hội, về sự phát triển, tâm sinh lý của người chưa thành niên làm công tác xét xử.

Định hướng của Tòa án như vậy thì các cơ quan tố tụng khác như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cũng phải xem xét điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp. Như trong hoạt động điều tra, cơ quan công an cũng phải cử người có am hiểu về sự phát triển, tâm sinh lý của người chưa thành niên, cơ quan truy tố cũng phải gây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 20.9.2012,  xe máy do Đỗ Quang Thiện điều khiển và xe máy do ông Lê Phước Thọ điều khiển xảy ra va chạm. Ông Thọ bị chấn thương sọ não, liệt nửa người trái, tỉ lệ thương tích 50%.

Tòa án sơ thẩm tuyên phạt Thiện 6 tháng tù treo nhưng Tòa phúc thẩm đã tăng hình phạt lên 9 tháng tù giam.

Sáng 2.4.2015, công an đã đến tận Trường THPT Buôn Ma Thuột áp giải Thiện để thi hành án, gây xôn xao dư luận.

Ngày 20.5, TAND Tối cao đã có quyết định Kháng nghị đối với bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đăk Lăk và Quyết định số 02 về việc tạm đình chỉ thi hành bản án đối với Đỗ Quang Thiện đến khi có kết quả xét xử giám đốc thẩm.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem