Tại hội thảo “Phát triển nhiên liệu sinh học bền vững tại Việt Nam” diễn ra ngày hôm qua (24.10), lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vẫn khẳng định, sẽ tiếp tục phát triển mạnh xăng nhiên liệu sinh học E5 trong vòng 5-7 năm tới.
Tuy nhiên, khi được phóng viên NTNN đặt câu hỏi về việc, PVN giải quyết như thế nào đối với các vùng nguyên liệu sắn hiện nay (NTNN đã có loạt bài phản ánh), lãnh đạo Tập đoàn này đã lảng tránh và không đưa được ra câu trả lời cụ thể nào.
|
PVN khẳng định, sẽ đẩy mạnh việc sản xuất xăng ethanol, nhưng hiện họ lại bỏ rơi các vùng nguyên liệu sắn do chính mình đầu tư. |
PVN đồng loạt từ chối trả lời
Từ cuối năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” và để thực hiện đề án này, PVN đã giao cho Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) tiến hành đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất ethanol tại 3 miền Bắc, Trung, Nam với tổng công suất 300.000m3 ethanol nhiên liệu/năm. Tuy vậy, như NTNN đã phản ánh trước đó, hiện hàng loạt nông dân ở các tỉnh Phú Thọ, Quảng Nam đang rơi vào tình trạng điêu đứng vì không tiêu thụ được sắn, do các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học chưa đi vào hoạt động.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Sinh Khang- Phó Tổng giám đốc PVN lý giải: “Khi mới phát triển xăng sinh học ethanol, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn, nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện PVN đang cố gắng sẽ hoàn thành 2 nhà máy nhiên liệu xăng sinh học vào năm 2013”. Song khi trao đổi với NTNN về việc, PVN sẽ giải quyết đối với những vùng nguyên liệu sắn, mà chính Tập đoàn đã đầu tư để người nông dân trồng, nhưng PVN lại không chịu thu mua cho bà con, ông Khang đã lảng tránh và từ chối trả lời câu hỏi này.
Cũng liên quan đến vấn đề này, phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Lê Xuân Trình- Phó Tổng giám đốc PV Oil (PV Oil là chủ đầu tư các dự án nhà máy nhiêu liệu sinh học) cũng chỉ cho biết ngắn gọn: “Việc không tiêu thụ được sắn là do các nhà máy nhiêu liệu xăng sinh học chậm tiến độ. Hiện tại, Chính phủ cũng đang cho kiểm tra tình hình tại các nhà máy để có hướng giải quyết”.
Còn về việc PV Oil sẽ giải quyết như thế nào về việc bỏ rơi các vùng nguyên liệu sắn của mình, khiến hàng nghìn hộ nông dân thiệt hại lớn, ông Trình cũng chỉ cho biết: “Việc này để trả lời sau, vì đó là trách nhiệm của nhà máy, chúng tôi chỉ lo phần thị trường”.
Trước đó, NTNN cũng đã liên hệ với ông Lê Quốc Anh- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học, thuộc PV Oil, chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, ông này cũng từ chối trả lời và đề nghị phỏng vấn lãnh đạo Tập đoàn.
Không có sắn để sản xuất xăng
Sắn là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất xăng sinh học ethanol, nhưng đây cũng là loại cây trồng không được khuyến khích phát triển. Theo định hướng quy hoạch của Bộ NNPTNT, tới năm 2015 diện tích sắn cả nước sẽ chỉ ở mức 500.000ha và giảm xuống còn 450.000ha vào năm 2020. Lý do theo ông Lê Quốc Doanh- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), sắn là loại cây chủ yếu được trồng trên đất dốc, nếu mở rộng quá nhiều diện tích sẽ làm mất đất, ảnh hưởng đến việc canh tác bền vững, đặc biệt là ảnh hưởng đến việc bảo vệ, phát triển rừng.
Theo báo cáo của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVN), hiện cả nước có 3 nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu đặt tại Quảng Ngãi, Bình Phước và Quảng Nam, thì hiện Nhà máy Đại Tân (Quảng Nam) đã tạm ngừng hoạt động từ tháng 6, còn lại 2 nhà máy khác chỉ hoạt động cầm chừng do giá nguyên liệu đầu vào cao, nhu cầu tiêu thụ xăng ethanol trong nước thấp.
Tham vọng của PVN trong giai đoạn từ nay đến năm 2013 là sẽ đầu tư xây dựng 5 dự án nhà máy sản xuất nhiêu liệu xăng sinh học. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một nhà máy nào hoàn thành, khiến cho kế hoạch của PVN hoàn toàn có thể bị đổ vỡ.
Theo ông Nguyễn Khánh Toản (Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Viện Dầu khí Việt Nam), qua 2 phương án là thấp và cao mà trung tâm đưa ra để cân đối nhu cầu nguyên liệu sắn trong nước, thì phương án thấp (nghĩa là sản xuất tinh bột, thức ăn chăn nuôi tăng lên) đến năm 2015, sẽ không có nguyên liệu sắn cho sản xuất xăng ethanol.
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.