Vụ 4 thuyền viên Việt trốn khỏi tàu cá Đài Loan: Còn nhiều khúc mắc

Thứ năm, ngày 15/08/2013 07:07 AM (GMT+7)
4 thuyền viên tố cáo bị hành hạ như nô lệ và phải trốn khỏi tàu cá Hsieh Ta của Đài Loan (Trung Quốc) ở vùng biển của Pháp, đã về đến Việt Nam tối 12.8.
Bình luận 0

Nhưng đến chiều 14.8, các thuyền viên ở Nghệ An vẫn chưa liên lạc với gia đình. Nhiều khúc mắc vẫn chưa được làm sáng tỏ...

Gia đình lo lắng

Chiều 14.8, phóng viên NTNN đến nhà thuyền viên Trần Văn Dũng (SN 1989) ở xóm 5 xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), thấy bà con làng xóm đến hỏi thăm rất đông, nhưng Dũng vẫn chưa về nhà. Ông Trần Văn Chắt (bố của Dũng) tâm trạng rất lo lắng, cho biết: 8 tháng kể từ khi đi làm việc tại Đài Loan, Dũng chưa một lần liên lạc với gia đình.

Khi xem tivi biết Dũng bị hành hạ và đối xử như nô lệ, nhưng đã trốn thoát và về đến Việt Nam, vợ chồng ông vừa đau lòng vừa mừng vì con thoát nạn. Nhưng rồi 2 ngày trôi qua vẫn không thấy Dũng liên lạc với gia đình. “Tui lo lắm, đáng ra về đến Việt Nam thì nó phải gọi điện về nhà chứ nhưng chẳng thấy tăm hơi chi cả”- ông Chắt thở dài.

img


Ông Chắt sinh được 5 người con, Dũng là con trai cả. Vợ chồng ông làm nghề bốc vác, câu mực thuê, nhà đông con nên cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn. Dũng học xong lớp 6 đành phải bỏ học theo cha ra biển mưu sinh. Khát khao được thoát nghèo nên khi được một người đàn ông tên Đồng đến bảo sẽ chạy cho Dũng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, ông Chắt đã chạy vạy vay mượn 20 triệu đồng cho Dũng đi.

Dũng đi sang Đài Loan từ đầu tháng 11.2012, đến nay nhưng mới chỉ gửi về 38 triệu đồng rồi bặt tăm, vô tín. “Chúng tôi đã lo lắng hơn 8 tháng qua, nay con về mà cũng không liên lạc, làm cho gia đình chúng tôi lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên. Rất mong các cơ quan chức năng cho cháu gọi điện về nhà, nghe giọng nói để gia đình yên tâm. Chúng tôi tuy nghèo nhưng bây giờ tiền bạc chúng tôi cũng không cần nữa, con người là quan trọng, tôi chỉ cần nghe giọng nói của con để biết nó còn sống hay không?” - ông Chắt nói.

Đọc thông tin trên một số báo thấy nói lao động không thạo nghề biển, bị móc lưỡi câu vào mặt, vào chân gây thương tích, ông Chắt khẳng định: “Con tôi đi biển từ nhỏ, rất thông thạo nghề biển. Các bạn nó cũng thế. Nói bị lưỡi câu móc vào người là không đúng đâu...”.

Chiều cùng ngày, phóng viên?liên lạc với gia đình 2 thuyền viên Hoàng Văn Hậu ở huyện Quỳ Châu và Lê Đình Anh ở huyện Quỳnh Lưu (đều thuộc tỉnh Nghệ An), thì cả 2 gia đình này cho biết hiện họ cũng bất an lo lắng vì con chưa liên lạc về với gia đình.

Công ty XKLĐ: Còn nhiều điều phải làm rõ

Về phía công ty XKLĐ, chiều 14.8, ông Nguyễn Hữu Phong - Phó Tổng Giám đốc Công ty XKLĐ thương mại và Du lịch TTLC cho hay, công ty đã hỗ trợ đưa đón 4 thuyền viên (trong đó có 2 thuyền viên do công ty đưa đi) bỏ trốn từ tàu Hsieh Ta về nước an toàn.

“Điều chúng tôi băn khoăn là trên tàu cá Hsieh Ta có 11 thuyền viên Việt Nam. Hiện 7 thuyền viên còn lại không có ý định về nước. Bản thân các lao động này không có bất kỳ phản ánh nào về vấn đề bị chủ tàu bóc lột, bạo hành. Hiện phía công ty đã làm việc với Hiệp hội Tàu cá Đài Loan và yêu cầu tàu cá Hsieh Ta có ý kiến gửi xác nhận của 7 thuyền viên đồng ý ở lại làm việc và ngày hôm nay họ đã gửi xác nhận đó” - ông Phong khẳng định.

Theo Cục Quản Lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), 4 thuyền viên Việt Nam trốn khỏi tàu cá Hsieh Ta (Hiệp Đại) của Đài Loan và tố cáo bị hành hạ như nô lệ đã về nước (TP.HCM) trong tối ngày 12.8 và được đại diện của doanh nghiệp đón hỗ trợ chi phí tàu xe về quê.

Kết quả xác minh cho thấy các thuyền viên bỏ trốn do 3 công ty phái cử là: Công ty CP Xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch TTLC; Công ty TNHH MTV Đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế NOSCO, Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ tổng hợp SERVICO HANOI. Danh tính các thuyền viên cũng được xác định là: Hoàng Văn Hậu và Lê Đình Anh (TTLC), Nguyễn Văn Hùng (NOSCO) và Trần Văn Dũng (SERVICO).

Cũng theo ông Phong việc chỉ có 4 thuyền viên nhảy xuống biển trốn đang đặt ra nhiều câu hỏi: Liệu có đúng các thuyền viên bị bóc lột, đối xử thậm tệ đến mức phải bỏ trốn không? Tại sao chỉ có 4 người bỏ trốn chứ không phải là 11 người?

Trong khi có nhiều cách để có thể được hỗ trợ như gọi điện thoại, báo cáo với phía hiệp hội tàu cá nước bạn..., thì họ lại không làm mà nhảy xuống biển để bỏ trốn?... “Chúng tôi giải quyết theo quan điểm bảo vệ quyền lợi lao động. Chính vì thế cũng cần có thời gian để xác minh làm rõ vụ việc”- ông Phong nói.

Thực tế những lao động mà TTLC đưa đi làm thuyền viên cho tàu cá Hsieh Ta mới đi được 7- 8 tháng, vì thế công ty đang làm rõ thông tin thuyền viên 2 năm chưa được lên bờ. Về tiền lương thì phía tàu cá vẫn trả đầy đủ (cả lương trên tàu và lương gửi về Việt Nam cho gia đình thuyền viên) khoảng từ 400-450USD/tháng tuỳ kinh nghiệm, điều này được chứng thực qua biên bản bàn giao tiền với gia đình lao động.

Cập nhật từ phía công ty môi giới bên phía Đài Loan cho thấy, Hsieh Ta là tàu cá chưa từng bị liệt vào “danh sách đen” (danh sách tàu cá hoạt động không bình thường, có tình trạng nợ lương, bạo lực, có hành vi bóc lột, vi phạm Luật Lao động...).

Minh Nguyệt - Tiến Dũng (Minh Nguyệt - Tiến Dũng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem