Vụ 4 trẻ bị tường sập đè chết và nỗi đau "kẻ tóc bạc khóc người đầu xanh"

Chủ nhật, ngày 29/09/2013 19:01 PM (GMT+7)
"Sao ông giời không để cho tôi đi thay cho cháu tôi, mà bắt nó phải chịu. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống, giời ơi là giời”, bà nội em Bảo khóc nấc trong nỗi đau xé lòng.
Bình luận 0
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra khiến 4 em nhỏ thiệt mạng vào sáng 28.9, tại thôn Làng Ràm, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), khiến cho cả xã nghèo này chìm trong đau thương.

Đau thương tang tóc

img Chị Phạm Thị Diện- mẹ em Trương Văn Thành ngất đi vì nỗi đau.

Sáng qua (29.9), chúng tôi về thôn Làng Ràm và Quang Hợp, xã Quang Trung. Không khí thôn nghèo chìm trong đau thương. Hầu như người dân ở hai làng này ai nấy đều tạm gác công việc đồng áng, nương rẫy lại để cùng đến chia sẻ những nỗi đau, mất mát của bốn gia đình em nhỏ gặp nạn.

Ông Trương Công Mạnh - Quyền Trưởng Công an xã Quang Trung, cho biết: Sự việc đau lòng này xảy ra vào sáng 28.9, tại mảnh đất của gia đình bà Bùi Thị Lan, ở thôn Làng Ràm.

Ở thời điểm kể trên, một chiếc máy múc đang san lấp đất cho gia đình bà Lan, thì có 5 cháu nhỏ đứng xem ở gần đấy. Sau khi chiếc máy xúc múc xong khu đất sát bờ tường, thì bức tường bị hẫng chân, không có điểm tựa.

Đến khi chiếc máy xúc di chuyển sang địa điểm khác để làm việc, các em gồm: Phạm Văn Đăng (SN 2001); Trương Văn Thành (SN 2003); Bùi Văn Nam (SN 2004); Bùi Phạm Lương Bảo (SN 2004) và Trần Phú Triệu (SN 2004), đều trú tại xã Quang Trung, chạy lại gần bức tường để tránh nắng.

Trong lúc các em ngồi chơi với nhau, thì bất ngờ bức tường đổ ập xuống đè chết 4 em, gồm: Đăng, Thành, Nam và Lương Bảo. Chỉ duy nhất có em Trần Phú Triệu là may mắn thoát chết, vì lúc đó em đứng đối diện với 4 bạn còn lại.

imgHiện trường vụ tai nạn thương tâm.

Đến gia đình em Bùi Phạm Lương Bảo, ai nấy đều không cầm nổi nước mắt trước cảnh nhà. Bố em, anh Bùi Văn Lương (36 tuổi), thẫn thờ trước cái chết của đứa con trai duy nhất. Còn bà nội em- bà Phạm Thị Thường (66 tuổi), dường như không còn chịu đựng được nỗi đau thương.

Thấy người đến viếng đứa cháu nội bạc mệnh của mình, bà nấc nghẹn: “Cám cảnh, đau thương quá bà con ơi. Sao ông giời không để cho tôi đi thay cho cháu tôi, mà bắt nó phải chịu. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống, giời ơi là giời”.

Gượng dậy trong nỗi đau xót, anh Lương kể rằng; ngay từ nhỏ, anh cũng đã mô côi cha. Lớn lên, anh bỏ quê vào học và kiếm sống ở tỉnh Bình Phước, rồi cưới vợ và sinh cháu Bảo. Khi cháu được hơn 3 tuổi, thì vợ anh mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời.

Hai bố con dắt nhau trở về quê sống với bà nội. Hiện nay, gia đình anh đang thuộc diện hộ nghèo của xã. “Vậy là bây giờ một mẹ già và một đứa con mất vợ, mất con, lại trở về cảnh mẹ góa, con côi rồi”- anh Lương nói trong hai hàng nước mắt chảy dài.

Gia đình em Trương Văn Thành cùng bị nỗi đau vây bủa. Hai bố mẹ Thành, hiện nay cũng chỉ sinh được mỗi mình em. Bà Trương Thị Khoản (66 tuổi) - bà nội Thành nghẹn ngào, bảo: “Khổ thân con tôi, hai vợ chồng nó cưới nhau mãi mới sinh được một mụn con. Do nhà nghèo nên vợ chồng nó phải gửi cháu lại cho ông bà nội, để đi làm thuê.

Cháu nội tôi đòi bố mẹ nó xây nhà mới để ông bà ở cho đỡ khổ. Thế là bố mẹ nó phải đi làm thuê ở tận Hà Nội để kiếm tiền về xây nhà. Tiền thì chưa kiếm đủ, nhà cũng chưa xây được, thì cháu tôi đã bỏ ông bà, cha mẹ mà đi”.

Còn gia cảnh hai em Phạm Văn Đăng và Bùi Văn Nam, cũng đều thuộc diện khó khăn. Thế nên, hoạn nạn ập xuống, ai nấy đều không cầm nổi nước mắt trước gia cảnh.

Vụ việc đang được điều tra

Khi bức tường của gia đình bà Lan đổ ấp xuống, đè chết bốn em nhỏ, anh Phạm Văn Thắng (38 tuổi, ở thôn Quang Hợp), chứng kiến. Anh Thắng kể lại vụ việc đau lòng này, trong tâm trạng vẫn còn thất thần.

“Lúc đó, tôi và một bà cụ cùng cháu Hải (là anh trai của cháu Đăng) đang ngồi ở quán nhà tôi, thì thấy các cháu đến xem máy xúc đất. Khi chiếc máy đi ra chỗ khác làm việc, thì các cháu rủ nhau lại ngồi ở gần bức tường để tránh nắng.

Bỗng dưng, tôi nghe một tiếng “rầm”, vội nhìn ra thì cả bốn cháu bị vùi trong đống tường đổ nát. Tôi chỉ biết hét lên rồi lao ra, bốc những mảng tường (bằng gạch xi măng) để kéo các cháu lên. Thế nhưng, khi bới được các cháu lên thì chỉ có cháu Nam và cháu Bảo đang còn thở, nên mọi người đưa đi bệnh viện.

Các cháu đều bị vỡ đầu, mặt úp xuống đất, máu me bê bết, trông rất thê thảm… Ở đây, chúng tôi cũng không biết được người lái chiếc máy xúc ấy là ai, tên gì, ở đâu. Còn chiếc máy xúc là của ai, thì chúng tôi cũng không biết”- anh Thắng nói.

imgNgười dân đến chia sẻ nỗi đau với gia đình em Bùi Phạm Lương Bảo.

Tại hiện trường, cho thấy bức tường được xây bằng gạch xi măng, dài khoảng 5 mét, chỗ cao nhất khoảng 3 mét. Vì vậy, khi cả khối tường này đổ ấp xuống, cả bốn em nhỏ đều phải bỏ mạng.

Ông Bùi Văn Lương- Phó Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung cho hay, hiện nay vụ việc đang được các cơ quan chức năng cấp trên điều tra. Bởi lẽ, đây là vụ việc nghiêm trọng, chết một lúc bốn người.

“Đến thời điểm này, công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi các nạn nhân đều đã được hoàn tất. Chiếc máy xúc cũng đã được cơ quan công an tạm giữ để điều tra. Chúng tôi đang chờ kết quả điều tra vụ việc từ cấp trên.

Đến chiều ngày 28.9, cơ quan công an đã mời bà Lan lên làm việc. Còn người lái máy xúc đi khỏi hiện trường và đến giờ chúng tôi cũng chưa biết được ai lái máy xúc”- ông Lương cho hay.

Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền và cộng đồng làng xóm đều đến chia sẻ, động viên, thăm hỏi các gia đình nạn nhân. Trước mắt, UBND huyện Ngọc Lặc hỗ trợ 3 triệu đồng/nạn nhân, UBND xã hỗ trợ 700.000/nạn nhân…

Sáng 29.9, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, ngành Giáo dục, Hội Chữ thập đỏ…cũng đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình nạn nhân.

Hồng Đức (Hồng Đức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem