Khóc than lay động xóm nghèo
Trong đám tang của những người xấu số, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi đến đưa tiễn bố con ông Lê Văn Thong về nơi chín suối. Ngày tổ chức tang lễ cho những người xấu số ấy, dường như cả làng, cả xã Hoàng Giang đều ngừng việc ra đồng, để đến chia sẻ nỗi đau quá lớn ập xuống với ông Thong và những người tử nạn.
Đám tang đẫm nước mắt của các nạn nhân.
Trong đám tang, tiếng khóc than lay động cả xóm nghèo. Là người cùng xóm với gia đình ông Thong, bà Hoàng Thị Nam cũng không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh tang tóc này. Bà Nam bảo: “Đúng là phận đời ông Thong bạc hơn cả vôi chú ạ. Ba bố con ông ấy đi rồi, chẳng biết bà Nguyên có sống được nữa không. Ngộ nhỡ, bà ấy mà không qua khỏi nữa, thì….”, bà Nam không dám nói thêm nữa, mà vội kéo vạt áo lau nước mắt.
Ông Trương Trọng Khanh, thôn 1, xã Hoàng Giang, là người trực tiếp xông vào lò để giải cứu các nạn nhân vẫn thất thần vì sự việc quá khủng khiếp. Vì lẽ, sự việc xảy ra quá nhanh, khiến mọi người không kịp xử trí. Ông Khanh cũng là người trực tiếp trèo thang vào lò để cứu mọi người, nhưng khi xuống được vài bậc thang, thì không thể thở được, nên ông vội quay lên. Trước tình thế ấy, mọi người phải phá cửa phụ bên hông lò để chĩa quạt thông gió vào rồi đưa mọi người ra đi cấp cứu, nhưng tất cả đều quá muộn.
Phong tỏa khu vực lò vôi có khí độc
Sáng 2.1, UBND huyện Nông Cống đã có thông báo sơ bộ bước đầu về vụ tai nạn lao động lò vôi nêu trên. Ông Lê Thanh Hải - Bí thư Huyện ủy Nông Cống, cho biết: “Sau khi xảy ra vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này, huyện đã chỉ đạo tập trung huy động các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, cùng với Công an huyện, Công an tỉnh khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân. Theo kết quả điều tra ban đầu, thì những người gặp nạn không phải tất cả làm trong lò vôi này, mà phần lớn là những người làm xung quanh khi nghe sự việc vào cứu thì gặp nạn. Bên cạnh đó, do thiếu kinh nghiệm trong lao động sản xuất và kinh nghiệm cứu người bị nạn nên mới xảy ra nhiều người chết như vậy. Hiện nay, huyện cũng đang chờ kết quả điều tra của các cơ quan chức năng về vụ việc đau lòng này”.
Chiếc lò vôi oan nghiệt đã cướp đi 8 mạng người.
Ông Lê Trọng Hùng - Phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết: “Trước đây, toàn huyện Nông Cống có tới hơn 100 lò vôi thủ công hoạt động trong các khu dân cư. Sau khi huyện vận động nhân dân phá bỏ các lò vôi trong thôn xóm, hoặc di chuyển ra vị trí xa dân để đảm bảo vệ sinh môi trường, thì hiện nay chỉ còn 7 lò vôi thủ công do các hộ gia đình làm lâu đời. Theo lộ trình, đến năm 2020, huyện sẽ phá bỏ toàn bộ lò vôi, lò gạch thủ công, tập trung tìm công ăn việc làm, đưa nghề thủ công mây tre đan vào để chuyển đổi nghề cho người dân”- ông Hùng nói.
Theo kết quả đo nồng độ khí thải ban đầu của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa, trong khu vực lò vôi nơi xảy ra tai nạn vượt gấp nhiều lần quy định cho phép. Hiện, khu vực này vẫn đang được nghiêm cấm những người không phận sự ra vào để đảm bảo an toàn. Còn theo Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa, nhận định ban đầu, có nhiều khả năng 9 nạn nhân trong vụ tai nạn lao động lò vôi nêu trên đã bị ngộ độc khí CO.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.