Vụ án "'đếm sai cây bồi thường" & nụ hôn ở sân tòa

Nguyễn Thanh (Dòng đời) Chủ nhật, ngày 30/11/2014 08:15 AM (GMT+7)
Vừa nghe thông báo phiên tòa hoãn xử, người đàn bà ào về phía bị cáo tóc hoa râm. Trước ánh mắt nghiêm nghị của mấy anh cảnh sát tư pháp, chị nhẹ lời xin được nói chuyện với chồng. Sau cái gật đầu, chị ào về phía bị cáo, choàng chặt một vòng ôm. Để rồi một nụ hôn sau quãng thời gian đằng đẵng cách biệt tù – đời làm bừng ấm trời Đà Lạt cóng lạnh...
Bình luận 0

Để làm lòng hồ tích nước, một lượng lớn cây dó bầu của dân bị đốn hạ. Để tính số cây, cán bộ ban bồi thường tính bằng mật độ rồi chi tiền. Cơ quan điều tra vào cuộc, đếm lại thì phát hiện sự chênh lệch nên khởi tố, rồi viện kiểm sát truy tố nhóm cán bộ ra tòa vì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều trớ trêu là: Ngay cả cơ quan điều tra cũng áp dụng cách tính như của... bị cáo.

Vụ án dó bầu

 Đây là vụ án xảy ra tại địa bàn huyện Cát Tiên, từng được dư luận cả tỉnh Lâm Đồng theo dõi. 

img
Chị Võ Thị Ngọc Linh hôn chồng. Sau lưng là nụ cười tràn ngập niềm tin vô tội của bị cáo Thắng và cô vợ trẻ Võ Thị Thúy Vân. (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Trước đó, trong lần xử sơ thẩm người dân về dự khán phiên tòa, đậu xe máy tràn cả ra đường. Họ nói, phiên tòa hấp dẫn như một trận đá banh!

Các bị cáo của vụ án này lần lượt bị cấp sơ thẩm phạt tù giam là giám đốc Lê Hải Nhị 42 tháng tù giam, phó giám đốc Đinh Thị Quỳnh Giao và nhân viên Nguyễn Quyết Thắng bị phạt 36 tháng tù giam. Cả ba bị cáo này đều công tác tại ban Bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư của huyện (sau đây gọi là ban bồi thường –PV).

Hồ sơ vụ án xác định, từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, cuối tháng 11.2008, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Tư Nghĩa tại huyện Cát Tiên. 

Vị trí thực hiện dự án có sáu hộ dân trồng cây dó bầu, đây là loại cây có thể tạo ra trầm hương nên phải chịu tác động trực tiếp khi dự án được triển khai. Để thực hiện dự án, Trung tâm quản lý và khai thác công trình công cộng huyện Cát Tiên làm chủ đầu tư theo sự phân công của UBND tỉnh. Sau đó, trung tâm này kí hợp đồng với ban bồi thường thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng hồ Tư Nghĩa.

Tháng 11.2011, hộ của ông Lê Xuân Cảnh được ban bồi thường xác định có 21.000 mét vuông trồng cây dó bầu và một số loại cây khác. Cáo trạng cũng chỉ nhắc đến một mình trường hợp của ông Cảnh và ông này được xác định tư cách tham gia tố tụng tại phiên tòa là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trên một diện tích lớn và lượng cây nhiều nên các cán bộ của ban thống nhất cách tính là đối với khu vực cây thưa thì tính từng cây, khu vực mật độ dày thì xác định ô tiêu chuẩn, đo khoảng cách, hàng cách hàng để tính cả diện tích.

Trong quá trình khảo sát, tính toán, cán bộ ban bồi thường gặp nhiều khó khăn vì mật độ cây quá dày. Để giải quyết công việc đúng tiến độ, bà Đinh Thị Quỳnh Giao khảo sát trên trang web của cơ quan nông nghiệp Lâm Đồng có hướng dẫn mật độ trồng cây dó bầu là từ 1.600 đến 2.000 cây/ha. Một cuộc họp của ban bồi thường diễn ra sau đó, các cán bộ thống nhất lấy khoảng giữa là 1.800 cây/ ha. Như vậy, với phần đất của mình, ông Cảnh được tính là có 3.770 cây dó bầu được đền bù. Điều này được ông Cảnh đồng ý. Nhận tiền đền bù xong, ông tiến hành cưa, đốt cây giao mặt bằng.

"Tôi làm cán bộ tư pháp có hiểu biết pháp luật, có chồng bị bắt đi tù. Viện kiểm sát nói cần phải thu hồi hơn 500 triệu đồng thu lợi bất chính nhưng không có người bị hại của vụ án thì không biết tiền này thu hồi làm chi?" - chị Thúy Vân nói.

Hai người vợ - một nỗi niềm

Chạm tay vào chiếc còng trắng lạnh trên tay chồng, chị Võ Thị Ngọc Linh vợ bị cáo Nhị cười tươi khi chồng khẳng định vô tội. Hết ôm bị cáo, chị hôn, rồi lại xuýt xoa: “Anh ráng giữ sức khỏe để còn chứng minh mình làm đúng. Em nhớ anh lắm!”. Hai mái đầu hoa râm ngả vào nhau, cười chao chát.

Hơn một năm dài, họ cách xa nhau. Đó cũng là quãng thời gian chị Võ Thị Thúy Vân chia cắt người chồng mới cưới, bị cáo Nguyễn Quyết Thắng.

Trong phiên xử sơ thẩm ngày 12.8, các bị cáo tranh luận gay gắt đến mức đại diện viện KSND huyện Cát Tiên có lúc đuối lí. Đó là từ ngày 22 đến 24.2.2012, tức là khoảng 5 tháng kể từ ngày bàn giao mặt bằng, cơ quan điều tra tiến hành xác minh số liệu. Cũng với cách tính lấy mật độ trung bình tính cho diện tích, công an kết luận số cây dó bầu thực tế của ông Cảnh chỉ là 1.602 cây. Như vậy, phần chênh lệch 2.168 cây dó bầu do ban bồi thường tính kia làm Nhà nước thiệt hại hơn 500 triệu đồng nên bắt giam hai ông Nhị và Thắng. Bà Giao được tại ngoại vì có con còn nhỏ. 

Luật sư Hồ Tố Trinh, văn phòng luật sư Người Nghèo bào chữa cho các bị cáo chứng minh cáo buộc của Viện KSND huyện Cát Tiên là không có cơ sở. Theo đó, nữ luật sư chất vấn tại sao công an đo mật độ thì hợp pháp, còn các bị cáo thì phạm tội. 

Vốn để thực hiện dự án là từ ODA, mục đích của việc xây hồ Tư Nghĩa là phục vụ dân sinh chứ không phải kinh tế. Đơn vị được quản lí nguồn vốn là UBND huyện Cát Tiên đã ủy quyền cho trung tâm quản lí và khai thác công trình công cộng cũng không phải là đơn vị kinh tế như ngân hàng hay quỹ tín dụng. Từ các dữ liệu đó, đối tượng bị thiệt hại hơn 500 triệu đồng không phải do hành vi làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây. Viện kiểm sát truy tố tội danh như trên đối với các bị cáo là không cơ sở.

Ngoài ra, ngay sau khi xảy ra vụ án, cơ quan điều tra không thực nghiệm hiện trạng liền mà để đến 5 tháng sau mới tiến hành.  Lúc này, ông Cảnh đã chặt, đốt cây dó bầu, mưa gió, đất cát phủ lên gốc hoặc thân cây cháy ngổn ngang... làm sao để cơ quan công an đếm chính xác. Đó là chưa kể trong vườn ông Cảnh còn trồng thêm cây keo, tre Mạnh Tông... làm thế nào công an phân biệt được cây nào là cây dó khi mà những gốc bị đốt cháy đen?

Cũng trong phiên sơ thẩm, đại diện UBND huyện rút tư cách tố tụng là bị hại của vụ án. Chi tiết này làm “đau đầu” các cơ quan tiến hành tố tụng vì vụ án hình sự không có bị hại, không xác định được ai là chức vụ quyền hạn trong lĩnh vực quản lí kinh tế thì rất... khó xử.

Một người dân nhắc lại tình tiết vụ án, chị Thúy Vân thở dài: “Tôi làm cán bộ tư pháp có hiểu biết pháp luật, có chồng bị bắt đi tù. Viện kiểm sát nói cần phải thu hồi hơn 500 triệu đồng thu lợi bất chính nhưng không có người bị hại của vụ án thì không biết tiền này thu hồi làm chi?”

“Anh Nhị là người chồng mẫu mực và rất thương yêu gia đình. Cuộc sống của chúng tôi tuy còn chật vật vì lương thấp nhưng chưa bao giờ tơ tưởng đến việc phải làm sai pháp luật hay không đúng với lương tâm mình. Đó là lý do mà bà con kéo về dự khán phiên tòa và ủng hộ các bị cáo đến vậy. Làm cán bộ để dân thương rất khó. Hơn một năm nay, tôi và vợ của bị cáo Thắng tự an ủi nhau, tin tưởng sự thật của vụ án là chồng của chúng tôi vô tội” - Chị Linh, vợ bị cáo Nhị, đang là cán bộ Mặt trận tổ quốc nói.

9 giờ sáng một ngày giữa tháng 11, mặt trời vẫn chưa lên trên xứ lạnh. Mấy công an tư pháp huyện Cát Tiên giục bị cáo ra xe về, sau khi đã để cho họ hạnh ngộ giữa chốn pháp đình. Chị Thúy Vân dựa sát vào vai người chồng mới cưới đã phải tạm xa nhau vì hoàn cảnh tù – đời, khẽ xin mấy anh công an huyện cho đi nhờ xe, ngồi với chồng 180 cây số từ Đà Lạt về Cát Tiên cho đỡ nhớ.

Anh cảnh sát thoáng lưỡng lự rồi gật đầu, rồi nhích về ghế sau, nhường hai vị trí sát nhau cho bị cáo Thắng và vợ.

Rất đông người dân dự khán phiên tòa không quen biết nhưng đồng loạt vẫy tay chào chiếc xe cảnh sát và nói vọng theo lời cảm ơn mấy anh công an gần gũi, dễ thương.

 Họ còn nói thêm, các cán bộ của ban bồi thường đã tính toán trùng khớp với số lượng tài sản của dân. Nếu có xử án thì phải đem luôn 5 hộ còn lại ra truy tố thành năm vụ án hình sự tiếp theo nữa. Vì các cán bộ áp dụng một cách tính cho sáu hộ dân. Trong khi đó, cán bộ và dân đã có hiệp thương về mức bồi thường. Dù không đủ số lượng và chịu thiệt như dân đồng ý, Nhà nước cũng không thiệt hại gì.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem