Vụ án "con ruồi": Tuyên y án 7 năm tù đối với bị cáo Võ Văn Minh

Hữu Ký Thứ năm, ngày 08/09/2016 18:33 PM (GMT+7)
Mặc dù bị cáo luôn nói mình bị oan, các luật sư cũng đưa ra nhiều luận cứ chứng minh điều này nhưng HĐXX đã bác kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm (7 năm tù) đối với bị cáo Võ Văn Minh.
Bình luận 0

Tại phiên tòa ngày 8.9, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử bị cáo Võ Văn Minh (sinh năm 1980, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) về hành vi cưỡng đoạt 500 triệu đồng của Công ty TNHH TM-DV Tân Hiệp Phát (THP). Bị cáo này kháng cáo cho rằng mình bị oan.

Theo bị cáo Minh, đây là vụ việc dân sự có sự thỏa thuận của hai bên, chứ bị cáo không hề ép buộc hay đe dọa để công ty Tân Hiệp Phát trả 500 triệu đồng. Số tiền này để mua sự im lặng của bị cáo, bởi công ty Tân Hiệp Phát đã sai. Bị cáo không hề ép buộc, đe dọa công ty Tân Hiệp Phát để họ đưa tiền.

“Bị cáo không hiểu sao đã thương lượng mua chai nước nhưng công ty lại báo công an? Tại sao không báo công an từ trước để ngăn chặn mà chờ khi bị cáo nhận tiền mới báo công an bắt?”- bị cáo Minh đặt câu hỏi.

img

 Bị cáo Võ Văn Minh tại tòa.

Trong khi đó luật sư Phạm Công Hùng (bào chữa cho bị cáo Minh) cho rằng, hành vi của Minh chưa cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản bởi bị cáo Minh không đe dọa dùng vũ lực ép buộc hoặc thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần buộc Tân Hiệp Phát đưa tiền.

Luật sư này cũng cho rằng trong vụ án này Tân Hiệp Phát phát hiện vụ việc nhưng với sự hiểu biết của mình đã không ngăn chặn việc làm của bị cáo này, thậm chí còn dẫn dắt bị cáo này thực hiện hành vi phạm tội.

“Tôi không ủng hộ việc làm anh Minh. Nhưng hơn ai hết nếu không chấp nhận yêu cầu của anh Minh thì chính Tân Hiệp Phát - những người có trình độ cao phải ngăn chặn và kiên quyết không đưa tiền. Vậy mà Tân Hiệp Phát đã dẫn dắt từ cử chỉ ban đầu của Minh (đổi tiền lấy nước ngọt), rồi thỏa thuận đưa tiền cho bị cáo Minh để biến lời nói của Minh thành hành vi cụ thể, sau đó đi tố cáo hành vi của Minh” - luật sư nói.

Theo luật sư, việc này trái với điều 1 BLHS 1999 (Đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm). Việc làm của Tân Hiệp Phát đáng trách hơn bị cáo Minh rất nhiều. Theo phân tích của luật sư, thỏa thuận mua sự im lặng 500 triệu đồng là trái pháp luật. Bị cáo Minh là người bán thì Tân Hiệp Phát là người mua hành vi đó. Việc mua sự im lặng rất đáng trách vì che giấu đi thông tin sản phẩm kém chất lượng, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Minh cũng cho rằng bị cáo này không phạm tội, không làm rõ đối tượng bị uy hiếp tinh thần, thậm chí luật sư còn đưa ra các dẫn chứng cho thấy cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Do đó luật sư của bị cáo Minh đề nghị hướng giải quyết đó là tuyên bị cáo Minh vô tội, hoặc nếu không tuyên vô tội thì có thể triệu tập bà Trần Ngọc Bích cùng các nhân viên đưa tiền cho bị cáo Minh để làm rõ một số tình tiết vụ án. Trong trường hợp không được thì đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tuy nhiên đại diện VKS cho rằng, có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Minh phạm tội cưỡng đoạt tài sản và việc truy tố, xét xử bị cáo này về tội danh này là hoàn toàn có cơ sở.  Bị cáo Minh hoàn toàn cố ý thực hiện hành vi của mình nhưng nếu xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo sẽ được đề nghị giảm cho từ 2 – 3 năm tù.

Nhưng vào cuối giờ chiều 8.9, trong lời nói sau cùng, HĐXX hỏi lại bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hay kêu oan thì bị cáo Minh tiếp tục kêu oan. Sau khi nghị án HĐXX tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo này bởi không có cơ sở cho rằng bị cáo không phạm tội.

Run sợ vì đường đi của chai nước

Theo luật sư Phạm Công Hùng, quá trình niêm phong, thu giữ, giám định chai nước có ruồi có rất nhiều ẩn khuất khiến ông run sợ. Bởi trong biên bản thu giữ tang vật vụ án ngày 27.1.2015 có ghi nắp chai vẫn còn nguyên vẹn, chưa được mở. Chai nước được bỏ vào phong bì và niêm phong lại, phong bì có chữ ký của 2 cán bộ điều tra và của bị cáo Minh. Nhưng khi lập kho chỉ có một số tang vật được đưa vào kho mà không có chai nước có ruồi. Như vậy chai nước có ruồi đã ở đâu trong thời gian 6 ngày từ 27.1 đến 3.2.2015. Đến khi đưa cho chai nước ngọt đi giám định thì chỉ thấy ghi chữ ký của bị cáo Minh, còn người khác không thấy ký.

Sau đó đến khi đưa ra giám định thì kết luận rằng nắp chai nước đã bị vật cứng tác động, nước trong chai ít đi, dị vật bên trong là có ruồi. “Hành trình đi của chai nước ngọt rất đáng sợ.”. Luật sư cho rằng kết luận giám định chai nước ngọt không phù hợp với nguyên trạng thu giữ vật chứng. Qua đó ông đặt nghi vấn liệu có sự tác động đến chai nước ngọt trong quá trình lưu giữ chai nước ngọt có ruồi? Liệu có hành vi che dấu vật chứng?...

Theo hồ sơ, cuối tháng 12.2014, lúc đem chai nước ngọt hiệu Number One để bán cho khách, Võ Văn Minh phát hiện bên trong chai có con ruồi nên đã gọi điện thoại báo Công ty Tân Hiệp Phát yêu cầu đưa cho Minh 1 tỷ đồng, nếu không sẽ phát tờ rơi, cung cấp thông tin cho báo chí đăng.

Sau nhiều lần thương lượng, Công ty Tân Hiệp Phát đã đồng ý đưa Minh số tiền 500 triệu đồng, đồng thời trình báo vụ việc tới công an. Ngày 7.2, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kết luận chai nước Number One có ruồi này dấu vết biến dạng nắp chai, dấu vết có chiều từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài hình thành do công cụ sắc nhọn tạo ra; mực nước trong chai gửi giám định thấp hơn mực nước trong chai gửi làm mẫu so sánh; dị vật bên trong chai nước là các bộ phận cá thể ruồi...

Cuối năm 2015, TAND tỉnh Tiền Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Võ Văn Minh 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Bị cáo Minh đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem