Vụ án Hồ Duy Hải bỏ lọt nhiều nghi phạm?

Thứ tư, ngày 14/01/2015 11:08 AM (GMT+7)
Trong hồ sơ vụ án tử tù Hồ Duy Hải, thời điểm xảy ra án mạng từ 20h30 – 21h chỉ do Cơ quan điều tra (CQĐT) suy đoán mà không có cơ sở thực tế hay phân tích khoa học nào. Phải chăng do xác định không chính xác thời gian gây án, CQĐT đã bị lệch hướng và để lọt những nghi can đã có mặt tại hiện trường?
Bình luận 0
“Thời gian chết” bị bỏ qua

Trong các hồ sơ vụ án không hề có một phân tích nào của cơ quan giám định về thời điểm xảy ra án mạng. Một chứng cứ gián tiếp cho thấy ít nhất vào khoảng 20h, chị Vân – một nạn nhân của vụ án vẫn còn sống, đi mua trái cây. Liệu với thực trạng hiện trường vụ án, có phương pháp khoa học nào xác định thời gian chết của nạn nhân hay không?

img

Hồ Duy Hải.

Khoa học pháp y có phương pháp để xác định thời điểm chết của tử thi. Nói cách khác, trong mọi điều kiện của tử thi, khoa học pháp y đều có thể “đọc” được thời điểm chết. Đối với những tử thi chết sớm trong vòng 48 tiếng như hai nạn nhân trong vụ án này, nếu thực hiện phân tích giám định đúng phương pháp, có thể đọc được chính xác đến đơn vị tiếng.

Những phương pháp giám định này nằm trong giáo trình khoa học bộ môn Pháp y và được Bộ Y tế quy định thành những công đoạn bắt buộc trong quy trình giám định tử thi theo Thông tư 47/2013. Rất tiếc là việc giám định pháp y trong vụ án này đã bỏ qua hoàn toàn, không giám định về thời gian chết nên đã không hỗ trợ việc điều tra sáng tỏ ở những vấn đề mấu chốt, quan trọng nhất là thời điểm xảy ra vụ án.

Cách tính thời gian chết trong những dấu hiệu sau chết sớm gồm có các cách như sau: Đo nhiệt độ xem sự nguội lạnh của tử thi, sự giảm trọng lượng của tử thi, xem những vết hoen của tử thi và mức tiêu hóa thức ăn trong bao tử, ruột của tử thi. Rất tiếc là biên bản giám định pháp y trong vụ án này đã bỏ qua các bước đã nêu. Kết luận giám định chỉ nêu nguyên nhân chết do một vật sắc bén cắt đứt cổ mà không đề cập gì đến thời gian, thời điểm chết của tử thi.

Luật sư Trần Hồng Phong đã đưa ra nghi vấn về thời điểm chết của hai nạn nhân không đúng như cáo trạng nêu mà phải là nhiều tiếng sau đó. Cơ sở để đưa ra nghi vấn này là ngay chính từ kết quả khám nghiệm hiện trường qua hai biểu hiện: Sau hơn 13 tiếng kể từ thời điểm chết, máu chưa đông/khô và thức ăn được tiêu hóa nhuyễn trong ruột nạn nhân.

Việc khám nghiệm hiện trường được tiến hành từ 8h30- 13h30 ngày 14.1.2008. Qua các tấm ảnh, thể hiện xác hai nạn nhân được đặt trên tấm vải màu trắng. Trên thân thể Hồng máu có màu đỏ tươi, vẫn còn chảy ra và thấm vào tấm vải lót. Trong Biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận “trên sàn nhà nơi hai nạn nhân nằm có vũng máu đọng chưa khô hoàn toàn”.

Một bác sĩ nội khoa (giấu tên) cho biết, theo nguyên lý cơ bản về huyết học, sự đông máu diễn ra theo nguyên tắc 3/7. Với những vết thương nhỏ, máu chảy ra trong 3 phút sau đó những hạt hồng cầu, tiểu cầu sẽ kết tủa tách rời khỏi dung dịch huyết tương và máu bắt đầu đông lại. Trừ những người có bệnh lý đặc biệt máu không đông, còn lại đều đông theo công thức này. Với vết thương lớn gây chết người như vậy, máu sẽ chảy ra nhiều nhưng mãi đến 13 tiếng mà chưa đông là không hợp lý.

Hiện tượng máu vẫn còn chảy, còn ở thể lỏng khi khám nghiệm hiện trường có thể đưa đến giả thiết là nạn nhân phải chết gần thời điểm khám nghiệm hơn là 13 tiếng như cáo trạng đưa ra. Màu máu cũng không thể đỏ tươi mà lúc này máu đã thẫm màu và khô đông từ lâu.

Bỏ lọt nhiều nghi phạm?

Trong những ngày mới vừa xảy ra vụ án, CQĐT đã triệu tập nhiều người có liên hệ với nạn nhân và có đến hiện trường vụ án. Manh mối đầu tiên, được một số người sống gần hiện trường cung cấp là có bốn thanh niên thường xuyên đến chơi với hai thiếu nữ vào các buổi tối. Điều tra nhanh, công an được biết trong số bốn thanh niên này, có ba người quê ở Vĩnh Long, người còn lại thì nhà ngay tại xã Nhị Thành.

Ngoài nghi phạm người địa phương sau ít giờ điều tra được xác định không liên quan, đánh giá các thanh niên còn lại ít nhiều gì cũng có liên quan đến vụ án hoặc cũng có thể cung cấp manh mối gì đó cần thiết điều tra phá án, bằng biện pháp kiểm tra đăng ký tạm trú, tạm vắng tại địa phương, ba thanh niên quê Vĩnh Long được xác định tên là Nguyễn Văn Sơn (SN 1980); Nguyễn Tuấn Anh (SN 1981); Trần Văn Chiến (SN 1980) cùng là thợ bạc đến tạm trú và làm thuê cho một tiệm vàng tại địa phương.

Được triệu tập đến cơ quan điều tra làm việc, cả ba thanh niên đều cho biết có mối quan hệ quen biết với cả hai nạn nhân, đều đang theo đuổi Hồng nhưng chưa ai được cô gái chấp nhận. Đêm xảy ra vụ án, cả ba đều đến chơi và trò chuyện với Hồng, rồi cùng đi về vào lúc hơn 19h.

Để chứng minh mình ngoại phạm, ba anh thợ bạc cho biết lúc về đến nhà trọ có tổ chức uống rượu với mấy người cùng khu nhà trọ, có bà chủ nhà trọ và một số người cùng tham gia sòng nhậu làm chứng.

Trong lời khai của 3 thanh niên này có một chi tiết là Nguyễn Văn Nghị (SN 1978, ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) từng là một đối tượng nghiện ma túy thường đi xe máy đến bưu điện chơi. Nghị là bạn của một thợ bạc là người yêu của Hồng, tình cờ gặp thì cũng mến Hồng. Lúc ấy bất chấp hai gia đình không đồng ý, anh thợ bạc vẫn đeo đuổi cô gái, đã có một vài lần anh và Nghị cãi nhau trước cổng bưu điện, tình bạn bị sứt mẻ. Một số nhân chứng cho biết Nghị đã nhiều lần yêu cầu Hồng không được trò chuyện với anh thợ bạc nữa.

Thêm một tình tiết xác định Nghị có thể liên quan đến vụ án là vào đêm xảy ra án mạng, có người thấy thanh niên này chạy xe máy đến gặp hai thiếu nữ, lúc đó mặc quần jean, có mặc áo gió bên ngoài màu xám. Nghị khai nhận đúng là đêm đó có đến gặp Hồng nhưng do có gặp nhóm thợ bạc “bạn cũ” nên khi những thanh niên kia ra về thì mình cũng về theo. Chứng minh mình vô can, Nghị đưa ra nhân chứng xác định vào thời gian từ 20h10 tối 13.1.2008, đã cùng bạn uống nước tại một quán cà phê. Chủ quán xác nhận điều này vì tối đó có một sự việc rất đặc biệt, lúc uống cà phê thì giữa Nghị và một thanh niên khác đã xảy ra tranh cãi về việc “nhìn đểu" khiến chủ quán phải đến can ngăn.

Ngoài ra còn có một kỹ sư tên Trung ở Bình Dương và Nguyễn Mi Sol ở TP.HCM cũng được nhân chứng xác định có quan hệ với Hồng và có thể có mặt ở địa phương vào đêm xảy ra tai nạn. Tuy nhiên tất cả những người này đều có dấu hiệu ngoại phạm vào thời điểm từ 20h30 – 21h. Vấn đề là nếu án mạng xảy ra sau 22h thì họ có ngoại phạm không? Rất tiếc là những bản ghi lời khai của các đối tượng này từ lúc mới khởi tố vụ án đến khi bắt được Hải đã bị biến mất không ghi nhận trong hồ sơ vụ án, sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc phục hồi điều tra vụ án.
(Theo Anh Kiệt/Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem