Vụ án "vườn mãng cầu" và 20 điểm chưa rõ

Thứ ba, ngày 29/12/2015 08:43 AM (GMT+7)
Luật sư nêu ra 20 điểm chưa rõ và phi lý trong vụ án và đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm tránh làm oan.
Bình luận 0

Theo dự kiến, ngày mai (30.12), TAND tỉnh Tây Ninh sẽ tuyên án vụ người xe ôm bị giết, bị cướp tài sản trong vườn mãng cầu ở huyện Dương Minh Châu (vụ án “vườn mãng cầu”). Trước đó tại tòa, dù bị cáo Nguyễn Văn Hiền kêu oan từ đầu đến cuối phiên xử nhưng công tố viên vẫn đề nghị HĐXX phạt bị cáo mức án tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản.

Động cơ gây án quá đơn giản

Theo hồ sơ vụ án Nguyễn Văn Hiền của cơ quan tố tụng, ngày 7.3.2015, Hiền lấy trộm một con dao của người bán trái cây bỏ vào túi. Sau đó, Hiền gặp ông Lâm Văn Nhiển (sinh năm 1953, ngụ phường Hiệp Ninh, TP.Tây Ninh) là người chạy xe ôm. Hiền kêu ông Nhiển chở về nhà mẹ vợ ở huyện Hòa Thành để mượn tiền.

Trên đường đi, Hiền điện thoại cho mẹ vợ nhưng chị dâu nghe máy và la rầy Hiền không lo làm ăn, chỉ biết ăn chơi, đánh bạc. Nghe vậy, Hiền tắt điện thoại và kêu ông Nhiển chở lòng vòng huyện Dương Minh Châu để mượn tiền người thân.

Đi ngang vườn mãng cầu, Hiền yêu cầu ông Nhiển chạy xe rẽ vào để gặp người quen. Khi ông Nhiển vừa dừng xe, Hiền khống chế, yêu cầu ông Nhiển đưa xe cho mình. Do ông Nhiển kháng cự và kêu cứu nên Hiển rút dao đâm chết nạn nhân. Sau đó, Hiền cướp xe và điện thoại di động của nạn nhân rồi sang Campuchia đánh bạc. Đến nơi, Hiền vào tiệm cầm đồ ở Svay Rieng cầm chiếc xe được 4 triệu đồng. Đánh bạc thua hết tiền, Hiền trốn xuống TP.HCM đến ngày 10.5 thì bị bắt.

Tại tòa, Hiền liên tục kêu oan và cho rằng mình bị công an bắt bất ngờ, bị trùm lại đánh và sau đó bị mớm cung. Hiền khai rằng mình mua chiếc xe này của một đôi nam nữ với giá 1 triệu đồng, khi mở cốp xe thì thấy điện thoại và giấy tờ xe để sẵn trong cốp, trong xe có dính vết máu.

img

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hiền một mực kêu oan. Ảnh: Hồng Minh

Không có chứng cứ trực tiếp

Tại phiên tòa ngày 25.12, luật sư Lý Thanh An (Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh, người bào chữa cho bị cáo) đã chỉ ra 20 vấn đề cần được làm sáng tỏ, đồng thời đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm tránh làm oan.

Theo luật sư, VKS cáo buộc bị cáo giết người nhưng ngoài lời nhận tội của bị cáo lúc đầu, không có chứng cứ trực tiếp nào chứng minh về dấu vết của bị cáo để lại tại hiện trường. Trong khi đó, hiện trường lại có rất nhiều dấu vết của những người khác như vết máu, kiểu gene. Thực tế, trong văn bản yêu cầu CQĐT điều tra làm rõ nhiều điều, VKSND tỉnh Tây Ninh đã nêu: “Vì hiện tại lời khai của Hiền trước sau còn nhiều mâu thuẫn, không đúng với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi…”.

Kết luận giám định cho thấy: Nón bảo hiểm và vết đường vân trên xe máy tang vật không phải dấu vân tay của Hiền. Dấu vết trên đầu móng tay nạn nhân không có kiểu gen của Hiền.

Theo hồ sơ, hai bên vật ngã xô đẩy, toàn thân bị hại có hơn 50 vết thương, trong khi Hiền lại không bị thương tích gì. Đặc biệt, kết luận điều tra ghi nạn nhân dùng hai tay chụp đỡ, bấu víu tay cầm dao của Hiền thì đương nhiên trên các đầu móng tay của nạn nhân sẽ còn lưu lại mẫu biểu bì - mẫu da của Hiền. Tuy nhiên, theo kết quả khám nghiệm thì “dấu vết trên đầu móng tay nạn nhân không có kiểu gene của Hiền”.

Chưa rõ vết thương trên người nạn nhân do hung khí nào gây ra, có phải là do con dao Thái Lan lấy cắp của bà bán trái cây như bị cáo khai không vì hung khí gây án không thu giữ được. Tuy nhiên, CQĐT không tìm và làm rõ xem bà bán trái cây có bị mất dao không, mà lại tìm con dao khác cho Hiền nhận dạng là “giống con dao gây án”.

Bị cáo khai mua lại chiếc xe của nạn nhân từ một người đàn ông dân tộc tên Kha đi cùng một phụ nữ. Hiện trường có hai mẩu đầu lọc thuốc lá có dấu vân tay và kiểu gene một nam, một nữ nhưng chưa được làm rõ liệu có phải là hai người bán xe cho bị cáo không, dù dấu vân tay và vết máu trên mẩu đầu lọc thuốc lá đã thu được.

Nạn nhân nhậu với ai trước khi chết?

Nạn nhân có nồng độ cồn 62mg/100ml trong máu trước khi bị sát hại. Đối chiếu với khoảng thời gian lần cuối các nhân chứng khai gặp nạn nhân thì thời gian nào là thời gian nạn nhân uống rượu, uống với ai? Theo luật sư, với nồng độ cồn như vậy thể hiện nạn nhân đã uống rất nhiều. Liệu những người cùng uống rượu có liên quan hay không, cần phải được làm rõ để không loại trừ khả năng có đồng phạm hay những bạn nhậu dàn cảnh giết nạn nhân.

Trong khi đó, hồ sơ thể hiện nạn nhân còn có mâu thuẫn nội bộ gia đình gay gắt đến mức từng tuyên bố: “Chừng nào tao chết thì con mới được hưởng tài sản, chứ còn sống thì không sang tên”. Sau đó, sui gia định đánh nhau nhưng được can ngăn.

Đồng thời, hồ sơ thể hiện anh Trần Văn Phát đã phát hiện ngày 8.3.2015 có hai thanh niên lạ gây gổ gần nơi xảy ra án mạng mà anh nhác thấy biển số xe 93 (Bình Phước). Trong bản tự khai, Hiền cũng nhắc đến người đàn ông và người phụ nữ bán xe cho mình có “qua lại” bên Bình Dương, Bình Phước gì đó để làm ăn.

Các lời khai về thời gian gặp mặt nạn nhân lần cuối không khớp. Cụ thể: Anh Đồng Thanh Sơn khai lúc 9h gặp nạn nhân tại điểm đón khách xe ôm; bà Nguyễn Thị Gìn khai 9h40 đưa cháu nội đi học thêm thì nạn nhân mới khóa cửa nhà ra đi; anh Phạm Hoàng Dũng bán bong bóng thì khai gặp nạn nhân lúc 12h; còn bà Võ Thị Rê khai từ 7h sáng đến 11h nạn nhân mới rời nhà bà…

Có dấu hiệu chết ở nơi khác?

Lời khai của Hiền trong hồ sơ mâu thuẫn với thực nghiệm điều tra. Nhiều lời khai thể hiện Hiền dùng tay trái choàng qua bóp cổ nạn nhân, tay phải rút dao ra đâm hông nạn nhân, thế nhưng nhiều bản ảnh thực nghiệm điều tra thể hiện tay trái của Hiền chụp vào gáy sau cổ nạn nhân đẩy xuống xe (chứ không phải bóp cổ phía trước), rồi cả hai cùng ngã.

Bút lục 294 thể hiện nạn nhân chết mà còn đeo đồng hồ, đeo kính râm. Theo luật sư, hai bên vật nhau kịch liệt mà kính đeo mắt không văng ra, đồng hồ còn trên tay thì dễ cho phép người ta suy đoán rằng nạn nhân bị giết ở đâu đó, rồi được chở đến “hiện trường” phi tang.

Các lời khai của Hiền mâu thuẫn nhau: “Xe ôm dừng lại”, “Xe còn đang chạy chậm”, “Xe đi từ từ”… thì Hiền ra tay.

Kết luận điều tra mô tả hiện trường vật nhau giữa Hiền và nạn nhân có chi tiết mâu thuẫn: “Hiền dùng tay trái đẩy nạn nhân Nhiển ngã xuống đất trong tư thế nằm sấp, hai gối hơi gấp, bị can Hiền nằm khom người bên phải nạn nhân Nhiển, tay trái vẫn nắm chặt cổ áo nạn nhân Nhiển”. Theo luật sư, không thể nào thao tác được cảnh Hiền ngồi sau, dùng tay trái vòng qua nắm cần cổ nạn nhân mà đẩy được, nếu đẩy được nạn nhân té thì chỉ có một khả năng là té nằm ngửa mà thôi. Trong khi đó, biên bản thực nghiệm điều tra mô tả nạn nhân “ngã xuống đất trong tư thế nằm sấp”…

Theo luật sư, tại hiện trường vụ án có một điện thoại nhưng không được phục hồi, làm rõ các dữ liệu. Có sáu tờ vé số xổ ngày 8.3.2015 nhưng lại không được giám định dấu vân tay. Ngoài ra, luật sư còn vạch ra nhiều điểm phi lý, mâu thuẫn khác.

“Án truy xét nên khó có chứng cứ trực tiếp”

Tại tòa, HĐXX đã công bố đoạn băng ghi hình quá trình lấy lời khai. Theo đó, Hiền đã kể lại cách thức giết nạn nhân giống như cáo trạng, thậm chí diễn lại cảnh đâm nạn nhân. Tuy nhiên, khi xem xong, Hiền vẫn cho rằng mình diễn theo kịch bản của điều tra viên.

Với 20 điểm chưa rõ đã nêu, luật sư Lý Thanh An cho rằng không phải là không có cơ sở khi bị cáo cho rằng nội dung vụ án được viết sẵn, sắp xếp sẵn, thậm chí từ thực nghiệm điều tra đến lời nhận tội tự viết, lời thú tội được quay video như là một kịch bản có sẵn.

Về những vấn đề luật sư nêu ra, đặc biệt là việc không có dấu vết của Hiền trên người bị hại và tại hiện trường, đại diện VKS cho rằng đây là vụ án qua truy xét nên để có những chứng cứ trực tiếp từ bị cáo để chứng minh hành vi phạm tội là không thể. Ngoài ra, theo lời khai của Hiền là khi giằng co quyết liệt, Hiền không hề bị thương tích nên CQĐT không thu được dấu vết ADN của Hiền. Về một số chi tiết nhầm lẫn hoặc chưa rõ trong cáo trạng, đại diện VKS cho rằng những chi tiết này có thể xảy ra và không ảnh hưởng nội dung vụ án.

Thời gian lấy cung và di lý siêu tốc

Bị cáo Hiền cho rằng mình bị “dụ cung”, biên bản viết sẵn nội dung rồi buộc ký vào.

Theo luật sư, đối chiếu với biên bản hỏi cung bị cáo sau khi bị bắt tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM ghi lúc 6h25 ngày 10.5.2015 và biên bản hỏi cung sau khi chở bị cáo về Tây Ninh bắt đầu lúc 10h cùng ngày thì việc lấy cung và di lý bị cáo quả thật siêu tốc.

Theo luật sư, dù tốc độ làm việc nhanh hết mức cũng phải mất bốn tiếng vừa hỏi, vừa tra, vừa viết biên bản. Rồi từ phường Đông Hưng Thuận di lý về đến trụ sở Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh, ô tô chạy nhanh cỡ nào cũng phải mất đến hai tiếng nữa. Như vậy, tổng cộng vừa hỏi cung vừa đưa về khoảng sáu tiếng, nhanh nhất cũng khoảng 13h cùng ngày mới có mặt tại Tây Ninh.

Phương Loan - Hồng Minh (Pháp luật TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem