Buổi tọa đàm nâng cao hiệu quả trong đấu tránh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp vào ngày 10.11
Đó là nhận định của đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân trong buổi tọa đàm nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp vào ngày 10.11.
Theo Đại tá Thẩm, lâu nay hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ công khai nhưng việc tổ chức sản xuất thì diễn ra trong bóng tối nên những nỗ lực ngăn chặn vẫn chưa thể triệt để để loại trừ hoàn toàn. Nhiều đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái lớn thậm chí đã tồn tại, hoành hành trong một thời gian dài như vụ án kinh doanh thuốc trị ung thư giả của Công ty dược VN Pharma vừa bị đưa ra xét xử. Gần hơn nữa là vụ tráo mác nhà sản xuất, lợi dụng thương hiệu nhằm nâng giá lên hàng chục lần của thương hiệu Khải Silk. Và mới nhất, lô hàng 11 tỷ đồng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng chăm sóc, làm đẹp liên quan đến một quý bà vừa bị khám phá…
“Đây chỉ là một số vụ điển hình, là phần nổi của tảng băng đen, phần chìm chưa được khám phá chắc hẳn còn lớn hơn gấp bội”, Đại tá Thẩm nhận định.
“Bà chủ” lô hàng mỹ phẩm giả trị giá 11 tỷ đồng làm việc với cơ quan chức năng vào chiều ngày 31.10 (Ảnh: PL)
Chân dung bà chủ lô hàng mỹ phẩm giả của công ty TNHH TS Việt Nam (ảnh: IT)
“Trong 10 tháng đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM thụ lý giải quyết 119 vụ, 142 đối tượng buôn bán hàng giả. Đã kết thúc điều tra trinh sát 94 vụ, 106 đối tượng. Khởi tố 7 vụ, 13 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả và xử lý hành chính 86 vụ, 92 đối tượng buôn bán hàng giả, phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng”, trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội 7, Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM thông tin.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Tý, giám đốc điều hành Công ty thời trang Nón Sơn cho biết, vấn nạn hàng giả, hàng nhái là một thực trạng đáng buồn của hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà có các mặt hàng bị làm giả.
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho rằng: Hàng gian, hàng giả, hàng nhái đang gia tăng và gây nhức nhối toàn xã hội, đã để lại hệ lụy trong đời sống, giảm niềm tin đối với người tiêu dùng gây thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý Nhà nước.
“Do luật pháp Việt Nam còn nhiều sơ hở, bất cập trong quản lý, chế tài chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó công tác quản lý chưa cao, chồng chéo các cơ quan chức năng, tạo điều kiện để hàng gian, hàng giả phát triển. Trong khi trên thực tế, việc phân biệt hàng gian, hàng giả rất khó vì các đối tượng làm hàng giả giống y chang hàng thật”, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM nói.
Ông Trương Văn Ba, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia khẳng định sẽ tập hợp ý kiến góp ý của đại diện doanh nghiệp và cơ quan chức năng để báo cáo, tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
Theo ông Ba, từ 2014- 10/2017, cả nước đã xử lý hơn 44,5 ngàn vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng nhái hàng giả. Trong đó có những vụ việc nổi cộm như công ty TNHH TS Việt Nam với lô mỹ phẩm giả với giá trị hơn 11 tỷ đồng; công ty Khải Silk bán lụa Trung Quốc trong thời gian dài là những vụ việc điển hình trong sản xuất và kinh doanh hàng giả.
Công ty TNHH TS Việt Nam với lô mỹ phẩm giả với giá trị hơn 11 tỷ đồng; công ty Khải Silk bán lụa Trung Quốc trong thời gian dài là những vụ việc điển hình trong sản xuất và kinh doanh hàng giả.
“Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã có số điện thoại nóng, bất kể lúc nào phát hiện hàng giả, người dân, doanh nghiệp hãy thông tin để phối hợp xử lý. Chưa bao giờ công tác chống hàng giả được quan tâm như hiện nay, ngoài Ban chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh, các thành phố lớn như TP.HCM, Cần Thơ đã có Ban chỉ đạo đến cấp quận. Chống hàng giả không có vùng cấm, văn phòng Ban chỉ đạo sẽ tham mưu cho Chính phủ xác định trách nhiệm chính trị đối với Quốc gia của người đứng đầu địa phương, bộ ngành trong ngăn chặn buôn bán, sản xuất hàng giả”, ông Ba thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.