Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Như Dân Việt đưa tin, bà Huỳnh Thị Hiếu (đã mất) có mảnh "đất vàng" tại quận Tân Phú (hơn 1.303 m2 tại đường Tân Quý, quận Tân Phú).
Diện tích đất này bà Hiếu đã sử dụng từ năm 2001. Bà Hiếu đã làm hàng rào để bảo vệ và xác định ranh giới đất. Hàng năm, bà Hiếu là người trực tiếp đóng thuế có biên lai thuế thể hiện, chỉ chờ được cấp… "sổ đỏ".
Theo tìm hiểu của Dân Việt, nguồn gốc của mảnh "đất vàng" này là khu rau muống do linh mục Trịnh Ngọc Vân (Giáo xứ Tân Thái Sơn) mua trước năm 1975. Trong đó có 1.303m2, do bà Nguyễn Thị Ngái tự lấn chiếm trồng rau muống từ năm 1990.
Theo thỏa thuận tại Biên bản họp của Hội đồng Giáo xứ Tân Thái Sơn (ngày 27/11/1997), bà Huỳnh Thị Hiếu được toàn quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất 14.166m2, trong đó bao gồm cả phần đất (1.303m2) do bà Ngái đã chiếm dụng.
Thời điểm đó, bà Hiếu phải đền bù cho giáo xứ phần diện tích đất nêu trên với giá 500.000đ/m2, tổng số tiền là 7.083.000.000 đồng.
Năm 2001, bà Ngái tự nguyện giao trả lại mảnh đất này cho giáo xứ và bà Hiếu đã trả cho bà Ngái 15 lượng vàng. Các con bà Ngái (trong đó có vợ chồng ông Vũ Văn Túc) cùng ký tên đồng thuận và cam kết không tranh chấp.
Tuy nhiên, tháng 6/2015, gia đình bà Hiếu bất ngờ nhận được Quyết định 3030/QĐ-UBND của UBND TP.HCM có nội dung thu hồi GCNQSDĐ số 01116/6a QSDĐ/0544/UB, với lý do "cơ sở tôn giáo không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất".
Ngay sau khi có quyết định số 3030/QĐ-UBND của UBND TP.HCM, ông Vũ Văn Túc (con bà Nguyễn Thị Ngái) đã làm đơn xin cấp GCNQSDĐ mảnh "đất vàng" 1.303m2.
Từ đó nảy sinh ra tranh chấp mảnh đất này giữa ông Túc và gia đình bà Huỳnh Thị Hiếu (từ năm 2016 đến nay).
Cho rằng Quyết định 3030/QĐ-UBND không đúng với thực tế và trái với quy định của Luật Đất đai năm 2013 (đất của giáo xứ Tân Thái Sơn do cơ quan thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp, thuộc trường hợp được cấp GCNQSDĐ theo quy định tại điểm e, khoản 1 điều 100 Luật Đất đai 2013), bà Hiếu đã khiếu nại lên các cấp, UBND TP.HCM.
Sau đó, bà Hiếu cũng gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước để khiếu nại về Quyết định 3030/QĐ-UBND của UBND TP.HCM.
Trong khi chờ phản hồi từ các cấp, ban ngành, ngày 8/12/2021, bà Hiếu mất vì dịch Covid-19, và đến ngày 20/1/2022, UBND quận Tân Phú ký quyết định cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Túc.
Đến ngày 26/3/2022, GCNQSDĐ trên có thay đổi từ hình thức sở hữu chung thành thức sở hữu riêng cho ông Vũ Văn Túc.
Và chỉ sau đó ít ngày, ngày 1/4/2022, giấy chứng nhận trên được sang tên cho ông Nguyễn Văn Hạnh trong phần nội dung thay đổi và cơ sở pháp lý.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 21/7/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 4566/VPCP-V.I gửi UBND TP.HCM. Văn bản nêu: Văn phòng Chính phủ đã nhận được đơn thư của một số công dân gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, qua phân loại xử lý, Văn phòng Chính phủ thấy có 13 đơn thu thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP.HCM.
Vì vậy, Văn phòng Chính phủ chuyển đến UBND TP.HCM số đơn thư này để rà soát, xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong danh sách 13 đơn thư đính kèm này, có đơn của ông Võ Minh Mẫn (con bà Huỳnh Thị Hiếu - PV), tố cáo việc cấp sai GCNQSDĐ cho gia đình ông Túc của UBND Quận Tân Phú.
Tuy nhiên, từ khi có chỉ đạo từ Văn phòng Chính phủ, đến nay đã hơn 4 tháng nhưng gia đình ông Võ Minh Mẫn vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi gì từ phía UBND TP.HCM.
Đến ngày 31/10/2022, UBND TP.HCM có phản hồi theo văn bản số 9378/VP-ĐT về việc xử lý đơn của ông Huỳnh Văn Thảo, bà Võ Thị Tuyết Trang và ông Võ Minh Mẫn. Trong văn bản này, UBND TP.HCM giao Chủ tịch UBND quận Tân phú xem xét, xử lý đơn theo thẩm quyền.
Đáng nói, đây là văn bản trả lời đơn của ông Huỳnh Văn Thảo, bà Võ Thị Tuyết Trang và ông Võ Minh Mẫn từ ngày 18/7/2022 theo phiếu chuyển từ Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, chứ không phải theo đơn chuyển từ Văn phòng Chính phủ.
Liên quan đến vụ việc này, sáng 23/11, Dân Việt đã liên hệ với ông Phạm Minh Mẫn, Chủ tịch UBND TP.HCM để tìm hiểu về vụ việc, tuy nhiên ông Mẫn cáo bận và đề nghị nhắn tin để ông trả lời.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Mẫn vẫn chưa có bất cứ phản hồi gì về vụ việc.
Cần nói thêm, trước đó phía UBND Quận Tân Phú đã có văn bản gửi Dân Việt (văn bản số 1105/UBND-TCD, nhưng không đề ngày tháng), giải thích việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Vũ Văn Túc là đúng pháp luật.
Tuy nhiên, phân tích về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Kim Dung, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Kim Dung cho hay: Theo trả lời của UBND quận Tân Phú thì việc UBND quận Tân Phú cấp CNQSDĐ cho ông Túc là căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 5 Điều 20 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 có quy định: "Hộ gia đình và cá nhân đang sử dụng đất ổn định không có giấy tờ quy định tại điều 100 Luật Đất đai được Ủy ban Nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp thì được công nhận quyền sử dụng đất".
Khoản 5 Điều 20 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định: "Hộ gia đình và cá nhân đang sử dụng đất ổn định vào mục đích thuộc nhóm nông nghiệp từ trước ngày 2 tháng 7 năm 2004, nay được Ủy ban Nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp thì được công nhận quyền sử dụng đất".
Tuy nhiên, theo luật sư Dung, ông Túc không thuộc trường hợp đang sử dụng đất ổn định do toàn bộ diện tích đất trên đã giao cho bà Hiếu sử dụng từ năm 2001 (có giấy đồng thuận của các con bà Ngái trong đó có chữ ký tên của vợ chồng ông Túc).
Bà Hiếu đã làm hàng rào để bảo vệ và xác định ranh giới đất. Hàng năm, bà Hiếu là người trực tiếp đóng thuế có biên lai thuế thể hiện.
Thêm vào đó, mảnh đất này thuộc trường hợp đất đang tranh chấp: Từ năm 2012 bà Hiếu đã là người thường xuyên liên hệ với UBND các cấp thỉnh cầu sự giải quyết, đến nay chưa giải quyết xong, chứ không phải mới tranh chấp.
"Căn cứ vào các quy định trên, thì ông Túc không thuộc trường hợp được cấp GCNQSDĐ, vì không thuộc trường hợp đang sử dụng đất ổn định và thuộc trường hợp đất đang tranh chấp", luật sư Dung nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.