Vụ Ngang nhiên bán giống lúa "lạ" cho dân ở Hà Nội, GS Trần Duy Quý nói bị mạo danh
Vụ bán giống lúa "lạ" cho dân ở Hà Nội, Giáo sư Trần Duy Quý: Tôi bị mạo danh
Trần Quang
Thứ hai, ngày 05/07/2021 11:19 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt về thông tin "chọn tạo giống lúa nếp cái hoa vàng tại xí nghiệp Quý Dương cung cấp cho đại lý kinh doanh giống cây trồng ở Hà Nội", GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp tỏ ra bất ngờ và bức xúc khi mình bị đơn vị này mạo danh, uy tín để bán giống.
Được biết, GS.TSKH Trần Duy Quý bắt đầu nghiên cứu về chọn tạo giống lúa từ khi còn là sinh viên đại học. Tới nay, ông đã có trên 50 năm liên tục làm việc và nghiên cứu sâu về đặc điểm di truyền về bộ gen và bộ nhiễm sắc thể của lúa dưới tác động của các tác nhân vật lý hóa học.
Trong đó, công trình nghiên cứu nổi bật nhất của ông là nghiên cứu được các giống lúa năng suất siêu cao, chống chịu sâu bệnh, có phẩm chất khá, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Được mệnh danh là “cha đẻ” của những giống siêu lúa cho nông dân Việt, GS.TSKH. Trần Duy Quý cùng với đồng nghiệp đã tạo ra được hơn 50 loại cây trồng đột biến, chủ yếu là lúa, ngô, đậu tương, hoa; trong đó có gần 30 giống lúa khác nhau đang được ứng dụng rộng rãi tại nhiều tỉnh thành, một số giống lúa có thể cho năng suất thực tế lên tới 9 – 10 tấn/ha như NPT3, NPT4, NPT5, NPT6, NPT7,…
Đặc biệt, giống NPT3 đã được Bộ NNPTNT công nhận là giống khu vực hóa vào ngày 28/12/2016, hiện đang được phát huy trong sản xuất.
Sau khi nghỉ hưu Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Trần Duy Quý đã quyết định lui về làm "quân sư" giúp cho con trai mình nghiên cứu, chọn tạo giống lúa tẻ mới. Bên cạnh đó, ông Quý còn tập trung vào việc sưu tầm, nhân giống và chăm sóc vườn lan đột biến của mình ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Hiện, GS.TSKH Trần Duy Quý cũng đang giữ vai trò là Chủ tịch Hội hoa lan Hà Nội.
Bức xúc vì bị mạo danh
Sau khi Dân Việt đăng tải bài Hà Nội: Ngang nhiên bán giống lúa lạ của Giáo sư chưa được cấp phép cho dân nhưng chưa bị... xử lý, trao đổi với PV Dân Việt, GS Trần Duy Quý ta ra bất ngờ và rất bức xức khi mình bị mạo danh đứng tên trong hợp đồng thực hiện mô hình trình diễn giống lúa nếp cái hoa vàng vụ mùa 2021 (ngày 15/5/2021) giữa xí nghiệp giống cây trồng Quý Dương (chi nhánh Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương) ký với chủ cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội).
GS Quý cho rằng: "Trước đây. tôi chủ yếu chọn tạo giống lúa tẻ và siêu lúa. Hiện giờ tôi đã nghỉ hưu và không làm giống nữa mà tập trung vào chơi lan đột biến. Trong vụ việc trên, có thể giống lúa mới do anh em mới chọn tạo ra và mượn danh tôi thôi chứ không thấy ông Thượng (ông Vũ Thế Thượng - Giám đốc xí nghiệp giống cây trồng Quý Dương) trao đổi lại gì.
Nếu ông Thượng giải thích với phóng viên là ông ấy đang giúp tôi thử nghiệm giống lúa mới thì càng không được. Có thể do áp lực, khó khăn kinh tế nên ông Thượng mới làm thế...".
Khi được PV Dân Việt cung cấp thêm các thông tin về các giống, mẫu vỏ bao giống lúa bày bán tại cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm có tên giống lúa T18, nếp cái hoa vàng, QD16, 6789 bày bán tại cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm có mặt trước và mặt sau giống như nhau... Có một số bao gói có đề tên đơn vị sản xuất là Viện Nghiên cứu Hợp tác quốc tế châu Á - Thái Bình Dương, GS Trần Duy Quý khẳng định: "Có thể anh Thượng đã tận dụng lại vỏ bao gói cũ ngày trước ký với tôi để đóng gói các loại hạt giống mới cung cấp cho đại lý".
Theo GS. Quý, thông thường tại các doanh nghiệp lớn sản xuất giống lúa theo các bao gói riêng, còn tại các đơn vị giống nhỏ hay in một mẫu bao gói dùng cho nhiều giống nhưng lại phải dán tem (tem phải có đầy đủ thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng, dấu kiểm định...), cũng tốn kém.
Từng nhiều năm hợp tác với xí nghiệp Quý Dương trong chọn tạo giống lúa, Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Trần Duy Quý nhận định: Hơn 15 năm hợp tác với xí nghiệp Quý Dương, tôi thấy anh Thượng rất cần cù, chịu khó và làm giống rất có trách nhiệm, uy tín.
Tuy vậy, nếu xí nghiệp này đưa giống lúa mới chưa được cấp phép lưu hành đã cung cấp cho các đại lý bán ra thị trường là vi phạm pháp luật và dễ bị phạt. Còn nếu đơn vị này chỉ ký kết hợp đồng thử nghiệm giống và có bảo lãnh nếu mất mùa, thiệt hại sẽ bồi thường cho dân thì được nhưng chỉ được phép làm ở diện hẹp.
Theo ông Quý trước đây ông và đồng nghiệp kỹ sư Nguyễn Văn Bích chọn tạo thành công duy nhất 2 giống lúa nếp là DT21, DT22 và hai giống này đã được Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương mua bản quyền.
Riêng về giống lúa nếp cái hoa vàng, ông Quý khẳng định, mình không chọn tạo ra loại giống này nhưng đây là giống cổ truyền nên nếu ai chọn tạo kỹ lưỡng đạt chất lượng cao thì đều có thể bán. "Tuy nhiên, các đơn vị làm giống không được mạo danh tôi chọn tạo, điều này là vi phạm pháp luật", ông Quý cảnh báo.
Lách luật vì theo... thị hiếu hiếu của nông dân
Chia sẻ khó khăn với các đơn vị làm giống, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Trần Duy Quý cho hay: Để chọn tạo và sản xuất ra một giống cây trồng, giống lúa rất tốn kém, mất nhiều thời gian và rất gian nan, nhiều thách thức. Nhất là đối với các đơn vị làm giống nhỏ tự chủ nguồn vốn, hạ tầng... sẽ càng khó khăn hơn nên nhiều khi các đơn vị này phải tìm mọi cách để duy trì, tồn tại mới sản xuất ra giống. Rất mong mọi người thông cảm và chia sẻ với họ.
Tuy nhiên theo ông Quý, dù gặp khó khăn đến đâu, người làm giống cũng phải chọn tạo ra giống chuẩn thì mới mang lại lợi ích cho nông dân. Ngược lại, nếu đơn vị, người làm ra giống kém chất lượng sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất.
Cũng theo ông Quý, thực tế hiện nay nhiều giống lúa được cấp phép lưu hành nhưng khi đưa vào sản xuất qua các vụ lại cho năng suất, chất lượng thấp làm cho nhiều nông dân chán, bỏ làm. Thay vào đó bà con hay săn tìm mua các giống mới về cấy đạt năng suất cao.
Nắm bắt được điều này, trong thời gian qua cũng có một số đơn vị, công ty giống lách luật đưa các giống mơi (chưa được cấp phép lưu hành) bán cho dân sản xuất. Trong đó, cũng có đơn vị bán giống kém chất lượng phải bồi thường cho bà con.
Như báo Dân Việt đã thông tin, ngày 5/6/2021, UBND xã Dục Tú đã tiến hành thành lập đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất và phát hiện cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm, địa chỉ ở thôn Dục Tú 2, xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) kinh doanh lô giống khoảng 950kg (trong đó 750kg giống nếp cái hoa vàng với giá bán 40.000 đồng/kg (sản xuất tháng 8/2020, hạn dùng đến tháng 8/2021); 190kg giống lúa TĐ25 (ngày sản xuất 20/5/2021, hạn sử dụng: 31/8/2021).
Qua xác minh, tổ công tác phát hiện nhiều vi phạm trong các mẫu giống lúa thu thập được tại cửa hàng Phạm Quang Thấm. Theo đó, các mẫu vỏ bao các giống lúa ở đây không phù hợp với quy định về nhãn mác đối với giống cây trồng quy định tại điều 10, Nghị định 94/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.
Điều đáng nói, trong số các giống lúa này có một số giống có bao bì mặt trước và mặt sau giống nhau, chỉ khác tem dán bên ngoài. Trong đó, có bao gói giống lúa nếp cái hoa vàng được dán tem "Cấp giống xác nhận". Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng này không cung cấp được các giấy tờ liên quan đến lô giống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.