Hà Nội: Ngang nhiên bán giống lúa "lạ" của Giáo sư chưa được cấp phép cho dân sản xuất nhưng không bị... xử lý

Trần Quang Thứ năm, ngày 01/07/2021 15:00 PM (GMT+7)
Đầu tháng 6/2021, UBND xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) kiểm tra đột xuất và phát hiện một cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn bày bán một số giống lúa "lạ", chưa có trong danh mục do Xí nghiệp Quý Dương, chi nhánh của Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương sản xuất và cung ứng cho người dân sản xuất.
Bình luận 0
Hà Nội: Ngang nhiên bán giống lúa lạ cho dân - Ảnh 1.

Cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm ở thôn Dục Tú 2, xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) mới bị cơ quan chức năng phát biện kinh doanh giống lúa lạ cho người dân. Ảnh: Trần Quang.

Bán giống lúa "lạ" chưa được cấp phép cho dân gieo cấy

Theo thông tin mà PV Dân Việt nắm được, ngày 5/6/2021, UBND xã Dục Tú đã tiến hành thành lập đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất và phát hiện cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm, địa chỉ ở thôn Dục Tú 2, xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) kinh doanh lô giống khoảng 950kg (trong đó 750kg giống nếp cái hoa vàng với giá bán 40.000 đồng/kg (sản xuất tháng 8/2020, hạn dùng đến tháng 8/2021); 190kg giống lúa TĐ25 (ngày sản xuất 20/5/2021, hạn sử dụng: 31/8/2021). 

Qua xác minh, tổ công tác phát hiện nhiều vi phạm trong các mẫu giống lúa thu thập được tại cửa hàng Phạm Quang Thấm. Theo đó, các mẫu vỏ bao các giống lúa ở đây không phù hợp với quy định về nhãn mác đối với giống cây trồng quy định tại điều 10, Nghị định 94/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

Hà Nội: Ngang nhiên bán giống lúa lạ cho dân - Ảnh 2.

Vỏ bao các giống lúa T18, Nếp cái hoa vàng, QD16, 6789 bán tại cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm có mắt trước và mặt sau giống như nhau...

Hà Nội: Ngang nhiên bán giống lúa lạ cho dân - Ảnh 3.

...Trong đó, giống nếp cái hoa vàng có thời gian sinh trưởng 150ngày, là giống dài ngày nhất, nhì trong các loại giống nhưng trên vỏ bảo giống này vẫn ghi giống ngắn ngày. Ảnh: Trần Quang.

Điều đáng nói, trong số các giống lúa này có một số giống có bao bì mặt trước và mặt sau giống nhau, chỉ khác tem dán bên ngoài. Trong đó, có bao gói giống lúa nếp cái hoa vàng được dán tem "Cấp giống xác nhận". Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng này không cung cấp được các giấy tờ liên quan đến lô giống.

Phân trần về vụ việc, ông Phạm Quang Thấm- chủ cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm khẳng định, số giống lúa bị tổ công tác xã Dục Tú phát hiện là giống khảo nghiệm do đơn vị phối hợp với Xí nghiệp giống cây trồng Quý Dương (chi nhánh của Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương) đưa lên Bắc Giang làm chương trình thử nghiệm. Hiện, cửa hàng mới bán một số giống lúa mới như T18...

Là đơn vị trực tiếp ký hợp đồng thực hiện mô hình trình diễn giống lúa vụ mùa 2021 (ngày 15/5/2021) và trực tiếp cung cấp giống lúa cho ông Phạm Quang Thấm, chủ cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm, ông Vũ Thế Thượng - Giám đốc Xí nghiệp giống cây trồng Quý Dương cho biết, đây là các giống mới do GS.Trần Duy Quý (Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương) chọn tạo và mới đưa ra bán cho bà con.

Hà Nội: Ngang nhiên bán giống lúa "lạ" chưa được cấp phép cho dân sản xuất nhưng không bị... xử lý - Ảnh 4.

Hợp đồng thực hiện mô hình trình diễn giống lúa vụ mùa 2021 (ký ngày 15/5/2021) giữa xí nghiệp Quý Dương và ông Phạm Quang Thấm, chủ cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm.

Khi được PV hỏi, vì sao giống lúa này chưa được cấp phép lưu hành đã bán cho dân canh tác?, Giám đốc Xí nghiệp giống cây trồng Quý Dương Vũ Thế Thượng giải thích: "Mình có tạo được ra giống đâu, mình chỉ có ruộng để giúp GS. Trần Duy Quý thử nghiệm giống mới. Nếu việc thử nghiệm thành công thì ông Quý mới đưa đi công nhận và thương mại giống đó được".

"Nhà khoa học họ đã tạo ra giống mới rồi thì người ta phải đưa ra ngoài bán. Đơn vị kinh doanh cũng đã thỏa thuận với dân mua giống là khi sản xuất, nếu bị mất mùa sẽ được bồi thường"- ông Thượng nói tiếp.

Nói về hợp đồng thực hiện mô hình trình diễn giống lúa vụ mùa 2021 (ký ngày 15/5/2021), ông Thượng cho hay: "Đây chỉ là hợp đồng thỏa thuận trình diễn giống trong quy mô hẹp và không có gì ghê gớm đâu".

Khi chúng tôi hỏi thêm về hướng xử lý lô giống vi phạm tại cửa hàng Phạm Quang Thấm, Giám đốc Xí nghiệp giống cây trồng Quý Dương vẫn quả quyết: "Có ít giống để bán cho dân, nếu không bán được thì thu hồi về thôi".

Lập biên bản rồi chỉ để... nhắc nhở

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài việc bán giống lúa "lạ", không có trong danh mục cho nhiều hộ dân ở xã Dục Tú, cửa hàng Phạm Quang Thấm, Xí nghiệp giống cây trồng Quý Dương còn bán cho nhiều hộ dân, cửa hàng ở các địa phương khác như xã Việt Hùng, Liên Hà, Cổ Loa (Đông Anh), Yên Thường (Gia Lâm)...

Hà Nội: Ngang nhiên bán giống lúa lạ cho dân - Ảnh 5.

Dù chưa được cấp phép lưu hành nhưng ngoài vỏ bao giống lúa Nếp cái hoa vàng bán tại cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm vẫn ghi mác "Cập giống xác nhận". Ảnh: Trần Quang.


Sau khi kiểm tra và phát hiện vi phạm của cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm, UBND xã Dục Tú đã làm báo cáo gửi lên Trạm bảo vệ thực vật, Phòng kinh tế huyện Đông Anh để phối hợp xử lý vụ việc. Ông Nguyễn Hồng Tuyển - Trạm trưởng trạm BVTV huyện Đông Anh cho biết, sau khi nhận được báo cáo xã Dục Tú, việc kiểm tra phát hiện đơn vị kinh doanh hai giống lúa chưa được cấp phép lưu hành, trạm đã có văn bản và tư vấn cho UBND xã Dục Tú hướng xử lý vụ việc.

"Trách nhiệm xử lý vụ việc này thuộc thẩm quyền của UBND xã Dục Tú nên phóng viên liên hệ với xã để nắm thông tin thêm", ông Tuyển nói.

Còn ông Đào Xuân Hiền  - Phó Chủ tịch UBND xã Dục Tú quả quyết: "Qua xác minh lại vụ việc cho thấy, việc vi phạm của cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm không đủ căn cứ để xử lý hành chính theo Nghị định 31/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật nên xã đã yêu cầu chủ cửa hàng lên nhắc nhở và làm cam kết không tái phạm.

Cục trưởng Cục Trồng trọt: Đã rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định: "Việc bán giống lúa chưa được cấp phép lưu hành là vi phạm pháp luật. Tôi đề nghị Sở NNPTNT Hà Nội và các cơ quan liên quan cần phải vào cuộc xử lý nghiêm và dứt điểm vụ việc này. Về phía Cục trồng trọt, chúng tôi cũng sẽ có các chỉ đạo và biện pháp xử lý".

Ông Cường cho biết, trong thời gian qua, Cục Trồng trọt đã có các văn bản gửi cho các doanh nghiệp, các Sở NNPTNT các tỉnh trong việc nghiêm cấm buôn bán các loại giống cây trồng khi chưa được cấp quyết định lưu hành hoặc chưa được vào danh mục giống được sản xuất, kinh doanh.

Vi phạm trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng bị xử lý ra sao?

Điều 16. Vi phạm quy định về kinh doanh giống cây trồng (Nghị định 31/2016/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật)

1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng khi kinh doanh lô giống cây trồng có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh giống cây trồng hết hạn sử dụng;

b) Kinh doanh giống cây trồng không có tên trong Danh Mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc giống chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng nông, lâm nghiệp mới.

2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này theo mức phạt sau đây:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến dưới 14.000.000 đồng khi kinh doanh lô giống cây trồng có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng khi kinh doanh lô giống cây trồng có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng khi kinh doanh lô giống cây trồng có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng khi kinh doanh lô giống cây trồng có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi kinh doanh lô giống cây trồng có giá trị trên 70.000.000 đồng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc chuyển đổi Mục đích sử dụng hoặc buộc tiêu hủy giống cây trồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.







Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem