Vụ học sinh lớp 1, 2 cũng phải viết bài luận dự thi đại sứ văn hóa đọc: Giáo viên khẳng định "phi thực tế"

Tào Nga Thứ tư, ngày 22/05/2024 07:00 AM (GMT+7)
Giáo viên cho rằng, học sinh lớp 1, 2 viết bài luận dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 là quá sức, phi thực tế bởi câu hỏi này còn khó với các em THCS, THPT.
Bình luận 0

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 gây bức xúc

Mới đây, ngay sau khi phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024, nhiều phụ huynh có con đang học tiểu học ở tỉnh Quảng Bình đã bày tỏ sự bức xúc, bất bình. Theo đó, Thể lệ vòng sơ khảo Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Quảng Bình được công bố vào đầu tháng 5 và vừa qua đã được triển khai tới các trường học. 

Thể lệ cuộc thi yêu cầu học sinh tiểu học và THCS sẽ lựa chọn 1 trong 2 đề thi, mỗi đề 2 câu. Ở đề thứ 1, có 2 câu hỏi, gồm: "Trong các tác phẩm đã đọc, nhân vật nào đã truyền cảm hứng, hướng em tới lối sống tích cực, có trách nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến và phát triển đất nước?" và "Em hãy xây dựng kế hoạch hành động nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt với các bạn là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật".

Vụ học sinh lớp 1, 2 cũng phải viết bài luận dự thi đại sứ văn hóa đọc: Giáo viên khẳng định "phi thực tế"- Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh bức xúc vì con học lớp 1, 2 phải thi viết bài luận. Ảnh minh họa: Tào Nga

Ở đề số 2 cũng có 2 câu, nhưng chỉ khác đề số 1 ở câu đầu tiên: "Viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc một cuốn sách mà em đã đọc nhằm lan tỏa tình yêu đọc sách, thông qua đó khơi dậy trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu với Tổ quốc".

Về hình thức thi, học sinh được yêu cầu viết bằng tay hoặc đánh máy không quá 5.000 từ, tức dưới 15 trang đánh máy. Nếu dự thi bằng video, clip cần dài tối thiểu 5 phút, tối đa 10 phút. Thể lệ còn yêu cầu bài dự thi phải do cá nhân thí sinh thực hiện.

Phụ huynh cho biết, lứa tuổi lớp 1, lớp 2 đọc viết còn chưa thành câu thì làm sao có thể tham gia một cuộc thi ở tầm "vĩ mô" với yêu cầu viết bài luận bàn về văn hóa đọc. 

Được biết, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch tổ chức. Cuộc thi bắt đầu triển khai từ năm 2018 đến năm 2022 thì tạm dừng lại để tổng kết, đánh giá về hiệu quả của cuộc thi. Năm 2024, Bộ có văn bản phát động hưởng ứng và hướng dẫn gửi đến các tỉnh thành trên cả nước để triển khai.

Tại Hà Nội, ngày 19/4, tại Thư viện Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024 với chủ đề "Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Ngay sau đó, cuộc thi đã được triển khai đến các nhà trường trên địa bàn và yêu cầu 100% học sinh các lớp tham gia.

Vụ học sinh lớp 1, 2 cũng phải viết bài luận dự thi đại sứ văn hóa đọc: Giáo viên khẳng định "phi thực tế"- Ảnh 2.

Cuộc thi yêu cầu các khối, lớp triển khai tới 100% học sinh tham gia thi. Ảnh: CMH

Cuộc thi không phù hợp với học sinh tiểu học?

Trao đổi với PV báo Dân Việt về cuộc thi này, cô Nguyễn Thanh Xuân, một giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho biết: "Trường tôi cũng đã phát động cuộc thi này tới các lớp. Tôi thấy cuộc thi khích lệ các em tham gia, giúp các em yêu thích, say mê đọc sách và sau khi đọc phải cảm nhận được mục tiêu, ý nghĩa mà cuốn sách đó truyền tải. Em nào giỏi, có khả năng hơn sẽ tự sáng tác các tác phẩm văn, thơ... Đó là một cách giúp các con học văn và cảm nhận văn tốt hơn vì hiện nay thói quen đọc sách của các bạn nhỏ bị lãng quên".

Tuy nhiên, nói về đối tượng dự thi, cô Xuân khẳng định: "Ngay trong trường tiểu học đã có sự phân biệt trình độ giữa các khối lớp rồi. Tôi cho rằng, cuộc thi này phù hợp với các em từ lớp 3 trở lên mặc dù nhiều bài viết của các em từ lớp 3 nộp khá tốt nhưng không phải 100% nội dung các em nghĩ ra mà có tham khảo tài liệu".

Thầy Hà Văn Vụ, giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TP.HCM cho hay: "Ngay cả với học sinh cấp 3 cũng khó khăn với câu hỏi này chứ chưa nói đến các em học tiểu học. Tôi nghĩ, cuộc thi là phi thực tế với các em học lớp 1, 2".

Nói về cuộc thi trên, chuyên gia giáo dục độc lập Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm: "Về câu hỏi của cuộc thi yêu cầu viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc một cuốn sách, về hình thức thi yêu cầu viết bài luận bằng tay hoặc đánh máy... tôi cho rằng chưa thể hiện được mục đích của văn hóa đọc và sự tích lũy kiến thức. 

Kiểm tra văn hóa đọc của các em có thể sử dụng cuộc thi trắc nghiệm, "rung chuông vàng"... sẽ khuyến khích các em đọc nhiều tác phẩm hơn. Thậm chí các em còn biết được những nhân vật, câu chuyện không phổ biến lắm để kiểm tra hoặc trình bày cảm nghĩ tác phẩm mình thích nhất. Cuộc thi tổ chức ở lớp, trường rồi sau đó ở cấp cao hơn qua đó sẽ biết được các em đọc sách hay không, ghi nhớ được gì trong tác phẩm. Có nhiều hình thức thi khác nhau, thú vị hơn chứ không nhất thiết phải viết bài luận, trình bày bằng clip. Đây là cuộc thi thể hiện chứ không phải là cuộc thi đọc. Nếu các em làm được thì cũng cần có hướng dẫn của người lớn. 

Bên cạnh đó, cuộc thi đại sứ này phổ đối tượng quá rộng. Học sinh lớp 1 với học sinh lớp 9, từ bạn chưa biết đọc đến bạn "đọc 1 chữ đoán cả trang" là không hợp lý, không công bằng. Việc dựng clip thì các em THCS cũng có nhiều ưu thế hơn. Dĩ nhiên, chấm điểm theo từng đối tượng sẽ có cách riêng nhưng như thế sẽ mang tính hình thức, không sát đối tượng. Ngay trong trường tiểu học cũng phải phân chia đối tượng lớp 1-3 và lớp 3-4. 

Văn hóa đọc của 2 nhóm học sinh này cũng khác nhau. Các em học tiểu học đọc truyện tranh nhiều hơn chữ, các câu chuyện ngắn gọn và nội dung đơn giản mang tính vui nhộn, thần thoại, cổ tích... Học sinh cấp 2 thì sâu sắc hơn, mang tính nghệ thuật hơn. Bài thi cũng phải khác nhau chứ không thể chung một đề.

Ngoài ra, ở câu 2 "Em hãy xây dựng kế hoạch hành động nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt với các bạn là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật" cũng quá vĩ mô. Các em tiểu học chưa lo được cho bản thân thì làm sao lo được cho cộng đồng. Có thể có em tham gia các chương trình thiện nguyện cùng bố mẹ, nhưng đối tượng không phổ biến. Dù có đi chăng nữa cũng chưa nghĩ đến văn hóa đọc".

Chuyên gia Vũ Thu Hương cho biết: "Mục đích của cuộc thi là phù hợp, ý nghĩa nhưng quá trình triển khai thực hiện hơi cứng nhắc, hình thức, mang tính thành tích".

Trả lời câu hỏi của Dân Việt về việc trong văn bản hướng dẫn có ghi rõ học sinh lớp 1 và lớp 2 cấp tiểu học không nhất thiết phải tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2024 không, bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: "Các câu hỏi mang tính kế thừa của cuộc thi các năm trước nên phù hợp với các đối tượng. Chỉ có điều, năm nay, thể lệ cuộc thi ghi rõ đối tượng là "Nhóm học sinh tiểu học và trung học cơ sở" nên mới gây nên sự hiểu lầm.

Tôi khẳng định lại, đây là cuộc thi mang tính phát động chứ không bắt buộc. Nếu nói là bắt buộc các em học sinh phải tham gia là không đúng đâu. Chúng tôi cũng sẽ trao đổi với phía tỉnh Quảng Bình để giải thích với nhà trường, thầy cô, phụ huynh và các em học sinh một cách rõ ràng hơn. Cuộc thi phát động, vận động hưởng ứng chứ không bắt buộc ai cả nên nếu có sự hiểu lầm là phải giải thích để cho mọi người cùng thông tỏ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem