Vụ bò sữa chết bất thường hàng loạt, Cục Thú y yêu cầu dừng tiêm vắc xin viêm da nổi cục ở Lâm Đồng

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 08/08/2024 10:21 AM (GMT+7)
Ngay sau khi hàng loạt bò sữa ở huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) tự dưng chết bất thường với những triệu chứng tiêu chảy ra máu, tụt sữa, bỏ ăn, ngày 7/8, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đã lên tiếng về vụ việc này.
Bình luận 0

Theo đó, tại huyện Đơn Dương, từ ngày 26/7/2024, bệnh tiêu chảy xuất hiện trên đàn bò sữa tại 03 xã (Ka Đô, Quảng Lập, thị trấn Thạnh Mỹ). Tính đến ngày 04/8/2024, đã có 2.240 con bò của 100 hộ dân tại 4 xã, thị trấn (Ka Đô, Quảng Lập, Tu Tra và thị trấn Thạnh Mỹ) mắc bệnh; trong đó có 27 con bò bị chết tại 18 hộ của 3 xã (Ka Đô, Quảng Lập và Tu Tra). 

Tại huyện Đức Trọng: Từ 01/8/2024, bệnh tiêu chảy xuất hiện trên đàn bò sữa tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh và đã có 1.430 con bò của 63 hộ dân tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh mắc bệnh; trong đó có 18 con bò bị chết tại 14 hộ.

Tính đến ngày 6/8/2024, tổng cộng có 3.670 con bê, bò sữa của 163 hộ thuộc 5 xã của 2 huyện (Đơn Dương và Đức Trọng) bị bệnh tiêu chảy; trong đó có 45 con bị chết tại 32 hộ của 4 xã (Ka Đô, Quảng Lập và Tu Tra, huyện Đơn Dương; xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng).

Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, qua kiểm tra lâm sàng ghi nhận bò mắc bệnh tiêu chảy có thể do thời tiết mưa nhiều trong suốt mấy tuần, môi trường ẩm ướt, kết hợp sức đề kháng của bò giảm sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục (VDNC) (vắc xin NAVET-LPVAC của Công ty Navetco)… tạo điều kiện vi sinh vật cơ hội tấn công gây rối loạn đường tiêu hóa. Trong thời gian tới, bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa có thể tiếp tục phát sinh và lây lan trên địa bàn huyện Đơn Dương, Đức Trọng và các địa phương khác.

Cục Thú y cho biết, ngay trong ngày nhận được báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, Cục Thú y đã thực hiện thành lập đoàn công tác hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, điều tra xác định nguyên nhân, bao gồm: Kiểm tra tình hình bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các địa điểm có nguy cơ cao; hỗ trợ điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh và hướng dẫn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh; kiểm tra việc sử dụng vắc xin phòng bệnh VDNC NAVET-LPVAC đang được sử dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đôn đốc và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm khác trên gia súc, gia cầm; tìm hiểu những khó khăn, tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện và đề xuất cụ thể các giải pháp khắc phục của địa phương; phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương giải quyết những vấn đề phát sinh và khó khăn, tồn tại.

Vụ bò sữa ở Lâm Đồng tự dưng chết bất thường hàng loạt, Cục Thú y lên tiếng - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Ánh Hồng (sinh năm 1970, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) cho biết, đàn bò của gia đình bà có 28 con. Vừa qua được địa phương hỗ trợ tiêm vắc xin 26 con, 2 con bê nhỏ không tiêm. Hiện, 26 con bò lớn xuất hiện tình trạng tụt sữa sau 3-4 ngày tiêm vắc xin. Sau 3-4 ngày tiếp theo thì bò xuất hiện tình trạng bỏ ăn, tiêu chảy ra máu. Ảnh: Văn Long

Cục Thú y cũng yêu cầu dừng sử dụng vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục trên phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng để tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân đàn bò sữa bị tiêu chảy.

Thu giữ toàn bộ vỏ lọ vắc xin Viêm da nổi cục đã dùng hết, các lọ vắc xin chưa dùng hết và các lọ vắc xin chưa sử dụng, bảo quản cẩn thận để lấy mẫu phân tích, xét nghiệm. 

Thu thập thông tin trên đàn bò sữa bị tiêu chảy tại các hộ chăn nuôi bò sữa có sử dụng vắc xin VDNC (thời gian tiêm phòng; tổng đàn/hộ; số lượng bò được tiêm phòng vắc xin VDNC; số con bị tiêu chảy; số con bị chết;…) và các hộ chăn nuôi có bò sữa bị tiêu chảy, chết nhưng không tiêm phòng vắc xin VDNC trên cùng địa bàn (tổng đàn/hộ; số con bị tiêu chảy; số con bị chết...

Tổ chức mổ khám, kiểm tra bệnh tích, lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường để xét nghiệm, phân tích xác định nguyên nhân; Phân công lực lượng thú y đến từng hộ có gia súc bị tiêu chảy để hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; sử dụng thuốc để tăng cường sức đề kháng, chống mất nước và chống tiêu chảy cho đàn bò sữa; Tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng dịch, phun thuốc sát trùng, sử dụng vôi bột để sát trùng, vệ sinh, tiêu độc tại các cơ sở, hộ chăn nuôi và khu vực xung quanh có gia súc bị bệnh, chết, buộc tiêu hủy.

Đối với Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco, Cục Thú y đã đề nghị công ty cử ngay lãnh đạo công ty và các cán bộ kỹ thuật có chuyên môn giỏi, kinh nghiệm tốt đến ngay các địa bàn cùng phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; điều tra xác định nguyên nhân; cung cấp đầy đủ các thông tin cho các cơ quan chuyên môn và đoàn công tác của Cục Thú y; phối hợp với địa phương để triển khai các biện pháp khắc phục nếu có liên quan đến vắc xin do đơn vị sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem