Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng với một khu công nghiệp lớn như Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cần phải sử dụng hệ thống công nghệ không thải nước ra môi trường, đây cũng là giải pháp tiết kiệm bền vững. Quan điểm của ông thế nào?
- Đúng là hiện nay đã có nhiều nước trên thế giới sử dụng giải pháp công nghệ này, thậm chí ở Việt Nam đã có nhiều nhà máy cũng áp dụng. Khi sử dụng công nghệ này, các nhà máy sẽ không thải nước ra ngoài, toàn bộ 100% lượng nước thải công nghiệp và sinh hoạt được đưa trở lại sản xuất sau khi xử lý. Tuy chi phí lắp đặt ban đầu tốn kém, nhưng xét về lâu dài, đây là giải pháp tiết kiệm tối ưu, tiết kiệm tài nguyên nước và chi phí. Đây là công nghệ được nhiều doanh nghiệp lớn áp dụng.
TS Trần Đình Lân - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển.
Nói về mặt công nghệ thì tùy từng nhà máy, có nhà máy sử dụng công nghệ này, có nhà máy sử dụng công nghệ kia, tuy nhiên điều quan trọng là quy trình xả thải đáp ứng đúng quy định, nước thải đảm bảo tiêu chuẩn cho phép. Trước khi xây dựng và vận hành nhà máy, có một công đoạn rất quan trọng đó là báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nếu ĐTM được các cấp thẩm quyền duyệt thì nhà máy mới được phép hoạt động. Và khi được duyệt thì nhà máy dùng công nghệ nào cũng được, miễn là tuân thủ quy trình xả thải.
Tất nhiên, trong bối cảnh nguồn nước ngày càng khan hiếm, các giải pháp công nghệ mới ra đời rất tiên tiến, hiện đại, các nhà máy lớn, các khu công nghiệp lớn nên áp dụng công nghệ không thải nước ra môi trường.
Hiện nay không ít nhà máy dù ĐTM đã được duyệt và có những cam kết mạnh mẽ trong việc gìn giữ môi trường, nhưng trong quá trình hoạt động vẫn bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt vì xả thải không đúng quy trình, gây ô nhiễm môi trường. Vậy vấn đề ở đây là gì, thưa ông?
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 10 bộ, ngành vào cuộc làm rõ vụ cá chết tại các tỉnh miền Trung, có nhiều hướng triển khai điều tra, tuy nhiên hiện nay các bộ, ngành đang tập trung vào hướng điều tra các nhà máy xả thải”
TS Trần Đình Lân
|
- Phải nói vẫn có những nhà máy bị cảnh sát môi trường phát hiện và xử phạt vì xả thải không đúng quy trình gây ô nhiễm môi trường, thậm chí gây ra hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù ban đầu họ đưa ra những cam kết rất tuyệt vời, nếu ĐTM không được duyệt thì làm sao nhà máy hoạt động được?
Điều quan trọng là trong quá trình hoạt động các nhà máy có tuân thủ đúng quy trình xả thải không? Vẫn có những trường hợp xả thẳng chất thải ra môi trường mà không qua một khâu xử lý nào.
Điều đó chứng tỏ vai trò của lực lượng chắc năng giám sát kiểm tra quá trình hoạt động của nhà máy là rất quan trọng. Tuy nhiên trong thời gian qua vẫn có nhiều nhà máy bị phanh phui vì xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm. Phải chăng năng lực kiểm tra giám sát đang có vấn đề, thưa ông?
- Trong thời gian qua lực lượng cảnh sát môi trường đã làm rất tốt, tuy nhiên hiện nay chưa thể kiểm soát hết được, đây là vấn đề rất khó. Nhà nước cần có quy định chặt chẽ hơn, hệ thống quan trắc cần được nâng cấp, tần suất quan trắc tăng lên, ngoài các đợt quan trắc định kỳ cần tăng cường quan trắc đột xuất. Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu doanh nghiệp xả thải trực tiếp không qua xử lý với khối lượng lớn thì tác hại của nó sẽ nhìn thấy rõ luôn.
Viện Tài nguyên và Môi trường biển được phân công làm công đoạn gì trong quá trình điều tra làm rõ nguyên nhân cá biển chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, thưa ông?
- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Viện Tài nguyên và Môi trường biển tham gia vào đội đặc biệt của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xác định các hướng khác nhau tìm ra nguyên nhân cá biển chết trong thời gian qua. Chúng tôi đã tham dự các cuộc họp do 2 bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân cá chết.
Vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm và cần có nhiều hướng khác nhau. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang quan tâm đến chất lượng môi trường, thế nhưng theo các thông số chúng tôi được thông báo, chất lượng môi trường bình thường, thật lạ lùng. Hiện nay bên Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm được Chính phủ yêu cầu tiếp tục làm rõ nguyên nhân và chúng tôi đang triển khai.
Cụ thể hướng triển khai của các cơ quan chức năng là gì?
- Một số hướng đã được đưa ra để tìm hiểu sâu, có thể do chất lượng môi trường, hay do hoạt động của vỏ trái đất kích nhiệt, cũng có thể do các nhà máy xả thải, do tảo độc… Tuy nhiên hướng điều tra các nhà máy xả thải đang được nhiều bộ, ngành tập trung điều tra làm rõ. Tất cả các hướng vẫn đang được triển khai, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả.
Vậy việc kiểm tra các nhà máy khu công nghiệp Formosa đã có những kết quả ban đầu chưa, thưa ông?
- Chúng tôi cũng dự nhiều cuộc họp nhưng không được thông báo chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên hướng triển khai lấy các mẫu vật sinh vật biển thì bên viện chúng tôi đang làm, các chuyên gia của viện đã phân loại các loại cá, các loại tảo biển độc hại, vì đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể khiến cho cá biển chết.
Trong trường hợp nếu các nhà máy ở khu công nghiệp Formosa xả thải ra biển mà không qua các công đoạn xử lý, liệu có thể khiến cho cá biển chết ở phạm vi rộng khắp các tỉnh miền Trung như đang xảy ra hiện nay không?
- Nếu xả thải quy mô lớn thì dĩ nhiên là có thể xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi không nắm được các nhà máy trong khu công nghiệp Formosa xả thải những chất gì, khối lượng như thế nào, thời điểm xả thải có liên quan đến hệ thống dòng chảy của biển để phát tán đi không… Hiện nay nhóm làm về điều kiện môi trường để lan truyền các chất độc đều đang vào cuộc phân tích.
Nói tóm lại, Viện Hàn lâm đã điều động tất cả những chuyên gia đầu ngành liên quan đến vụ việc này vào cuộc để xác định các chứng cứ tìm ra nguyên nhân. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để làm sáng tỏ mọi việc.
Xin cảm ơn ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.