Trưa ngày 4.5, cá vẫn chết dạt hai bên bờ sông Bưởi.
Theo báo cáo của UBND xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa): Sáng 4.5 vừa qua, người dân ở các thôn Biện, thôn Đồi, thôn Nghéo phát hiện cá nhỏ chết và cá lớn nổi hàng loạt trên sông Bưởi (đoạn chảy qua xã Thạch Lâm). Nước sông Bưởi chuyển màu xanh đục, có mùi hôi và nổi nhiều bọt. Người dân đã rủ nhau đi vớt cá chết về ăn và làm thức ăn cho vật nuôi. Do đó, UBND xã Thạch Lâm đã có khuyến cáo người dân không sử dụng cá chết để ăn và không dùng nước sông để sinh hoạt.
Theo ghi nhận của PV, trưa 5.5, nước sông Bưởi (đoạn chảy qua xã Thạch Lâm) đã trong xanh trở lại. Tuy nhiên, vẫn có cá chết dạt hai bờ sông, nhiều người dân tiếp tục đi vớt cá và bắt ốc ở dưới lòng sông.
Ông Quách Văn Khuyên (46 tuổi, trú tại xóm Trẹ, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Hiện tượng cá chết đã xảy ra 3 năm nay, những năm có đợt nước sông có màu đen, cá chết vớt lên có mùi sắn dân không dám ăn. Trâu, bò chăn thả cũng không dám cho uống nước sông. Năm nay, cá lại chết nhưng dân vẫn vớt ăn bình thường, vì nước sông không hôi như năm trước. Dân chúng tôi nghi ngờ nhà máy mía (xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn) xả thải gây ra hiện tượng này”.
Ông Lưu Trọng Quang - Phó Giám đốc phụ trách Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa - cho biết: Sau khi nhận được thông tin cá chết ở sông Bưởi (đoạn qua xã Thạch Lâm), Sở TNMT Thanh Hóa đã phối hợp với Sở TNMT tỉnh Hòa Bình để làm rõ nguyên nhân gây tình trạng ô nhiễm môi trường.
“Trước mắt, 2 đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra một số nhà máy đóng trên địa bàn xã Ân Nghĩa, huyện Yên Lạc (Hòa Bình). Tuy nhiên, do vị trí của các nhà máy nêu trên nằm cách xa trung tâm, nên khi 2 đơn vị đến nơi kiểm tra, thì các nhà máy đã ngừng xả thải. Do đó, chúng tôi đang tiếp tục điều tra vấn đề này. Nếu phát hiện được các nhà máy sản xuất mía đường, chế biến sắn…có hành vi xả thải ra sông Bưởi, thì chúng tôi kiên quyết sẽ xử lý nghiêm", ông Quang cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.