Vụ cán bộ địa chính làm giả giấy phép xây dựng, chiếm đoạt 85 triệu đồng của người dân dưới góc nhìn pháp lý
Vụ cán bộ địa chính làm giả giấy phép xây dựng, chiếm đoạt 85 triệu đồng của người dân dưới góc nhìn pháp lý
T. Nam - K. Trinh
Thứ hai, ngày 30/09/2024 13:55 PM (GMT+7)
Theo luật sư, trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra xác định là có căn cứ, đối tượng gây ra vụ việc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác được quy định tại Điều 359 Bộ luật hình sự 2015.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Nguyễn Ngọc Thành là cán bộ địa chính - xây dựng thuộc UBND phường Phú Sơn. Trong quá trình làm việc, Thành được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ xin xác nhận của công dân trên địa bàn phường để làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở.
Lợi dụng nhu cầu của một số người dân cần làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở nhưng không thành thạo các thủ tục hành chính, không có thời gian đi làm hồ sơ nên Thành đã nhận làm hộ.
Quá trình làm hồ sơ, các loại thuế, lệ phí Thành sẽ thông báo để người dân đóng theo quy định, ngoài ra người dân sẽ phải hỗ trợ tiền xăng xe cho Thành đi lại làm thủ tục với mức giá từ 2-3 triệu đồng/bộ.
Tuy nhiên, sau khi nhận hồ sơ và tiền thuế, lệ phí từ công dân, Nguyễn Ngọc Thành không liên hệ với đơn vị có thẩm quyền để làm thủ tục cấp phép theo quy định mà tự mình tải các giấy phép xây dựng do UBND TP.Thanh Hóa cấp trên Cổng thông tin điện tử, sau đó cắt ghép thay đổi thông tin trong giấy phép thật, in màu và đưa cho công dân sử dụng.
Với cách thức như trên, Thành đã làm và cấp 4 giấy phép xây dựng giả, qua đó đã thu của người dân với tổng số tiền 85 triệu đồng.
Căn cứ xử lý tội "Giả mạo trong công tác"
Luật sư Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho hay, giả mạo trong công tác là hành vi của một người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
Trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra xác định là có căn cứ, đối tượng gây ra vụ việc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác được quy định tại Điều 359 Bộ luật hình sự 2015, với mức phạt tù thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất là 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Luật sư Huy cho biết thêm, tội giả mạo trong công tác có thể gây hậu quả nặng nề cho xã hội. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín và công bằng của hệ thống pháp luật mà còn tạo ra những hậu quả xã hội như mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội...
Vì vậy, cơ quan chức năng cần có các biện pháp mạnh mẽ để đấu tranh, ngăn chặn, đồng thời, thực hiện thống nhất, đồng bộ từ phía cơ quan chính quyền với quần chúng nhân dân người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.