Vụ làm giả giấy tờ để mua bán hàng trăm ô tô, chiếm đoạt hơn 50 tỉ đồng dưới góc nhìn pháp lý

T. Nam - K. Trinh Thứ sáu, ngày 23/08/2024 18:58 PM (GMT+7)
Theo luật sư, hành vi phạm tội của các đối tượng là nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức được pháp luật bảo vệ mà còn gây mất trật tự trị an xã hội, gây bất bình cho người dân...
Bình luận 0

Ngày 22/8, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa triệt phá nhóm làm giả giấy tờ để mua bán ô tô; tạm giữ hình sự 4 nghi phạm để điều tra về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".

Hiện nay, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đang tạm giữ hình sự Nguyễn Tuấn Anh (26 tuổi, trú xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân) để điều tra về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Phía cơ quan chức năng cũng tạm giữ hình sự đối với Bùi Văn Toàn (30 tuổi, trú xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), Đinh Hữu Ngọc (26 tuổi, trú tại xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Thế Thành (42 tuổi, trú tại phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện có một nhóm nghi phạm thường xuyên mua bán ô tô cũ không rõ nguồn gốc, xe đang thế chấp trong ngân hàng có dấu hiệu của hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức để mua bán xe.

Cuối tháng 12/2023, các trinh sát phát hiện Nguyễn Tuấn Anh, ở xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đem ô tô hiệu VinFast LuxA màu trắng, biển kiểm soát 36A-790xx bán cho Bùi Văn Toàn ở xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình với giá 130 triệu đồng. Đây là chiếc xe Nguyễn Tuấn Anh đã thuê của một công ty cho thuê xe tự lái ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa.

Do đây là xe đang thế chấp trong ngân hàng, giấy đăng ký xe chỉ là giấy photo nên khi bán chiếc xe này cho một người khác, Bùi Văn Toàn đã lên mạng xã hội móc nối với người làm giả giấy tờ để làm giả giấy biên nhận thế chấp ngân hàng sử dụng cho việc bán chiếc xe nêu trên.

Sau khi bắt giữ Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Văn Toàn, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, phát hiện đường dây chuyên làm giả giấy tờ để mua bán ô tô không rõ nguồn gốc, ô tô đang thế chấp ngân hàng do Đinh Hữu Ngọc và Nguyễn Thế Thành cầm đầu. Khám xét nơi ở của 4 nghi phạm nêu trên, công an thu giữ nhiều máy móc, thiết bị, con dấu, hồ sơ để làm giả các giấy tờ ô tô, giấy biên nhận thế chấp ngân hàng.

Vụ làm giả giấy tờ để mua bán hàng trăm ô tô, chiếm đoạt hơn 50 tỉ đồng dưới góc nhìn pháp lý- Ảnh 1.

Nhiều con dấu giả bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ. Ảnh Công an Thanh Hóa

Thủ đoạn của nhóm nghi phạm này là thành lập "Hội mua bán xe ngân" trên mạng xã hội để thực hiện giao dịch, mua bán các loại ô tô đã thế chấp giấy tờ, đăng ký xe tại ngân hàng. Các loại ô tô này không có giấy tờ gốc nên chỉ bán với giá khoảng 1/3 so với giá thị trường. Các nghi phạm nêu trên đã làm giả giấy biên nhận thế chấp ngân hàng để sử dụng đi kiểm định ô tô và dùng cho việc mua bán xe.

Cuối tháng 12/2023 đến nay, nhóm nghi phạm đã làm giấy tờ giả để mua bán hàng trăm ô tô, có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ở nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, Bình Định, Nghệ An, Hưng Yên, TP Hà Nội, Thanh Hóa trị giá hơn 50 tỉ đồng.

Theo luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc công ty Luật TNHH Tín Hải, hành vi phạm tội của các đối tượng là nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức được pháp luật bảo vệ mà còn gây mất trật tự trị an xã hội, gây bất bình cho người dân, nên cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tùy vào tình tiết, tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án mà các đối tượng nhận mức hình phạt tương xứng. Dưới góc độ pháp lý thì hành vi của các đối tượng đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Các đối tượng vì lợi ích cá nhân của mình đã lợi dụng sự tín nhiệm của người khác đã làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức để chiếm đoạt tài sản, gây mất trật tự trị an tại địa phương, gây ảnh hưởng tới quyền sở hữu tài sản của người khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan Nhà nước.

Căn cứ vào hành vi của các đối tượng cũng như kết quả điều tra hiện tại của phía cơ quan chức năng, các đối tượng phạm vào tội Lạm dụng tín chiếm đoạt tài sản và Làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Đối với hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thông qua hình thức hợp đồng mua, bán tài sản, các đối tượng dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó. Phía cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành xác minh, điều tra số tiền các đối tượng chiếm đoạt để đưa ra khung hình phạt tương xứng. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm và sẽ bị xử lý theo Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định cụ thể như sau:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tái phạm nguy hiểm.

Vụ làm giả giấy tờ để mua bán hàng trăm ô tô, chiếm đoạt hơn 50 tỉ đồng dưới góc nhìn pháp lý- Ảnh 2.

4 đối tượng trong đường dây làm giả giấy tờ để mua bán xe không rõ nguồn gốc bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ cùng tang vật. Ảnh: Công an Thanh Hóa

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cũng theo luật sưu Huy, hành vi cung cấp các thông tin để làm giả các tài liệu trên đây của các đối tượng đã đủ yếu tố cấu thành tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với khung hình phạt cao nhất là 07 năm tù được quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

Theo đó, phạm tội thuộc khoản 1 Điều 341 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm; phạm tội thuộc khoản 2 Điều này thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm; phạm tội thuộc khoản 3 Điều này thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, các đối tượng có thể bị áp dụng các tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự trên cơ sở đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội theo các điểm a, b, g, khoản 1, điều 52, Bộ luật Hình sự năm 2015, bao gồm: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Phạm tội 02 lần trở lên. Nếu các tình tiết này là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Huy, tình trạng làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức để chiếm đoạt tài sản đang ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đời sống của người dân. Việc làm giả con dấu, tài liệu ngày càng tinh vi, bằng mắt thường rất khó để phát hiện ra.

Thực tế này đòi hỏi các đơn vị, địa phương cần tăng cường phối hợp trong tuyên truyền tới người dân để nâng cao ý thức cảnh giác, không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ, bằng cấp giả; kiểm tra kỹ các giấy tờ có liên quan trước khi thực hiện giao dịch, làm thủ tục mua bán theo đúng quy định của pháp luật để đấu tranh ngăn chặn hiệu quả tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem