Theo ghi nhận của
NTNN - Dân Việt, ngày 21.3, một số công nhân đã mang bảng sửa chữa thường niên đặt trên lối đi cầu Rồng, rồi dường như rất vội dùng máy mài, mài bay các dấu vết từ việc phải cắm bơm xilanh vào cầu Rồng để lại. Một số công nhân khác thì nhanh chóng dùng bình xịt, xịt bột trắng xóa đè lên các vết mài xấu xí trên cầu.
Người dân Đà Nẵng lo ngại khi cầu Rồng “bị thương“ chi chít như hiện nay.
Theo chuyên gia cầu đường Lê Viên Mãn, nguy hiểm nhất và lo ngại nhất là việc xử lý thấm nước. Ở đây là thấm nước hay nước rò rỉ ra từ bên trong cốt thép của cầu cần cơ quan chức năng kiểm tra thật kỹ. Nếu không xử lý triệt để, theo thời gian, lượng nước rỉ này sẽ ăn mòn kết cấu thép bên trong bê tông.
|
Bác Nguyễn Tuấn (68 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) chăm chú theo
dõi các công nhân làm việc trên cầu Rồng, nói: “Cầu Rồng được người dân
Đà Nẵng dành tình cảm đặc biệt. Nhưng đến nay, khi chưa tròn 1 năm đưa
vào sử dụng, cây cầu này không an toàn như chúng tôi chờ đợi. Người dân
lo ngại khi thấy liên tục xuất hiện các vết nứt trên cầu. Trước đó vào
tháng 10.2013 là
nứt mố cầu, đến mấy hôm nay thì các vết nứt cùng
hàng trăm bơm xilanh
gớm ghiếc xuất hiện như nấm. Đề nghị chính quyền thành phố thành lập cơ
quan độc lập kiểm tra chất lượng cây cầu này, chứ tôi thấy công nhân
nhanh tay “mài mài, xịt xịt” như muốn che giấu điều gì”.
Ngày
21.3, làm việc với PV
NTNN - Dân Việt, ông Bùi Thanh Thuận - Chánh Văn
phòng Sở GTVT thành phố Đà Nẵng cho biết, những vết nứt trên là do co
ngót, từ biến trong quá trình khai thác. Hiện cầu Rồng vẫn trong thời
hạn bảo hành nên liên doanh nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng công trình
giao thông 1 (Cienco 1) chịu tất cả chi phí bảo hành sửa chữa.
Ông
Thuận cũng cho biết, trước khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng,
Sở GTVT Đà Nẵng đã mời Công ty TNHH GTVT (Trường Đại học GTVT Hà Nội) tổ
chức kiểm định độc lập, đánh giá an toàn chịu lực công trình. Đối với
các vết nứt đều thuộc phạm vi của kết cấu bê tông cốt thép thường, nằm
trong giới hạn cho phép.
Hiện theo báo cáo quản lý cầu và kết quả thực tế giữa Ban quản lý dự án, đơn vị quản lý cầu và Nhà thầu thi công thì các vết nứt nhỏ trung bình từ 0,1-0,2mm. Nhà thầu đang xử lý bằng biện pháp bơm keo Epoxy Sikadur 752 cường độ cao, độ nhớt thấp (bằng xi lanh). Ở các vị trí đọng nước, thấm nước ở trụ chân vòm nhà thầu xử lý bằng vật liệu Polydek tiến hành sơn phủ tạo màng co giãn quanh chân vòng thép...
Ông Thuận khẳng định với PV
NTNN - Dân Việt, sau khi sửa chữa xong, cây cầu sẽ không còn vết nứt nữa, đồng thời chất lượng và độ an toàn cây cầu vẫn đảm bảo.
Trong khi đó, theo chuyên gia cầu đường Lê Viên Mãn - Chủ tịch Viện Khoa học công nghệ và Phát triển Á Châu, khi bê tông xuất hiện vết nứt thì có 2 vấn đề xảy ra. Một là làm giảm giá trị thẩm mỹ công trình và cảnh báo về khả năng làm việc của kết cấu có vấn đề. Hai là nếu chúng ta không quan tâm xử lý thì kết cấu cầu bị phá hoại, là cửa ngõ để kết cấu bị thấm nước, xâm thực và dẫn đến hư hại đối với kết cấu bên trong về mặt lâu dài.
“Các vết nứt khi mới 1 năm thì không sao, nhưng về lâu dài vẫn còn tồn tại thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của cầu. Đặc biệt, hiện nay có thể vết nứt không ảnh hưởng lớn đến kết cấu, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình” - ông Mãn nói.
Đình Thiên (Đình Thiên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.