Vụ cây sâm Ngọc Linh chết hàng loạt tại Kon Tum: Cây sâm đã khỏe, không còn triệu chứng bệnh hại

Hoàng Lộc Thứ năm, ngày 21/07/2022 12:13 PM (GMT+7)
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn đã ổn định, không còn triệu chứng bệnh hại sau khi áp dụng biện pháp theo hướng dẫn của Sở NNPTNT tỉnh.
Bình luận 0

Ngày 21/7, Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum cho biết, đã có báo cáo gửi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh về việc cây sâm Ngọc Linh chết trên địa bàn.

Theo báo cáo của huyện Tu Mơ Rông, sau khi áp dụng các biện pháp theo hướng dẫn của Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum, cây sâm Ngọc Linh đã dần ổn định, không còn triệu chứng của bệnh hại. Về cơ bản đã khống chế được tình trạng sâm chết trong thời gian qua.

Vụ cây sâm Ngọc Linh chết như "ngả rạ" tại Kon Tum: Đã khống chế được bệnh hại trên cây sâm - Ảnh 1.

Đến nay, cây sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông đã dần ổn định, không còn triệu chứng của bệnh hại sau khi áp dụng các biện pháp theo hướng dẫn của Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum. Ảnh: H.L

Thời gian tới, Sở NNPTNT sẽ tiếp tục làm việc và phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung, Cục Bảo vệ thực vật để cập nhật những giải pháp, kỹ thuật mới trong phòng chống bệnh, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời bệnh hại trên cây sâm để người dân yên tâm sản xuất.

Trong khi đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản gửi các huyện về việc hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh. 

Theo đơn vị này, quy trình tạm thời kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum được ban hành vào năm 2017 vẫn còn hiệu lực nên đề nghị UBND các huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu để phổ biến cho nhân dân trên địa bàn thực hiện.

Chi cục Kiểm lâm cho hay, trong quá trình tập huấn cho người dân, các huyện cần lưu ý một số nội dung như lô thiết kế trồng sâm Ngọc Linh phải lựa chọn các vùng đất dưới tán rừng tự nhiên ở đai cao từ 1.500 m trở lên, còn giữ kết cấu rừng tự nhiên và có độ che phủ rừng từ 70% trở lên, giàu mùn, đủ ẩm. 

Vụ cây sâm Ngọc Linh chết như "ngả rạ" tại Kon Tum: Đã khống chế được bệnh hại trên cây sâm - Ảnh 2.

Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản gửi các huyện về việc hướng dẫn quy trình tạm thời kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh để từ đó phòng ngừa bệnh hại trên cây sâm có thể xảy ra. Ảnh: H.L

Đối với băng chừa, giữ nguyên hiện trạng, không tác động dưới mọi hình thức. Đối với băng trồng, chỉ được phát dọn dây leo, bụi rậm. Trong các băng trồng, thiết kế 3-4 luống trồng, mỗi luống rộng 1,5 - 2,0 mét để trồng sâm. Giữa các luống, phát dọn dây leo, bụi rậm tạo lối đi lại rộng 30-35cm.

Mật độ trồng khoảng 10.000 cây/ha , hàng cách hàng từ 40-45 cm, cây cách cây từ 30-35 cm.

Đất được cuốc toàn bộ, nhặt bỏ rễ cây, xới cho đất thật nhỏ, tơi xốp và san phẳng, sử dụng cây khô, cây đổ ngã be bờ làm luống sau đó rãi mùn núi dày 15-20 cm để trồng. 

Cây giống đem trồng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đủ 1 năm tuổi có 1 lá kép với năm lá chét có hình chân vịt, mọc ở đỉnh thân, cuống lá hình trứng ngược, hình mác hoặc bầu dục..

Như Dân Việt đã phản ánh trước đó, nhiều diện tích sâm Ngọc Linh của người dân 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) bỗng dưng bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt gây thiệt hại lớn về kinh tế của người dân.

Nhận được tin báo, Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum đã mời Trung tâm Bảo vệ thực vật Miền Trung (thuộc thuộc Cục Bảo vệ thực vật) đi kiểm tra thực địa và lấy mẫu lá, gốc, mẫu đất để phân tích, giám định mẫu. Kết quả phân tích trong các mẫu có nấm Rhizoctonia sp, Phytopthora.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem