Vụ cháy cây xăng: Tiếng "bom" cảnh báo

Thứ tư, ngày 05/06/2013 13:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ cháy cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội không phải là tiếng chuông mà là tiếng “bom” cảnh báo về an toàn cháy nổ không chỉ riêng Hà Nội mà tất cả các thành phố lớn, khu đông dân cư có kinh doanh cây xăng.
Bình luận 0
img

Còn nhớ, những lần nghe thông tấn vỉa hè đồn sắp tăng giá xăng (lần nào đồn cũng đúng), thì người dân chen nhau đi mua xăng về trữ. Không biết lợi được bao nhiêu đồng, nhưng những nhà có chứa các thùng xăng đó chẳng khác gì ôm bom tự sát. Người ta cứ hồn nhiên sinh hoạt, nấu nướng, ăn uống, trẻ con nô đùa khi trong nhà có những “quả bom” xăng.

Số đông người dân thiếu kiến thức và cả nhận thức về an toàn cháy nổ đã đành, nhiều cơ quan, đơn vị cũng chẳng hơn gì. Nếu so sánh những “quả bom” xăng chứa trong nhà riêng với những cây xăng dày đặc trong thành phố, khu dân cư, sẽ thấy cùng một tư duy đùa với lửa. Đồng ý khi cấp phép cho một cây xăng hoạt động, cơ quan chức năng bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy. Tuy nhiên, cái gọi là an toàn đó không thể đảm bảo khi cây xăng đặt giữa khu dân cư đông đúc.

Bởi vì, khi chung quanh cây xăng có nhà dân, quán ăn, cửa tiệm, thì rủi ro cháy nổ rất cao. Chỉ cần một sự vô ý của người đến mua xăng, một tác động từ bên ngoài, từ các nhà dân chung quanh thì cây xăng bị đe dọa. Mặt khác, một cây xăng không bao giờ an toàn tuyệt đối, mà có thể xảy ra cháy nổ vì một lý do bất kỳ.

Chính vì vậy, để hạn chế thiệt hại nếu xảy ra sự cố cháy nổ, điều mà các nước văn minh đã làm là không cho xây dựng cây xăng ở khu đông dân cư. Ở vị trí trống trải, một cây xăng cháy, cùng lắm là thiệt hại chỉ riêng với cơ sở kinh doanh đó, không gây hư hại, thương tích cho những người ở nhà bên cạnh như trường hợp cháy cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo ngày 3.6.

Cây xăng ở khu dân cư, bên đường phố đông đúc, nếu có xảy ra sự cố, nguy hiểm không chỉ do cháy nổ mà còn các tai nạn khác gây ra. Ngoài ra, còn dẫn đến mất điện, tắc đường, kẹt xe, ảnh hưởng đến sinh hoạt chung trong khu vực, sự đi lại của người dân.

Xin phép xây dựng cây xăng trong thành phố rất khó, nhưng có những thứ không mua được bằng ít tiền thì mua được bằng nhiều tiền, và tất nhiên cái giấy phép kinh doanh xăng dầu ở những điểm đắc địa cũng có thể mua được. Chưa kể các cây xăng đó là sân sau của ai đó, còn dân thường không có cơ hội dính vào. Vậy thì không khó để giải thích vì sao cây xăng mọc lên ngày càng nhiều ở các thành phố lớn, ở những nơi đông dân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem