Trả lời báo chí ngày 29.3, bà Đồng Thị Mạnh – Hiệu trưởng Trường mầm non xã Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, liên quan đến vụ việc học sinh 4 tuổi của trường bị bỏ quên, trường đang vào cuộc xác minh lại.
Cụ thể, theo lời của gia đình cháu Yến, cháu đã bị cô giáo Vương Thị Hương phạt đứng úp mặt vào trong nhà vệ sinh do cô phát hiện ra hai bạn xô ngã nhau. Sau giờ tan học cô đã quên cháu chỉ khi gia đình nhờ hệ thống phát thanh xã để tìm cháu cô Hương mới nhớ và gọi cho đồng nghiệp thông báo việc mình quên cháu Yến trong trường.
Trường mầm non nơi xảy ra vụ việc
Trong khi đó, trong tường trình, cô Vương Thị Hương và cô Vương Thị Loan phụ trách lớp này khẳng định không nhốt cháu Yến. Cô Hương cho biết, cô chỉ phạt đứng ở góc lớp. Sau đó đến giờ trả trẻ, trong lúc các phụ huynh đến đón con, cô Hương và cô Loan đã không bao quát hết được các học sinh nên cháu Yến đã chạy ra ngoài và nấp vào góc cô không nhìn thấy. Khi cô giáo về hết thì cháu chạy ra cổng đứng khóc. Lúc đó có cô Lan hàng xóm đi qua nên đưa cháu về nhà.
Các cô giáo chỉ nhận lỗi không trả trẻ tận tay phụ huynh, thiếu kỹ năng xử lý tình huống chứ không công nhận mình đã nhốt trẻ vào nhà vệ sinh và bỏ quên. Vì sự không đồng nhất này nên bà Mạnh cho biết trường sẽ phải xác minh lại. Lấy ý kiến của học sinh cũng là một bước tiến hành. Về việc lấy ý kiến học sinh, theo bà Mạnh trường sẽ hỏi xem các cháu trong lớp kể lại thể nào?
Tuy nhiên, biện pháp lấy ý kiến học sinh khiến nhiều người tỏ ý hoài nghi về độ xác thực khi độ tuổi các cháu mầm non còn quá nhỏ, mau quên, nhất là sau lùm xùm về phiếu khảo sát học sinh bị gãy chân tại trường Tiểu học Nam Trung Yên mới đây.
Chị Trần Phương Nhung (Đống Đa – Hà Nội) cho rằng, hỏi ý kiến của học sinh cũng là một cách nhưng chỉ nên coi đó là tư liệu tham khảo, chứ không thể coi đó là căn cứ kết luận vụ việc được: “Như con tôi đã học lên tới tiểu học nhưng mẹ nói điều này hôm trước hôm sau đã quên luôn và nói kiểu khác. Có thể các cháu không nói dối nhưng trí nhớ dài thì không thể tin tưởng được”.
Đồng tình với điều này, Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện phát triển giáo dục và trí tuệ Việt cho rằng, việc lấy ý kiến trẻ mầm non là không nên bởi vì trẻ mầm non, việc tự ý thức các em sẽ nói thật, từ hôm trước đến hôm sau các con có thể vẫn nhớ và nói được nhưng sự việc này đã xảy ra khá lâu rồi, chỉ cần 3 – 5 ngày là các em sẽ quên và không còn nhớ chính xác nữa. Trẻ 4 tuổi không có khả năng phản biện, nhận định sự việc đúng hay sai. Vì vậy, việc xác định tính xác thực từ các em rất mong manh.
“Việc lấy ý kiến học sinh còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm của nhà trường trong việc nhắc nhở và quán xuyến trách nhiệm của giáo viên đối với học sinh. Quan điểm của tôi là dù trẻ đúng hay cô đúng, nhà trường trước tiên vẫn phải xin lỗi học sinh, xin lỗi gia đình trước và cùng với gia đình tìm các giải pháp trấn an tâm lý cho học sinh này. Trải qua khoảng thời gian bị bỏ lại trong trường một mình và gào thét như thế chắc chắn em đó đã rất hỏang sợ, hoang mang tột độ rồi” – bà Lan Anh nói.
Chưa kể, theo ý kiến các chuyên gia, việc trả trẻ ở tuổi mầm non không tận tay bố mẹ, cháu ở đâu cô cũng không biết, trả về bố mẹ hay chưa cũng không rõ đã cho thấy sự tắc trách rất nghiêm trọng rồi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.