Từ vụ cô giáo bị học sinh ném dép ở Tuyên Quang: "Nghề giáo không được bảo vệ thì mọi đổi mới đều vô nghĩa"

Tào Nga - Gia Khiêm Thứ năm, ngày 07/12/2023 18:00 PM (GMT+7)
"Điều đáng sợ nhất, một ngày nào đó thế hệ trẻ sẽ nói với nhau rằng nghề giáo là nghề nguy hiểm, có chế độ đãi ngộ thấp và có bần cùng đến mấy cũng không vào sư phạm", thầy Nguyễn Duy Khánh chia sẻ.
Bình luận 0

Từ vụ cô giáo bị học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang: Nghề giáo là nghề cô đơn và nguy hiểm?

Mấy ngày qua, video ghi lại cảnh nhiều học sinh học tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang có hành vi dồn nữ giáo viên vào góc lớp, ném dép vào mặt cô gây bức xúc dư luận. Thứ Trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Minh cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị xử lý vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm nhà giáo trong cơ sở giáo dục.

Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra, làm rõ, tuy nhiên hình ảnh một mình cô giáo bị cả lớp hỗn hào, xúc phạm khiến ai nấy bất bình, thậm chí có người còn sử dụng từ "ám ảnh".

Chắc hẳn những ai quan tâm đến giáo dục đều không quên vụ ở Trường Tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long An gây chấn động cách đây chưa lâu. Một phụ huynh đã đến trường ép giáo viên quỳ gối 40 phút xin lỗi mới cho về lớp chỉ vì cô đã phạt học sinh có lỗi.

Hay vụ việc khác ở Trường THCS Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Cô giáo C.T.N nhắc nhở một nữ sinh không làm việc riêng nhưng học sinh này không nghe lời. Sau đó, cô N. đã thu giữ tài liệu của nữ sinh này. Ngay lúc đó, nam sinh N.V.M.T đứng dậy có lời lẽ thách thức, hạ nhục cô, thậm chí vừa chửi vừa bóp cổ cô N.

Một nghề vốn dĩ được cả xã hội tôn vinh, các lớp thế hệ học sinh biết ơn đến lúc trưởng thành vẫn tìm về... thì giờ đây bỗng chốc được coi như là một nghề... nguy hiểm và cô đơn.

img
img
img

Nhiều vụ học sinh, phụ huynh xúc phạm giáo viên khiến dư luận lo ngại. Ảnh: CMH

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự cho rằng: "Chuyện giáo viên ngày càng sợ học sinh, sợ phụ huynh, sợ cộng đồng mạng... là chuyện mà ai cũng biết. Còn cấp trên của họ lại sợ truyền thông, sợ cộng đồng mạng và sợ cấp trên cao hơn nữa... Kết quả là có chuyện gì xảy ra thì cứ đem thầy cô và nhà trường ra "xử" trước và "xử" nặng. Điều đó làm cho nỗi sợ của giáo viên và nhà trường trở lên lớn hơn bao giờ hết. Cùng với đó, học sinh và phụ huynh cũng trở nên quá đáng hơn bao giờ hết.

Giáo viên và nhà trường ngày càng có ít thẩm quyền và phương tiện để giáo dục trẻ. Chúng ta đòi hỏi họ rất nhiều nhưng không cho họ đủ thẩm quyền và phương tiện để giáo dục con cái chúng ta. Thầy cô giáo và nhà trường đang ở vị trí rất thấp và dễ dàng bị tấn công, bị bắt phải trả giá khi để xảy ra vấn đề".

Đổi mới sẽ vô nghĩa nếu học sinh, phụ huynh không tôn trọng giáo viên

Thầy Nguyễn Duy Khánh, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương, Vĩnh Phúc, hiện là giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội nói: "Điều đáng sợ nhất là một ngày nào đó thế hệ trẻ sẽ nói với nhau rằng nghề giáo là nghề nguy hiểm, có chế độ đãi ngộ thấp và có bần cùng đến mấy cũng không vào sư phạm, thì thực sự đáng quan ngại".

Thầy Khánh phân tích: "Khi một đứa trẻ bị lệch chuẩn, đây là sản phẩm lỗi của giáo dục, các bên đều có trách nhiệm. Xin đừng quy chụp và đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường, thầy cô. Cha mẹ hãy luôn đồng hành và kết nối với con. Xin bố mẹ đừng trao quyền hoàn toàn việc giáo dưỡng con cái cho nhà trường hay xã hội.

Dù ở môi trường công lập, dân lập, quốc tế,... hay bất kỳ một mô hình, hệ thống đào tạo nào, đừng bao giờ coi học sinh là "thượng đế". Nếu như coi giáo viên chỉ là nhân viên phục vụ cho một "mô hình kinh doanh giáo dục" và đưa học sinh, cha mẹ học sinh lên một mức "thượng đẳng", học sinh có thể coi thường các giáo viên đang giảng dạy. Thậm chí, ở một số tình huống, chỉ cần không làm hài lòng một học sinh VIP nào đó, mặc dù thầy cô không hề sai, thì một lá thư cảm ơn từ nhà trường sẽ chấm dứt luôn công việc của giáo viên đó.

Bao đời nay, ông cha ta luôn nhấn mạnh "Tiên học lễ, hậu học văn". Đạo đức học phải là một môn học được cả xã hội đẩy mạnh và chung tay. Tự bao giờ người ta lại tẩy chay, kỳ thị, mỉa mai những người hay nói về đạo lý, đạo đức, quan điểm và lối sống tích cực. Chúng ta phải nâng cao chuẩn mực đạo đức cho toàn dân, toàn xã hội mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Khi đó, trách nhiệm giáo dục học sinh của nhà trường, của thầy cô mới được san sẻ và có hiệu quả.

Từ bao giờ, chỉ một số rất ít thầy cô có thái độ, hành vi và hành động lệch chuẩn thì nhanh chóng viral toàn mạng xã hội, truyền thông. Biết bao người hả hê khi đọc những thông tin như thế. Trong khi có hàng triệu giáo viên đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Có biết bao thầy cô, nhân viên giáo dục đang vất vả, hi sinh ngày đêm, thanh xuân của mình với chế độ đãi ngộ khiêm tốn để làm đẹp cho đời, chỉ vì đam mê và theo nghiệp nhà giáo, thậm chí ở những nơi rất khó khăn như biên cương, hải đảo, ở vùng sâu, vùng xa.

Từ bao giờ, giáo viên lại không được bảo vệ đến như thế khi thầy cô phải chịu áp lực từ các phía. Không phải thầy cô nào cũng may mắn được công tác trong những môi trường chuyên nghiệp và an toàn. Không phải lúc nào thầy cô cũng được giảng dạy trong những lớp học toàn con ngoan, trò giỏi. Và một khi phải đối mặt với những học sinh cá biệt, dị biệt, lệch chuẩn đến mức đáng báo động, nhiều khi giáo viên cũng phải im lặng, chấp nhận ngó lơ và bỏ qua cho xong chuyện.

Có những tình huống học sinh xúc phạm cả về thể chất lẫn tinh thần giáo viên một cách quá đà, thầy cô tự vệ, phản ứng lại hoặc thiếu kiểm soát một chút là có thể sự nghiệp sẽ tan biến. Giáo dục không đòn roi là tốt nhưng giáo dục mà không có kỷ luật, kỷ cương, khuôn phép,  giáo viên không có quyền hành, nhà trường không có biện pháp mạnh với các học sinh này thì thực sự khó khăn.

Nếu cứ để tình trạng này diễn ra, những người có tâm và có năng lực không muốn theo con đường sư phạm nữa vì sẽ có nhiều ngành nghề an toàn hơn, có chế độ đãi ngộ cao hơn. Đến bao giờ truyền thống "tôn sư, trọng đạo" thực sự trả về đúng nguyên bản của nó. Đến bao giờ giáo viên luôn cảm thấy tự hào, hãnh diện và cảm thấy yên tâm vì mình theo con đường sư phạm.

Sao lại để các "kỹ sư tâm hồn", những "người truyền cảm hứng" lại trở nên yếu thế như lúc này? Bạo lực học đường bây giờ còn có thêm nội dung là học sinh, thậm chí là cha mẹ học sinh tấn công tinh thần, thể chất và sự an toàn của giáo viên, gia đình của giáo viên nữa. Nếu chúng ta không có một cuộc cách mạng để nâng cao vị thế của nhà giáo, không chung tay bảo vệ nhà giáo tốt hơn thì mọi sự đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đổi mới thi cử... cũng chẳng có nhiều ý nghĩa".

Công đoàn Giáo dục Việt Nam: Thực hiện nghiêm phương châm "Thầy ra thầy - Trò ra trò"

Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa ban hành văn bản số gửi Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ nhà giáo, người lao động trong các trường học.

Nội dung văn bản nêu rõ, vừa qua mạng xã hội và một số trang truyền thông đưa tin về vụ việc học sinh có hành vi vô lễ với giáo viên xảy ra tại Trường Trung học cơ sở Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày 29/11.

Ngay sau khi nắm tình hình từ lãnh đạo Công đoàn Giáo dục tỉnh Tuyên Quang, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn Giáo dục tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Sơn Dương xử lý vụ việc theo hướng: Kiên quyết xử lý hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm nhà giáo trong các cơ sở giáo dục.

Sự việc này liên quan đến nhà giáo, người lao động trong ngành giáo dục, vì vậy, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố đề xuất, phối hợp với Sở GDĐT và các đơn vị, trường học tăng cường các biện pháp giáo dục học sinh, thực hiện kỷ cương trường học, kỷ luật học đường.

Thực hiện nghiêm phương châm "Thầy ra thầy - Trò ra trò" trong các nhà trường; chỉ đạo công đoàn các trường học rà soát thông tin, nắm bắt các vấn đề nảy sinh, kịp thời can thiệp, giải tỏa, chấn chỉnh để không xảy ra các hiện tượng vi phạm quy định đạo đức nhà giáo, các hiện tượng học sinh vi phạm kỷ luật. Đặc biệt là các vấn đề về công tác quản lý, quản trị trường học.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện chỉ đạo công đoàn các trường học trên địa bàn có biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng của nhà giáo, người lao động; tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả Kế hoạch 103/CĐN ngày 2/4/2019 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về "Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới".

Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ giáo viên có năng lực nghề nghiệp vững vàng; có kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm; có trách nhiệm bảo vệ danh dự cá nhân và uy tín, danh dự của nhà trường, của ngành giáo dục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem