Vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang: Chuyên gia cũng giật mình

Tào Nga Thứ tư, ngày 06/12/2023 11:45 AM (GMT+7)
"Sẽ ra sao nếu trong gia đình, cha mẹ sai, con có quyền phi thẳng dép vào đầu cha mẹ?", chuyên gia đặt câu hỏi vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang.
Bình luận 0

Chuyên gia mổ xẻ vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang

Ngày 6/12, Thứ Trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Minh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị xử lý vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm nhà giáo trong cơ sở giáo dục trong vụ cô giáo ngất xỉu vì bị nhóm học sinh quây lại, ném dép vào người. Vụ việc này đang gây chấn động mạng xã hội trong 2 ngày qua. 

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chuyên gia giáo dục Đào Ngọc Cường nêu quan điểm: "Đứng dưới góc nhìn của chuyên gia một cách khách quan, tôi cho rằng đây là hệ quả của một quá trình mà ở đó trách nhiệm thuộc về người lớn.

Trước hết là đối với cha mẹ học sinh: Cha mẹ đã không giáo dục tốt con mình. Dù bất cứ lý do gì cha mẹ cần dạy con tôn sư trọng đạo. Trước khi học chữ, học văn hóa cần học làm người. Việc học sinh tấn công chửi bới, ném dép cô giáo là điều không thể chấp nhận được. Cha mẹ có lỗi lớn trong việc chưa giáo dục tốt cho con mình.

Đối với cô giáo: Theo thông tin, trước đó cô giáo đã bị nhà trường kỷ luật do có lời nói chưa đúng mực với học sinh. Ban đầu tôi xem video thấy học sinh tấn công trong khi cô giáo chỉ đứng yên không có phản ứng lại. Nhưng sau đó tôi đã xem được 2 video khác trong lớp học thấy cô giáo cầm dép lùa ném học sinh do bị học sinh chốt cửa và chửi bới, ném đồ... khiến tôi giật mình.

Tại sao cô giáo lại không gọi giáo viên chủ nhiệm, bảo vệ hay Ban giám hiệu để can thiệp? Cô đã không giữ được bình tĩnh để lùa chạy học sinh chạy tán loạn trong lớp như vậy là điều không nên làm của một giáo viên. Như vậy kỹ năng xử lý của cô giáo chưa tốt, cũng chưa làm chủ được cảm xúc.

Vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang: Chuyên gia giáo dục cũng giật mình - Ảnh 1.

Cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang. Ảnh cắt từ clip

Về phía Ban giám hiệu: Tại sao hiện tượng xảy ra như vậy mà Ban giám hiệu chưa xử lý dứt điểm để học sinh tái diễn như vậy? Tại sao việc xảy ra ồn ào từ lớp học đến hành lang trong quãng thời gian khá dài mà Ban giám hiệu không biết? Người đăng video lên mạng với mục đích gì? Những điều này là thuộc trách nhiệm của Ban giám hiệu. Một nhân viên đi làm trong bất cứ ngành nghề nào cũng cần được bảo vệ, đằng này là một giáo viên lại bị chính học sinh của mình tấn công. Bất cứ ai làm giáo dục cũng thấy tổn thương, có người còn không dám xem hết video này.

Phụ huynh, học sinh, giáo viên, Ban giám hiệu... những người có trách nhiệm cần ngồi lại xem xét một cách nghiêm túc và kiểm điểm. Ở đây là cả một tập thể lớp thì cần xem xét lại quá trình giáo dục nhân cách cho học sinh. Chúng ta cần thẳng thắn nhận trách nhiệm không đổ lỗi cho ai.

Theo chuyên gia Đào Ngọc Cường: "Hiện nay đang có hiện tượng cha mẹ nuôi chiều con quá mức cũng một phần dẫn đến sự vô ơn, ích kỷ của con cái với cha mẹ, thầy cô giáo như thế này".

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, hiện là Hiệu trưởng trường Song ngữ quốc tế Canada, chia sẻ, bối cảnh sự việc không rõ để phán xét đầy đủ bất cứ ai nhưng chắc chắn có lỗi của tất cả các bên liên quan từ giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu, học sinh, phụ huynh.

TS Nguyễn Thị Thu Huyền đặt ra nhiều câu hỏi cần làm rõ: Thứ nhất, giáo viên đã có những ứng xử như thế nào với học sinh để mâu thuẫn lớn tới mức này xảy ra? Không chỉ một học sinh tham gia tấn công cô mà có thể thấy là cả nhóm học sinh. Giáo viên cũng mất cả bình tĩnh khi cũng chạy quanh lớp ném dép và đuổi đánh học sinh. 

Vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang: Chuyên gia giáo dục cũng giật mình - Ảnh 2.

Liên quan đến vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang, lại có một clip khác cho thấy cô giáo cầm dép đuổi đánh học sinh gây tranh cãi. Ảnh cắt từ clip

Bà Huyền băn khoăn liệu cô có các vấn đề nào khác ngoài việc bị kích thích quá mức trong tình huống này?

Thứ hai, giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu đã từng được báo cáo về mâu thuẫn của giáo viên bộ môn và các em học sinh chưa? Các biện pháp hỗ trợ cả hai bên là gì? Đã can thiệp ở mức độ nào, hay chưa làm gì? Phạt cả hai đã đủ chưa hay cả hai cần sự hỗ trợ chứ không đơn giản là phạt?

Thứ ba, phụ huynh các em học sinh này có được các em, giáo viên, giáo viên chủ nhiệm chia sẻ về những vấn đề đang tồn tại với giáo viên hay chỉ được mời đến để thông báo khi các em bị kỷ luật và nhận hậu quả? Phụ huynh có được hỗ trợ trong việc uốn nắn hành vi của con mình? 

Từ vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang: Cần xây dựng lại hệ thống hỗ trợ giáo viên 

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, cơ sở Cầu Giấy, Hà Nội, nói rằng, hàng chục năm trước đây, điều kiện sống thiếu thốn, khó khăn hơn hiện nay nhưng phụ huynh đều nhận thức thầy là người trao truyền kiến thức, văn hoá cho con em mình. Ngày nay, không ít phụ huynh, học sinh không coi trọng người thầy.

"Khi học sinh thiếu đi sự tôn trọng đối với thầy cô, sẽ rất khó để giáo dục các em. Nói một cách khách quan, vị thế của người thầy ngày nay không được coi trọng, đặt ở vị trí tôn nghiêm. Trong khi, mỗi người làm nghề dạy học rất cần sự ghi nhận, tôn trọng để tiếp tục tâm huyết, tận hiến", thầy Bình nói.

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, nguyên chuyên viên Sở GDĐT TP.HCM cho hay: "Sự việc cô giáo dạy nhạc ở Tuyên Quang, tôi không quan tâm clip nào có trước, clip nào có sau. Tôi chỉ biết rằng một khi Ban Giám hiệu vẫn bố trí cho cô đứng lớp, có nghĩa là về mặt pháp lý cô vẫn được nhà trường thừa nhận cô đang là giáo viên. Đã là giáo viên của bất kỳ ngôi trường nào, đương nhiên, cô được cả một hệ thống của ngôi trường ấy bảo vệ: Ban Giám hiệu, Công đoàn, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và các bạn đồng nghiệp và các bác bảo vệ... Ấy vậy mà khi chuyện bị học trò xúc phạm, cô không hề gọi cho bất kỳ ai trong cái hệ thống ấy để hỗ trợ. Cùng cực của sự cô đơn, bị bỏ rơi sao?

Các bạn cho rằng "cô phải làm sao thì trò mới thế", các bạn đang vô tình tiếp tay cho một suy nghĩ ai cũng có thể thay pháp luật hành xử. Sẽ ra sao nếu trong gia đình, cha mẹ sai, con có quyền phi thẳng dép vào đầu cha mẹ? Sẽ ra sao nếu trong một xã hội mà trẻ con đến trường cho mình cái quyền được thay mặt nhà trường để xử lý cái sai một cách côn đồ, bầy đàn?".

Qua sự việc này, ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh nhấn mạnh: "Đã đến lúc và rất cấp thiết mỗi nhà trường phải xây dựng lại hệ thống hỗ trợ giáo viên. Đã đến lúc và rất cần thiết trong tất cả các cuộc phỏng vấn cho vị trí giáo viên, ngoài những câu hỏi liên quan đến lương, đến phát triển nghề nghiệp, các bạn giáo viên, sinh viên mới ra trường nên đặt câu hỏi nếu nhận tôi vào làm việc, tôi được nhà trường hỗ trợ gì trong việc xử lý khủng hoảng, trong những rủi ro do nghề nghiệp mang lại? Trên hết, đã đến lúc nhà trường cần kết hợp với gia đình cần dạy các em học sinh từ mầm non đến THPT cách thức phản đối với những điều mình cho là sai một cách bài bản, đúng nội quy".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem