Từ vụ cô giáo bị nhóm học sinh ném dép ngất xỉu ở Tuyên Quang: Nghề nguy hiểm và cô đơn?

Tào Nga Thứ sáu, ngày 08/12/2023 08:04 AM (GMT+7)
Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm, hành vi của học trò là không thể chấp nhận được, nhưng xét toàn diện, chúng ta cũng thấy phần nào thiếu sót của giáo viên.
Bình luận 0

Từ vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang: Vì sao giáo viên là nghề cô đơn và nguy hiểm?

Liên quan đến vụ cô giáo bị học sinh xúc phạm, ném dép vào người dẫn đến ngất xỉu ở Tuyên Quang gây bức xúc dư luận. Nhiều ý kiến cho biết, nghề giáo vô cùng nguy hiểm và trong nhiều hoàn cảnh, các thầy các cô dường như cô đơn khi "trăm dâu đổ đầu tằm". 

Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy giáo Lê Quốc Châu, giáo viên trường THPT Cù Huy Cận, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh chia sẻ: "Bình thường giáo viên không cô đơn nhưng khi đụng đến những vụ việc nhạy cảm, đụng đến dư luận xã hội, đụng đến quyền lợi và các mối quan hệ của cấp trên thì khi đó giáo viên mới cô đơn thật sự. 

Không ai dám lên tiếng vì sự thật, không ai dám bảo vệ mình. Giáo viên đa phần an phận thủ thường và có phần sợ hãi liên lụy đến công việc nên những lúc buộc phải lựa chọn đứng về phía người yếu thế hay "phe" hiệu trưởng thì gần như tất cả đều chọn về phía hiệu trưởng. Khi đó giáo viên rất cô đơn".

img
img

Cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh bao vây, xúc phạm. Ảnh: CMH

Cũng theo thầy Châu: "Hiện nay ở một số nơi, một số vùng nghề giáo cũng là nghề tiềm ẩn nguy cơ, nguy hiểm. Giáo viên vùng cao, việc đi lại khó khăn trên triền núi thì nguy hiểm về giáo thông, giáo viên vùng xuôi thì tiềm ẩn nguy cơ về học sinh ngổ ngáo, phụ huynh quá nuông chiều, bệnh vực con. Đặc biệt là nguy nhất là khi, giáo viên nào rơi vào một trường học mà hiệu trưởng cực đoan hay thù vặt cá nhân và bè phái. Nói chung, đã đến lúc cần đẩy mạnh xây dựng trường học hạnh phúc, tăng lương cho giáo viên và đào tư tương xứng cho giáo dục. Hãy nhìn các nước phát triển, văn minh làm giáo dục".

Từ vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang: "Tập thể sư phạm nhà trường phải biết nhắc nhở, giúp đỡ lẫn nhau"

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: Trong vụ việc học sinh ném dép, lăng mạ giáo viên xảy ra tại Tuyên Quang có hai vấn đề cần quan tâm, đó là công tác giáo dục học sinh và công tác bồi dưỡng giáo viên. Ở đây, hành vi của học trò là không thể chấp nhận được, nhưng xét toàn diện, chúng ta cũng thấy phần nào thiếu sót của giáo viên.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, giáo dục của ta hiện nay đang đi đúng hướng là bồi dưỡng, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh nhưng vẫn nặng về tuyên truyền mà chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát, đo đếm xem việc giáo dục đó đến được từng học sinh hay chưa.

Từ quan điểm trên, TS Tùng Lâm kiến nghị: công tác giáo dục nói chung, phòng chống bạo lực nói riêng cần bám vào "3 chữ lý" gồm: Tâm lý, quản lý và pháp lý.

Thứ nhất, giáo dục cần phù hợp tâm sinh lý học sinh thuộc từng lứa tuổi, từng cấp học và phù hợp với từng nhà trường, từng địa phương. Các nhà trường cần đưa nội dung giáo dục giá trị sống (giá trị yêu thương, tôn trọng, tha thứ, rút kinh nghiệm chịu trách nhiệm…), kỹ năng sống (kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, thương lượng, hòa giải…) vào chương trình chính khóa một cách nghiêm túc.

Các giờ dạy giá trị sống, kỹ năng sống có thể đặt ra nhiều tình huống để học sinh được trải nghiệm và biết cách giải quyết khi có vấn đề. Cùng với đó, học sinh cần được tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, khát vọng sống, xây dựng văn hóa phát triển bản thân.

Thứ hai, công tác quản lý của nhà trường phải đề cao tính kỷ luật, thầy ra thầy, trò ra trò, phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Trong vấn đề quản lý, cần đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, lực lượng hỗ trợ, giám sát để kịp thời phát hiện và đảm bảo an ninh an toàn trường học.

Thứ ba là pháp lý, đây là yếu tố rất quan trọng. Trong các vụ bạo lực học đường nói chung là sự việc nảy ra tại Tuyên Quang nói riêng, học sinh không những sai về đạo đức (vô lễ, không tôn sư trọng đạo) mà còn vi phạm pháp luật. Nếu gây nên hành vi vi phạm pháp luật thì các em phải đối diện với người thi hành pháp luật (Công an, chính quyền).

Từ vụ cô giáo bị nhóm học sinh ném dép ngất xỉu ở Tuyên Quang: Nghề nguy hiểm và cô đơn? - Ảnh 2.

Giáo viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội trong ngày tựu trường. Ảnh: Tào Nga

Khi nhà trường xảy ra các vụ việc bạo lực học đường, cùng với thầy cô, lực lượng chức năng cần có mặt ngay để phối hợp giải quyết trên cơ sở giám sát của phụ huynh. Song song với hình thức xử lý, các nhà trường cần tiếp tục có kế hoạch giáo dục học sinh để các em nhận thức được lỗi và phải tìm cách chuộc lỗi.

Các thầy cô giáo cần tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực sư phạm, kiến thức về tâm lý giáo dục cũng như kỹ năng quan sát học trò. Thầy cô cần dám nhận thiếu sót, xin lỗi học trò nếu sai, cần chia sẻ để học trò hiểu mình, khuyến khích động viên học trò và không dùng quyền làm thầy để áp chế học sinh.

Khi học sinh mắc lỗi mà chưa hiểu, người làm thầy cần kiên trì giải thích để học sinh thấu rõ, chia sẻ, như vậy mới không tạo bức xúc cho học sinh. Cùng với đó, thầy cô cũng nên trang bị các kỹ năng tự tháo gỡ, tự bảo vệ mình khỏi nguy hiểm và tìm kiếm người giúp đỡ trong trường hợp bị tấn công.

"Tập thể sư phạm nhà trường phải biết nhắc nhở, giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài kiến thức, đạo lý, điều quan trọng của thầy cô là giáo dục, noi gương cho học sinh bằng chính nhân cách và đạo đức của mình. Muốn có môi trường giáo dục an toàn, tôn trọng, cần kiên trì giáo dục, có phương pháp giáo dục đúng và phương pháp quản lý đúng", TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem