Xác định danh tính côn đồ
Vào sáng 17.9, sau gần 1 ngày kể từ khi phóng viên Báo NTNN thường trú tại Quảng Ngãi cùng 3 đồng nghiệp của các báo: Tuổi Trẻ, TTXVN và Báo Quảng Ngãi bị đối tượng Tuyển đánh bị thương khi đi tìm hiểu tình trạng khai thác cát trái phép tại bãi cát thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa; trong đó có 1 trường hợp phải đi cấp cứu tại BVĐK tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi đã có buổi làm việc với chính quyền xã Nghĩa Thuận.
Tại đây, ông Tôn Long Cần - Chủ tịch UBND và ông Nguyễn Ngọc Đi - Trưởng Công an xã đã cung cấp một số thông tin về quá trình xử lý vụ việc. Theo đó, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công an xã đã triệu tập đối tượng đánh 4 phóng viên bị thương. Đối tượng có tên chính xác là Bạch Ngọc Tuyển (sinh năm 1980), chứ không phải là Tiễn như đã đưa tin trước đó. Đối tượng này đăng ký thường trú tại thôn Mỹ Thạnh Bắc, cùng xã. Bước đầu đối tượng Tuyển khai nhận có dùng tay, chân và sử dụng đá nhặt ven đường tấn công và làm bị thương 4 phóng viên.
Cũng theo đại diện chính quyền Nghĩa Thuận, Tuyển là đối tượng chưa có tiền án, tiền sự và hiện đang làm việc cho Công ty TNHH Thành Đạt, có trụ sở tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành. Đây cũng là doanh nghiệp đã trúng thầu việc khai thác cát tại bãi Nam Phước, nhưng chưa được cơ quan thẩm quyền Quảng Ngãi cấp phép. “Việc Tuyển có phải là người nhà hay bà con của giám đốc doanh nghiệp này hay không, chúng tôi đang cho xác minh” – ông Cần nói thêm.
Công an huyện vào cuộc
Theo người dân thôn Nam Phước – nơi có bãi cát mà doanh nghiệp Thành Đạt đang khai thác - trước khi tấn công gây thương tích cho 4 phóng viên, Tuyển là người đứng ra thu "phí" trái phép tại bãi cát này. Khi người dân phản đối việc này bằng cách trình báo lên chính quyền xã Nghĩa Thuận thì Tuyển cùng đám đàn em lớn tiếng hăm dọa sẽ đến "xử' họ. Nhiều người vì quá sợ Tuyển đành làm ngơ để Tuyển muốn làm gì thì làm.
Khi các phóng viên vào cuộc xác minh việc khai thác cát trái phép tại bãi cát này, người dân rất phấn khởi. Ngay sau đó, nghe thông tin các phóng viên bị Tuyển tấn công, ai nấy đều phẩn nộ với Tuyển và lo lắng cho các phóng viên.
“Đây là một hành động rất côn đồ, coi thường chính quyền địa phương, coi thường pháp luật. Chúng tôi đề nghị cơ quan công an phải cương quyết, điều tra, xử lý nghiêm khắc hành vi côn đồ này, trả lại sự bình yên, trật tự cho thôn chúng tôi” - ông Võ Văn Tin, người dân ở xã Nghĩa Thuận bày tỏ.
Theo tìm hiểu của Báo NTNN từ một số người quen biết với đối tượng này thì Tuyển đã hành nghề "bảo kê" tại nhiều nơi ở một số tỉnh, thành trong nước. Một người quen thân với Giám đốc Công ty TNHH Thành Đạt khẳng định: Vì Tuyển là người thông thạo địa hình, lại có "máu mặt" ở địa phương nên công ty trên mới nhờ đứng ra để trông coi giúp bãi cát.
Vào trưa 17.9, làm việc với PV NTNN, trung tá Lê Văn Hợp - Đội trưởng Điều tra trật tự xã hội Công an huyện Tư Nghĩa cho biết: “Vụ việc đang được Công an huyện Tư Nghĩa tiếp nhận, điều tra, làm rõ. Từ trưa 16.9 cho đến thời điểm này, Công an huyện Tư Nghĩa đã cử cán bộ xuống làm việc với các đối tượng liên quan. Vấn đề chúng tôi đang tập trung là tại sao Tuyển lại tấn công 4 phóng viên, động cơ nào khiến Tuyển có hành vi như vậy”.
Về phía chính quyền, ông Huỳnh Chánh - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa khẳng định: Tôi đã chỉ đạo cho Công an huyện khẩn cấp điều tra làm rõ, để xử lý theo pháp luật. Quan điểm của địa phương là phải bảo vệ an toàn đến mức tối đa cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp trên địa bàn.
Vào chiều 17.9, ông Hà Minh Đích - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi; ông Nguyễn Đăng Lâm - Trưởng TTXVN tại Quảng Ngãi và ông Huỳnh Đức Minh - quyền Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi cho biết: Đã có văn bản gửi các cấp ngành chức năng của tỉnh và huyện Tư Nghĩa để yêu cầu làm rõ vụ việc.
Ông Hà Minh Huệ - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN: Tôi rất bức xúc!
Tôi đang đi công tác nước ngoài nên chưa nắm rõ vụ việc. Tuy nhiên, việc phóng viên Báo NTNN cùng 3 báo khác bị hành hung, cá nhân tôi và Hội Nhà báo rất bức xúc. Việc phóng viên đi công tác bị hành hung trước mặt cơ quan công an, cần phải xử lý nghiêm. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ làm công văn gửi tới cơ quan chức năng Quảng Ngãi đề nghị làm rõ vụ việc.
Thắng Quang (ghi)
Luật sư Phạm thị Bích Hảo (Công ty Luật Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội): Cần chế tài mạnh
Hành vi của Tuyển đối với các phóng viên có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích. Bên cạnh đó, trước sự ngăn cản của công an viên xã Nghĩa Thuận mà Tuyển vẫn dùng đá ném phóng viên và hăm dọa truy sát phóng viên là có dấu hiệu của tội “chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 257, Bộ luật Hình sự. Trường hợp các phóng viên đang tác nghiệp thì hành vi của các đối tượng tấn công vào 4 nhà báo đã vi phạm Điểm d Khoản 1 Điều 15 Luật Báo chí (sửa đổi năm 1999). Hành vi này có thể bị phạt từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Trong tình hình diễn biến tội phạm có chiều hướng phức tạp, thì việc tham gia đấu tranh của báo chí có vai trò hết sức quan trọng. Pháp luật cần phải có biện pháp bảo vệ phóng viên, nhà báo mạnh mẽ hơn.
Lê Chiên (ghi)
Xử lý nghiêm minh, đến nơi đến chốn
Tôi cũng đã từng gặp và biết Tuyển. Đây là một đối tượng hung hãn ở địa phương. Người dân lương thiện trong vùng gần như không ai dám "dây" vào Tuyển. Vừa rồi nghe Tuyển đánh các nhà báo, bà con rất phẫn nộ. Và qua thông tin báo, đài nhiều người cảm thấy giận dữ hơn khi Tuyển tiếp tục tấn công phóng viên ngay trước mặt lực lượng công an xã. Thế nhưng, người dân nơi đây cũng tin vào sự nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý những kẻ có hành vi côn đồ như Tuyển.
Nguyễn Văn T, người dân ở xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi)
Ngay cả khi có mặt của lực lượng Công an xã Nghĩa Thuận, mà đối tượng Tuyển vẫn dùng đá tấn công và làm bị thương các nhà báo thì tôi mới hiểu nguyên nhân vì sao, nạn khai thác cát trái phép không bị chính quyền xã Nghĩa Thuận ngăn cản và xử lý. Các nhà báo là đại diện cho dân đứng ra phản ánh bức xúc mà bản thân họ vì nhiều lý do không dám lên tiếng. Các cấp ngành của huyện Tư Nghĩa và tỉnh Quảng Ngãi cần phải xử lý nghiêm khắc những đối tượng hành hung các nhà báo.
Lê Thanh Tùng, người dân TP.Quảng Ngãi
Pháp luật cần xử lý đến nơi đến chốn và thật sự nghiêm minh những đối tượng có hành vi hành hung đối với các phóng viên khi tác nghiệp, nhằm mục đích để răn đe những kẻ khác. Bởi lẽ, khi phóng viên tác nghiệp, nhất là đi tác nghiệp theo hình thức điều tra thì bản thân các phóng viên luôn đối mặt với nguy hiểm. Do đó, pháp luật cần có những chế tài (hành chính và cả trách nhiệm hình sự) thật nghiêm khắc đối với những người hành hung phóng viên, vì rõ ràng hành động này nhằm vào mục đích công vụ của phóng viên.
Trần Minh Bảo – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu
Khi phóng viên đi tác nghiệp có nghĩa là họ đang thực hiện công vụ, nếu trong trường hợp có người đe dọa hay hành hung phóng viên thì cũng cần phải xem xét, xử lý những đối tượng này theo tội “chống lại người thi hành công vụ” đã được quy định theo pháp luật. Ngoài ra, phóng viên là những người xung kích trên mặt trận chống tiêu cực, là tiếng nói chân thật của các tầng lớp nhân dân. Vì vậy tôi thiết nghĩ pháp luật cần có một quy định xử lý cụ thể, đủ mạnh để bảo vệ phóng viên trong trường hợp họ bị xâm hại.
Nguyễn Hữu Đành – cán bộ hưu trí xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (Cà Mau)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.