Vụ CSCĐ đưa tay cho em bé cắn: Sơ cứu trẻ co giật thế nào cho đúng?

Hải Nguyên Thứ hai, ngày 05/08/2019 16:13 PM (GMT+7)
Hình ảnh một đại úy cảnh sát cơ động (CSCĐ) gắng sức chịu đau, đưa tay cho một cổ động viên nhí bị co giật cắn gây sốt cộng đồng mạng. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh hành động đẹp của anh đại úy trẻ. Vậy, sơ cứu trẻ bị co giật như thế nào cho đúng?
Bình luận 0

Cuối tuần qua, trong trận cầu giữa đội Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai trên sân Thiên Trường, một cổ động viên nhí lên cơn co giật, có dấu hiệu cắn lưỡi và ngất xỉu trên khán đài.

Trong lúc đưa cháu bé ra khu vực cấp cứu, đại úy Trần Đức Giảng (Phòng CSCĐ, Công an tỉnh Nam Định) là người đã đưa tay vào miệng để cháu bé cắn. Hình ảnh được phóng viên ảnh ghi lại và được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.

img

Bức ảnh hai chiến sĩ CSCĐ cứu em bé. Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn (Sport 5.vn).

Chứng kiến hình ảnh này, nhiều bác sĩ cho rằng, đây là hành động đẹp, có ý nghĩa và rất đáng biểu dương. Tuy vậy, về mặt y học, hành động này chưa đúng trong xử lý sơ cứu trẻ bị co giật. Trong nhiều trường hợp, việc đưa tay, vật cứng vào miệng trẻ bị co giật không những không giúp được trẻ mà có thể gây hại cho người bệnh.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM chia sẻ, khi trẻ lên cơn co giật sẽ trải qua 4 giai đoạn, gồm co cứng - co giật - ngưng thở và hôn mê. Quan trọng nhất là sau giai đoạn co giật, bệnh nhân có tự thở được hay không khi đó mới cần can thiệp (hô hấp nhân tạo), tuy nhiên rất hiếm trường hợp ngưng thở sau co giật.

Do đó, các việc không nên làm khi sơ cứu bệnh nhân co giật như vắt chanh vô miệng, tì đè người bệnh để dừng cơn co giật, đút vật cứng vào giữa hai hàm răng… Riêng việc cố gắng đút vật cứng vào giữa 2 hàm răng là 1 việc làm khó khăn và không cần thiết vì ít khi lưỡi bị chấn thương nặng, thường chỉ là trầy xước và sẽ tự khỏi. Ngoài ra, việc cố chèn trong lúc 2 hàm răng bệnh nhân đang cắn chặt có thể làm gãy răng hay làm tụt răng (giả) vào trong hoặc có thể làm sai khớp thái dương-hàm.

Bác sĩ Hiển cho rằng, không di chuyển bệnh nhân trong lúc đang co giật. Thay vào đó, cần quan sát bệnh nhân có tự thở được sau cơn co giật không, nếu không thì mới cần can thiệp. Nếu sau 2-3 phút mà cơn co giật vẫn tiếp tục thì cần đưa bệnh nhân vào bệnh viện.

img

Hình ảnh phóng viên báo Tổ Quốc ghi lại trên sân Thiên Trường.

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM), co giật thường chỉ xảy ra ở trẻ 6 tháng đến 7 tuổi, nếu ngoài lứa tuổi này mà sốt giật thì coi chừng bệnh não hay động kinh.

Co giật thường xảy ra ở trẻ có di truyền, sốt cao 39 độ và nhiệt độ lên nhanh. Khi trẻ bị co giật do sốt, người nhà cần bình tĩnh. Co giật do sốt cao thường khó ảnh hưởng nhiều đến não.

Đặt người bệnh nằm nghiêng sang một bên, ở nơi thông thoáng và cởi bớt quần áo để hạ nhiệt. Nếu sốt cao phải nhét thuốc hạ sốt, sốt nhẹ thì lau mát bằng nước ấm vào các vùng nách, bẹn…

“Không cần đưa bất cứ vật gì vào miệng vì không có tác dụng gì, có thể gây nguy cơ tổn thương niêm mạc miệng, gãy răng gây hít sặc, nhất là ở trẻ nhỏ còn răng sữa chưa ổn định. Tuyệt đối không nặn chanh vào miệng, người co giật đang mất ý thức sẽ không nuốt được và sặc vào phổi gây viêm phổ, suy hô hấp”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Bác sĩ Khanh cũng thông tin, trẻ đã từng 1 lần co giật do sốt có thể sẽ bị lại, cần có cặp nhiệt độ và thuốc hạ sốt (nhét và uống) tại nhà, 38 độ là cho uống thuốc, lau mát khi chờ thuốc ngấm. Khi bé sắp/dọa co giật, sốt run người, hoảng hốt cũng phải cho bé uống thuốc, lau mát để hạ sốt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem