Vụ cựu trụ trì chùa Phước Quang lừa đảo: Viện KSND cấp cao xác định có vi phạm tố tụng, cần hủy án sơ thẩm

Đình Việt - Cao Hùng Thứ bảy, ngày 27/08/2022 14:03 PM (GMT+7)
Viện KSND cấp cao tại TP.HCM vừa kháng nghị vụ Phạm Văn Cung - cựu trụ trì chùa Phước Quang theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vì có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.
Bình luận 0

Tòa sơ thẩm buộc Phạm Văn Cung trả lại các bị hại 63 tỷ đồng, phong tỏa 4 thửa đất

Theo nguồn tin của Dân Việt, Viện KSND cấp cao tại TP. HCM vừa ban hành kháng nghị vụ Phạm Văn Cung – cựu trụ trì chùa Phước Quang, kiêm Giám đốc Trung tâm Cô nhi viện Suối nguồn tình thương ở thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long và Nguyễn Tuấn Sĩ (54 tuổi, ngụ Vĩnh Long) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ cựu trụ trì chùa Phước Quang lừa đảo: Bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Văn Cung tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: PLO

Theo bản án sơ thẩm, trong thời gian làm trụ trì chùa Phước Quang và Giám đốc Trung tâm Cô nhi viện Suối nguồn tình thương, Cung đã lợi dụng danh nghĩa của 2 đơn vị này tìm cách liên hệ gặp nhiều người có điều kiện kinh tế, giới thiệu về công việc từ thiện của mình để họ cảm thông và trợ giúp.

Khi có đoàn từ thiện đến, Cung cho thêm các trẻ em bên ngoài vào mặc áo đồng phục để các bị hại tin tưởng rằng trung tâm nuôi dạy rất nhiều trẻ em và hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Cung còn chủ động làm quen với các bị hại rồi dựng lên các sự kiện không có thật như dựng chuyện bị bắt cóc, lâm trọng bệnh, sửa chữa chùa, đang trốn nợ ở nước ngoài,… để chiếm đoạt tiền của nhiều người.

Cung còn giới thiệu mình có quen với nhiều lãnh đạo cấp cao ở Trung ương, Đặc phái viên quốc tế; làm nhiều video tự PR mình trên mạng xã hội… quảng bá hình ảnh, tạo lòng tin cho nhiều người để lừa tiền chi xài cá nhân.

Để thực hiện hành vi, Cung đã lôi kéo Nguyễn Tuấn Sĩ và Lê Nguyên Khoa (34 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cùng tham gia.

Bằng các thủ đoạn gian dối, Cung và các đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bốn người với tổng số tiền hơn 67,7 tỉ đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Phạm Văn Cung mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh, Sĩ bị tuyên 3 năm tù. Còn Lê Nguyên Khoa (36 tuổi, thư ký giúp việc của Cung) hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã.

Sau khi trừ tiền đã khắc phục, tòa buộc Cung trả lại các bị hại 63 tỷ đồng. Cơ quan công tố đã phong tỏa 4 thửa đất và tài khoản ngân hàng của Cung để đảm bảo việc bồi thường.

Phải thu hồi tiền Cung đã chuyển cho 261 người để trả lại cho bị hại

Tuy nhiên, tại kháng nghị, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng, tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt các bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ.

Nhưng bản án sơ thẩm không tuyên buộc những người nhận được số tiền có được do phạm tội mà có để thu hồi hoàn trả lại cho những người bị hại là không đúng theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, cấp sơ thẩm đã chứng minh, làm rõ được sau khi chiếm đoạt của những người bị hại, Cung đã chuyển cho 273 người, với tổng số tiền là 77,7 tỷ đồng.  

Trong đó, có 261 người nhận được số tiền 75,1 tỷ đồng xác định được nhân thân, lai lịch cụ thể và 12 người nhận 2,6 tỷ đồng không rõ họ tên, địa chỉ.

Trong số tiền Cung đã chuyển vào tài khoản của 261 người mà cấp sơ thẩm đã xác định được, có một số là chuyển khoản để thanh toán các khoản nợ trước đó của bị cáo với những người này và hiện tại Cung vẫn còn nợ những người này.

Ngoài ra, Cung còn sử dụng số tiền chiếm đoạt được để thanh toán các dịch vụ pháp lý, thanh toán tiền mua vật tư sửa chữa chùa, thanh toán tiền làm đường giao thông nông thôn và cầu ở xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn.

Thanh toán tiền đóng bàn ghế, thanh toán tiền vé máy bay, thanh toán tiền thuê sim điện thoại, chuyển tiền làm từ thiện, thanh toán các dịch vụ sinh hoạt khác....

Từ đó, có căn cứ xác định đây là tiền tang vật của vụ án cần phải thu hồi để hoàn trả cho những người bị hại.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm cho rằng: Những người đã nhận chuyển khoản từ Cung, họ nhận tiền ngay tình không biết số tiền này do Cung chiếm đoạt của các bị hại, không đồng ý nộp lại.

Thấy rằng, những người nhận tiền từ Cung chuyển đã xác định số tiền những người này nhận là do Cung trả nợ đã thiếu trước đó, thanh toán tiền nợ thay cho Cung.

Cung thanh toán các dịch vụ sinh hoạt nên khoản tiền Cung chiếm đoạt đã chuyển sang cho người khác để thanh toán các khoản nợ và các sinh hoạt khác là các giao dịch dân sự hợp pháp thì quyền định đoạt các khoản tiền đó thuộc về các chủ sở hữu đã nhận, khoản tiền đó không còn sự quản lý của bị cáo Cung và nó không là vật chứng trong vụ án, nên không thu hồi trả cho các bị hại là đúng quy định của pháp luật.

Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng, tòa sơ thẩm nhận định như trên là không có căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Bộ luật hình sự.

Mặt khác, bản án sơ thẩm không đưa 261 người này tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng, là vi phạm nghiêm trọng tố tụng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 245 và điểm d khoản 1 Điều 280 Bộ luật tố tụng hình sự.

Đồng thời, làm ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề quyết định hình phạt của bị cáo trong vụ án, vì liên quan đến vấn đề bồi thường trách nhiệm dân sự và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

Vì các lẽ trên, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM quyết định kháng nghị toàn bộ bản án hình sự sơ ngày 14/4/2022 của TAND tỉnh Vĩnh Long.

Đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm nêu trên để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem